Môn Toán chương trình mới bảo đảm tính tinh giản, thiết thực, hiện đại
(ĐCSVN) - Trong chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được Bộ GD&ĐT công bố, Toán là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Chương trình môn Toán trong cả hai giai đoạn giáo dục (giai đoạn giáo dục cơ bản, giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp) có cấu trúc tuyến tính kết hợp với “đồng tâm xoáy ốc”.
Môn Toán hình thành, phát triển ở học sinh năng lực toán học, biểu hiện tập trung của năng lực tính toán, với các thành phần sau: tư duy và lập luận toán học; mô hình hoá toán học; giải quyết vấn đề toán học; giao tiếp toán học; sử dụng công cụ, phương tiện học Toán.
Về nội dung, chương trình môn Toán xoay quanh ba mạch kiến thức: Số, Đại số và Một số yếu tố giải tích; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất. Chương trình được thiết kế theo theo cấu trúc tuyến tính phối hợp với “đồng tâm xoáy ốc” (đồng tâm, mở rộng và nâng cao dần), bao gồm hai nhánh liên kết chặt chẽ với nhau: một nhánh mô tả sự phát triển của các mạch nội dung kiến thức cốt lõi và một nhánh mô tả sự phát triển của năng lực, phẩm chất học sinh.
Nội dung chương trình môn được phân chia theo 2 giai đoạn:
Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9): Chương trình giúp học sinh nắm được một cách có hệ thống các khái niệm, nguyên lí, quy tắc toán học cần thiết nhất cho tất cả mọi người, làm nền tảng cho việc học tập ở các trình độ học tập tiếp theo hoặc có thể sử dụng trong cuộc sống hằng ngày.
Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12): Chương trình giúp học sinh có cái nhìn tương đối tổng quát về Toán học, hiểu được vai trò và những ứng dụng của Toán học trong thực tiễn, những ngành nghề có liên quan đến toán học để học sinh có cơ sở định hướng nghề nghiệp, cũng như có khả năng tự mình tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến toán học trong suốt cuộc đời. Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi, trong mỗi năm học, học sinh (đặc biệt là những học sinh có định hướng khoa học tự nhiên và công nghệ) được chọn học một số chuyên đề học tập. Các chuyên đề này nhằm tăng cường kiến thức về Toán học, kĩ năng vận dụng kiến thức toán học vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của học sinh.
Quán triệt tinh thần “toán học cho mọi người”
Chương trình môn Toán kế thừa và phát huy ưu điểm của chương trình hiện hành và các chương trình trước đó, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng chương trình môn học của các nước tiên tiến trên thế giới, tiếp cận những thành tựu của khoa học giáo dục, có tính đến điều kiện kinh tế và xã hội Việt Nam; với một số đặc điểm mới nổi bật như: Chương trình bảo đảm tính tinh giản, thiết thực, hiện đại, phản ánh những nội dung nhất thiết phải được đề cập trong nhà trường phổ thông, đáp ứng nhu cầu hiểu biết thế giới cũng như hứng thú, sở thích của người học, phù hợp với cách tiếp cận của thế giới ngày nay.
Chương trình quán triệt tinh thần “toán học cho mọi người”, ai cũng học được Toán nhưng mỗi người có thể học Toán theo cách phù hợp với sở thích và năng lực cá nhân.
Chương trình môn Toán thực hiện tích hợp nội môn xoay quanh ba mạch kiến thức: Số, Đại số và Một số yếu tố giải tích; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất; thực hiện tích hợp liên môn thông qua các nội dung, chủ đề liên quan hoặc các kiến thức toán học được khai thác, sử dụng trong các môn học khác như Vật lí, Hoá học, Sinh học, Địa lí, Tin học, Công nghệ, Lịch sử, Nghệ thuật,... Chương trình môn Toán còn thực hiện tích hợp nội môn và liên môn thông qua các hoạt động thực hành và trải nghiệm trong giáo dục toán học.
Chương trình bảo đảm yêu cầu phân hoá; định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục toán học cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc; bảo đảm tính ổn định và khả năng phát triển trong quá trình thực hiện cho phù hợp với tiến bộ khoa học - công nghệ và yêu cầu của thực tế.
Vận dụng nhiều phương pháp đánh giá
Chương trình môn Toán khuyến khích vận dụng kết hợp nhiều phương pháp đánh giá (quan sát, ghi lại quá trình thực hiện, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan, tự luận, kiểm tra viết, bài tập thực hành, các dự án học tập, thực hiện nhiệm vụ thực tiễn,...); đồng thời hướng dẫn giáo viên lựa chọn các phương pháp, công cụ đánh giá phù hợp với từng thành phần năng lực toán học.
Thiết bị dạy học môn Toán bao gồm tất cả những phương tiện vật chất có khả năng chứa đựng hay chuyển tải thông tin về nội dung dạy học nhằm hỗ trợ giáo viên và học sinh tổ chức và tiến hành hợp lí, có hiệu quả quá trình dạy và học, như: phiếu học tập, tranh giáo khoa, biểu đồ, sơ đồ, hình vẽ, mô hình, dụng cụ, máy chiếu (máy chiếu đa năng, máy chiếu vật thể,...), bảng tương tác, thiết bị dạy học điện tử, các phần mềm dạy, các nguồn thông tin trên Internet,... là những thiết bị dạy học. Các thiết bị dạy học này chứa đựng, mô tả những tri thức có khả năng hỗ trợ giáo viên hoạt động dạy học và hỗ trợ học sinh hướng vào đối tượng toán học cụ thể (khái niệm, quan hệ, tính chất toán học,...) nhằm phát hiện, tìm tòi, khắc sâu kiến thức,... trong quá trình học tập môn Toán.
Khuyến khích sử dụng các phương tiện nghe nhìn, phương tiện kĩ thuật hiện đại hỗ trợ quá trình dạy học, đồng thời coi trọng việc sử dụng các phương tiện truyền thống (có thể trực tiếp cầm, nắm, sắp xếp, dịch chuyển). Khi có điều kiện, giáo viên nên hướng dẫn học sinh cách tìm kiếm thông tin, tư liệu trên Internet hoặc chương trình truyền hình có uy tín về giáo dục để mở rộng vốn hiểu biết và năng lực tự học.
Tăng cường thiết bị dạy học tự làm: Ngoài các thiết bị dạy học tối thiểu được quy định trong danh mục do Bộ GD&ĐT ban hành, cần chú ý đến các thiết bị dạy học tự làm. Cần huy động sáng kiến, sự sáng tạo của học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh trong việc khai thác, thiết kế và sử dụng các thiết bị dạy học tự làm.
Phối hợp sử dụng linh hoạt các loại hình thiết bị dạy học: Mỗi loại hình thiết bị đều có ưu điểm và hạn chế nhất định, do đó tùy thuộc nội dung bài học, phương pháp dạy học mà có thể kết hợp sử dụng các loại hình thiết bị dạy học và phối hợp một cách hợp lí, khoa học và sinh động./.