Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Một chủ trương hợp lòng dân

Thứ Tư, 18/05/2022 21:06 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đó là ý kiến chung của nhiều bạn đọc đối với chủ trương thành lập thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân, thể hiện rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chia sẻ về vấn đề này, Thiếu tá Phạm Tài Bá (Cục Chính trị - Quân chủng Hải Quân) cho rằng: Chủ trương thành lập thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh sẽ giúp nâng tầm đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tạo ra sức đề kháng đối với những biểu hiện tiêu cực trong bộ máy, nâng cao ý thức trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên trước tổ chức; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết, thống nhất và giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và hệ thống chính trị. Qua đó, tiếp tục củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ; làm thất bại các âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Theo Luật sư Nguyễn An Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn An Bình và cộng sự - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần phải được tiến hành thống nhất, toàn diện, bài bản, đồng bộ, có chiều sâu và sẽ được tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài, bởi trong tổ chức cơ sở đảng và chính quyền các cấp không tránh khỏi có những “con sâu làm rầu nồi canh”, thoái hóa, biến chất. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kiên quyết vừa là cách để làm trong sạch nội bộ, vừa giúp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.

 Luật sư Nguyễn An Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn An Bình và cộng sự - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. (Ảnh: QĐ).

“Việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh là cơ sở để gắn trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương trước Đảng, trước Trung ương; nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, kiểm tra cũng như thể hiện năng lực của chính quyền địa phương trong giám sát, xử lý dứt điểm các vụ việc, không để tồn đọng, không để lách luật, không gây bức xúc trong dư luận địa phương”, Luật sư Nguyễn An Bình nhấn mạnh thêm.

Đồng tình với các quan điểm nói trên, chị Lê Thị Ngọc Thương ở huyện Yên Khánh (Ninh Bình) cho rằng: Thực tế thời gian qua, mặc dù ở các địa phương đều có cơ quan nội chính, cơ quan kiểm tra và các cơ quan tố tụng khác, song công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương chưa thực sự hiệu quả, quyết liệt. Đa số các vụ án lớn chỉ được làm sáng tỏ khi có sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Vì thế, để khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là rất cần thiết; qua đó giúp đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại cơ sở. Đồng thời, cần có sự phân cấp, phân quyền và cơ chế rõ ràng, phù hợp đối với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

 Đại tá, TS Nguyễn Văn Tượng, Chủ nhiệm Khoa Công tác đảng, công tác chính trị, Trường Sĩ quan Chính trị. (Ảnh: QĐ).

Đại tá, TS Nguyễn Văn Tượng, Chủ nhiệm Khoa Công tác đảng, công tác chính trị, Trường Sĩ quan Chính trị (Bộ Quốc phòng) đánh giá: Việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã thể hiện quyết tâm chính trị lớn của Đảng ta trong đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ cơ sở. Tuy nhiên, để Ban chỉ đạo cấp tỉnh hoạt động thực sự hiệu quả thì yếu tố con người là quan trọng nhất vì cán bộ là gốc của mọi công việc. Thành viên Ban Chỉ đạo phải là những người thực sự liêm chính, trong sạch, quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sau khi được thành lập phải đặt dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương. Ban Chỉ đạo Trung ương phải thường xuyên giám sát, kiểm tra hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh.

Mới đây nhất, tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa diễn ra tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, đã có 63/63 tỉnh uỷ, thành ủy nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo cấp tỉnh). Trước đó, tuy chưa chính thức có chủ trương chung nhưng đến nay đã có 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo để tham mưu cho tỉnh uỷ, thành uỷ lãnh đạo, chỉ đạo công tác này (gồm: Hà Nội, Thái Bình, Sóc Trăng, An Giang, Khánh Hoà).

Có thể thấy, chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Sớm triển khai có hiệu quả chủ trương này sẽ là cơ sở  tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; đồng thời, trực tiếp góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt"./.

Tạ Quang Đạo

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN