Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Một số tồn tại ở Tổng Công ty Tân Càng Sài Gòn

Thứ Ba, 04/08/2020 10:46 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Thời gian qua, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhận được nhiều phản ánh liên quan đến một số tồn tại diễn ra tại Công ty TNHH MTV Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn).

Tổng công ty lớn...

Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn là đơn vị hoạt động kinh doanh đa lĩnh vực được thành lập ngày 15/03/1989 theo quyết định 41/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Từ tháng 12/2006, Công ty chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Ngày 09/02/2010, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 418/QĐ-BQP chuyển Công ty Tân Cảng Sài Gòn thành Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (gọi tắt là Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn). Với hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn được biết đến là một đơn vị hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như: Dịch vụ hàng hải, dịch vụ đại lý tàu biển, dịch vụ đại lý vận tải đường biển, dịch vụ môi giới hàng hải, dịch vụ cung ứng tàu biển, dịch vụ kiểm đếm hàng hóa, dịch vụ lai dắt tàu biển, dịch vụ logistics, dịch vụ khai thuế hải quan, dịch vụ vệ sinh tàu biển, dịch vụ khu vực cảng mở, mua bán phân loại, lưu trữ, bảo quản, sửa chữa bao gói, đóng gói hàng hóa (trừ đóng gói thuốc bảo vệ thực vật); sửa chữa bảo dưỡng phương tiện vận tải; bốc xếp hàng hóa; kho bãi và lưu trữ hàng hóa…

 Dịch vụ cảng biển của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn. (Nguồn: saigonnewport.com.vn)

Tính đến thời điểm hiện nay, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn có 5 công ty TNHH MTV do Tổng Công ty nắm giữ 100% vốn điều lệ; 16 công ty là công ty cổ phần do Tổng Công ty nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; 10 công ty do công ty mẹ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Năm 2018, tổng doanh thu toàn Tổng Công ty đạt 17.439 tỷ đồng tăng 63,79% doanh thu thực hiện năm 2017, trong đó: Công ty mẹ đạt 8.269 tỷ đồng, tăng 19,27% so với doanh thu thực hiện năm 2017; Các công ty con đạt 9.170 tỷ đồng, tăng 29,05% so với doanh thu thực hiện năm 2017. Về lợi nhuận, toàn Tổng Công ty đạt 2.016 tỷ đồng, tăng 26% so với lợi nhuận thực hiện năm 2017, trong đó: Công ty mẹ đạt 1.135,2 tỷ đồng, tăng 14% so với lợi nhuận thực hiện năm 2017; Các công ty con đạt 880,8 tỷ đồng, tăng 29,2% so với lợi nhuận thực hiện năm 2017...

Một số tồn tại...

Cụ thể, theo phản ánh của bạn đọc và tìm hiểu của phóng viên, trong năm 2018, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đã để xảy ra một số tồn tại trong việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản. Điển hình là việc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn xác định nộp lợi nhuận sau thuế về quỹ điều tiết của Bộ Quốc phòng thực hiện sau khi đã phân phối lợi nhuận vào các quỹ (Quỹ đầu tư phát triển; Quỹ khen thưởng, phúc lợi và trích quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên theo quy định của pháp luật) chưa đúng theo quy định tại Điều 27 Quy chế tài chính của Tổng Công ty năm 2017. Theo thứ tự phân phối lợi nhuận tại Điều 27 Quy chế tài chính của Tổng Cty năm 2017, thì Tổng Công ty đã trích quỹ đầu tư phát triển tăng không đúng số tiền 30 tỷ đồng, dẫn đến xác định thiếu lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách Nhà nước sau khi phân phối vào các quỹ nêu trên.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Cảng Tân cảng – Cái Mép Thị Vải (tên viết tắt TCTT) còn hạch toán chi phí trả trước tăng không đúng vào chi phí trong năm 2018 với số tiền hơn 3,5 tỷ đồng. Được biết, nguyên nhân do công ty không thực hiện phân bổ chi phí sửa chữa nâng cấp hệ thống bích neo của dự án nâng cấp cầu cảng thuộc Cảng Tân cảng Cái mép Thị vải cho tàu 160.000 DWT là khoản chi phí phục vụ cho hoạt động kinh doanh của nhiều kỳ kế toán, nhưng công ty không thực hiện phân bổ cho nhiều kỳ mà hạch toán toàn bộ vào chi phí sản xuất kinh doanh trong năm 2018. Việc làm này đã vi phạm các quy định tại Thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.

Đặc biệt, theo các tài liệu phóng viên thu thập được, trong công tác quản lý tài sản cố định, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn và 3 công ty con đã hạch toán tăng không đúng chi phí khấu hao tài sản cố định số tiền hơn 17 tỷ đồng:  Tổng Công ty hạch toán tăng không đúng chi phí khấu hao tài sản cố định hơn 14,7 tỷ đồng. Tương tự, Công ty CP Kho vận Tân cảng tăng không đúng hơn 1,1 tỷ đồng; Công ty CP Vận tải thủy Tân Cảng tăng không đúng hơn 160 triệu đồng; Công ty CP Dịch vụ Biển Tân Cảng hạch toán tăng không đúng khấu hao tài sản cố định hơn 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tổng Cty Tân cảng Sài Gòn và 2 công ty con hạch toán thiếu nguyên giá tài sản cố định số tiền hơn 35,5 tỷ đồng đối với tài sản đi thuê và các công cụ, thiết bị đủ điều kiện ghi nhận tăng nguyên giá tài sản cố định thuê tài chính và tài sản cố định hữu hình; từ đó dẫn đến việc phân bổ tăng không đúng chi phí là gần 4,5 tỷ đồng. Cụ thể: Tổng Công ty là hơn 4 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Hoa tiêu Tân Cảng là hơn 192 triệu và Công ty CP Vận tải bộ Tân Cảng là hơn 200 triệu đồng.

Đối với việc đầu tư tài chính dài hạn, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn hạch toán tăng không đúng chi phí trích lập dự phòng gây tổn thất đầu tư tài chính dài hạn hơn 53,1 tỷ đồng tại Công ty TNHH container Quốc tế Hải Phòng. Nguyên nhân được cho là, do Công ty TNHH container Quốc tế Hải Phòng đang trong giai đoạn lỗ kế hoạch theo phương án đầu tư của dự án, Tổng Công ty thực hiện trích lập dự phòng là không đúng đối tượng được trích theo quy định tại Thông tư số 89/TT-BTC của Bộ Tài chính. Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn còn xác định tăng không đúng chi phí, dẫn đến xác định thiếu thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền lên đến trên 43,8 tỷ đồng khi trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính tại Cty TNHH Tân Cảng – Petro Cam Ranh...

Nhóm PV Ban Ban đọc

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN