Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Một quy định, nhiều góc nhìn

Thứ Hai, 10/10/2022 16:02 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đầu năm học 2022 - 2023, việc một trường học tại TP Hồ Chí Minh ban hành quy định không thu quỹ lớp, không đóng quỹ khuyến học và không thu quỹ cha mẹ học sinh đã thu hút sự chú ý của số đông phụ huynh, cũng như các nhà quản lý giáo dục. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là quy định phù hợp, góp phần hạn chế những biểu hiện tiêu cực, lạm thu trong môi trường sư phạm.

Cụ thể, những ngày đầu năm học mới 2022 - 2023, Ban Giám hiệu Trường THCS Lê Quý Đôn, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đã có thông báo về việc phụ huynh không được đóng quỹ lớp, không đóng quỹ khuyến học, không đóng quỹ Ban Đại diện cha mẹ học sinh. Đặc biệt, phụ huynh muốn tài trợ cho nhà trường phải có văn bản đồng ý của Phòng Giáo dục - Đào tạo. Theo cô giáo Nguyễn Thị Diễm Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, việc này đã được nhà trường thực hiện từ nhiều năm nay, kể từ ngày cô là lãnh đạo cao nhất của Trường. Toàn trường có gần 2.700 học sinh. Năm học này, Nhà trường tiếp tục thực hiện không thu quỹ lớp, quỹ khuyến học, quỹ Ban Đại diện cha mẹ học sinh. Việc đóng góp của phụ huynh học sinh hay vận động tài trợ, tất cả phải đều thực hiện đúng, nghiêm túc theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT (Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh) và Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT (tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân). Ban Đại diện cha mẹ học sinh các lớp tự thu xếp, khi cần dùng gì thì sẽ bàn với giáo viên chủ nhiệm thu và chi luôn; không thu một khoản từ trước dành cho quỹ lớp. Phụ huynh tài trợ thì cần có kế hoạch vận động rõ ràng, được Phòng Giáo dục - Đào tạo phê duyệt mới được thực hiện.

 Lễ khai giảng năm hợc 2022 - 2023 của Trường THCS Lê Quý Đôn, TP Thủ Đức,  TP Hồ Chí Minh. (thcslequydonthuduc.hcm.edu.vn). 

Không phải ngẫu nhiên quy định nói trên của Trường THCS Lê Quý Đôn lại thu hút sự quan tâm từ phía dư luận. Bởi đã thành quy luật, đầu năm học mới từ lâu đã là thời điểm khiến nhiều phụ huynh lo lắng về tình trạng lạm thu với quá nhiều khoản tiền đầu năm được các trường học, Ban Đại diện phụ huynh đề xuất.

Thực tế, hằng năm trước khi năm học mới bắt đầu, các cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền địa phương đều có văn bản quy định về các khoản thu trong trường học. Nhiều địa phương quy định rõ từng khoản thu cụ thể được thu và không được thu. Điển hình như năm học 2022 - 2023, Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hà Nội quy định, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, không được thu 7 khoản gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Hoặc như TP Hải Phòng, tỉnh Nam Định, Ninh Bình… cũng có hướng dẫn chi tiết các khoản thu và mức thu trong các cơ sở giáo dục công lập năm học 2022 - 2023. Quy định cụ thể là vậy, song trên thực tế một số nơi vẫn diễn ra tình trạng phụ huynh “đau đầu” vì vô số các khoản thu đầu năm học mới. Thậm chí, nhiều trường hợp, Ban Đại diện cha mẹ học sinh còn bị coi là nơi “hợp thức hóa” những khoản thu ngoài quy định. Liên quan đến vấn đề này, TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư chia sẻ: “Phụ huynh vẫn phải chi rất nhiều cho giáo dục, trong đó các khoản nặng gánh là học thêm, quỹ trường, lớp… thậm chí có trường còn yêu cầu học sinh phải tự mua cả ghế ngồi”.

 Việc thực hiện công khai, minh bạch các loại quỹ trong những cơ sở giáo dục luôn có ý nghĩa quan trọng. (Ảnh: Dương Liễu).

Hơn 20 năm công tác trong ngành giáo dục, cô Phạm Thu Trang, một giáo viên ở TP Hà Nội chia sẻ, vào thời điểm đầu năm học mới khi chuyện đóng tiền đang rất nhạy cảm và các quy định "siết" về lạm thu, việc Trường THCS Lê Quý Đôn cấm 3 loại quỹ trên thu hút sự quan tâm của dư luận cũng là điều dễ hiểu. Tôi nghĩ, quy định của Trường này khá hợp lý. “Có việc thì Ban Đại diện cha mẹ học sinh các lớp sẽ bàn với giáo viên chủ nhiệm thu và chi luôn; các công trình, nội dung phụ huynh tài trợ thì cần có kế hoạch vận động rõ ràng, được Phòng Giáo dục - Đào tạo phê duyệt. Điều này sẽ giúp hạn chế việc lạn thu, ngăn ngừa những tiêu cực trong sử dụng các loại quỹ. Vấn đề quan trọng là bảo đảm tính công khai, minh bạch trong sử dụng các nguồn tiền vận động, xã hội hóa”, cô Phạm Thu Trang nhấn mạnh.

Được biết, liên quan đến hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh và các khoản thu chi, mới đây, khi tiếp xúc cử tri TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Bộ đang xem xét sửa đổi thông tư quy định hoạt động của Hội cha mẹ học sinh.

Ở góc nhìn khác, theo PGS, TS Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục- ĐHQG Hà Nội), trong bối cảnh chung, nguồn kinh phí ngân sách bảo đảm cho các trường công lập hiện còn khá nhiều khó khăn. Các cơ sở giáo dục có thể tìm nhiều cách huy động các nguồn lực xã hội hóa. Thực tế, cũng có không ít phụ huynh, nhất là những phụ huynh có điều kiện mong muốn được đóng góp một phần kinh phí hỗ trợ nhà trường để con em họ có điều kiện học tập tốt hơn. Vấn đề là làm như thế nào để việc huy động "xã hội hóa" trở nên rõ ràng, minh bạch và đúng bản chất của tự nguyện.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh ban hành kèm theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT đã quy định rất rõ về kinh phí hoạt động, quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh; nguyễn tắc quyên góp; các khoản mà Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học… Do đó, các nhà trường cần thực hiện nghiêm túc các quy định nói trên; tránh trường hợp những khoản thu phát sinh nhưng không được công khai và không có sự thỏa thuận với phụ huynh.

Bên cạnh đó, có thể tạo cơ chế để các nhà trường có thể gây quỹ một cách hợp pháp, ví dụ các trường có thể sáng tạo tổ chức các cuộc thi trình diễn tài năng, đấu giá nghệ thuật, chạy bộ để gây quỹ… Việc quản lý, sử dụng quỹ phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; báo cáo công khai quyết toán kinh phí rõ ràng, cụ thể.

Thực tế, vào thời điểm đầu năm học mới, việc đóng các loại quỹ lớp, quỹ trường luôn là vấn đề “nóng” nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là các bậc phụ huynh. Quy định không thu quỹ lớp, không đóng quỹ khuyến học và không thu quỹ cha mẹ học sinh của Ban Giám hiệu Trường THCS Lê Quý Đôn cũng là một cách làm để các cơ sở giáo dục nghiên cứu, tham khảo. Song, thiết nghĩ, việc thu hay không thu các loại quỹ này trước hết phải căn cứ vào quy định chung của ngành Giáo dục và điều kiện, đặc thù của từng cơ sở giáo dục, từng địa phương. Đặc biệt, vận động quyên góp, quản lý và sử dụng các loại quỹ, cần bảo đảm dân chủ, tự nguyện, công khai, hướng đến mục tiêu tạo môi trường tốt nhất để học sinh học tập, rèn luyện./.

Vũ Linh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN