Mối lo “cò” bệnh viện
(ĐCSVN) - Bệnh viện là nơi cần phải yên tĩnh, an toàn để chữa trị cho người bệnh. Thế nhưng hiện nay tại những nơi này lại đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự do nạn “cò” bệnh viện và đạo chích gây ra. Đây thực sự là mối lo cần sớm được giải tỏa.
Cò mồi hoạt động tại khu vực Bệnh viện Mắt Trung ương. (Ảnh: laodong.com.vn)
Để thuận tiện cho người dân đến khám bệnh, hạn chế bị “cò” bệnh viện lừa đảo, hồi tháng 5/2015, thành phố Hồ Chí Minh đã huy động tới 3.000 tình nguyện viên tham gia đề án “tiếp sức bệnh viện”. Đồng thời, các bệnh viện cũng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân cảnh giác không tin theo lời “cò”. Tại Hà Nội, các bệnh viện thường xuyên thông báo trên loa để cảnh báo thủ đoạn lừa đảo của “cò”, bố trí các bàn hướng dẫn bệnh nhân đến khám bệnh…
Tuy nhiên, hiện nay hiện tượng “cò” tại một số bệnh viện vẫn hoạt động với hình thức tinh vi, khiến nhiều người vẫn bị lừa. Điển hình như vụ việc vừa xảy ra tại Bệnh viện K, cơ cở phố Quán Sứ (Hà Nội), hôm 24/8. Theo đó, đối tượng lừa đảo tự giới thiệu có người nhà làm bác sĩ ở bệnh viện, bản thân anh ta cũng đang chăm sóc ông nội tại bệnh viện. Với chiêu thức làm quen này, kẻ xấu đã khéo léo “giúp đỡ” bệnh nhân Triệu Phụ Tình (quê ở Cao Bằng) đến gặp bác sĩ để lấy kết quả nhanh, phẫu thuật trọn gói… Đến cửa khoa, đối tượng lừa đảo bảo người nhà bệnh nhân đưa 12,5 triệu đồng và đứng chờ ở cửa để anh ta vào nói trước với bác sĩ. Chờ một lúc không thấy anh ta quay ra, người nhà bệnh nhân vào tìm thì đối tượng trên đã cao chạy xa bay từ khi nào không hay!
Theo một chiến sĩ công an phường Hàng Bông (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), cò bệnh viện hoạt động ngày càng tinh vi hơn với chiêu thức: đóng vai đưa người nhà đi khám bệnh; đang chăm sóc bố mẹ nằm viện. Với vai diễn này, “cò” dễ dàng trò chuyện, làm quen với người từ các tỉnh xa đến khám bệnh rồi tỏ lòng thành “giúp đỡ” để khám nhanh, lấy kết quả ngay, gặp bác sĩ giỏi phẫu thuật… Chúng khéo léo lựa lời để người bệnh giao tiền, ngay sau đó chúng sẽ tranh thủ giả vờ vào gặp bác sĩ để nhanh chân biến mất nhưng phải một lúc sau người bệnh mới nhận ra mình bị lừa. Thậm chí chúng sẵn sàng chống trả bảo vệ bệnh viện nếu bị ngăn cản. Điển hình như tại khu vực Bệnh viện Ung bướu (Hà Nội), “cò” đã chém cả hai bảo vệ bệnh viện.
Một thủ đoạn nữa mà “cò” bệnh viện thường áp dụng, đó là nhận tiền rồi dẫn bệnh nhân đến các phòng khám tư nhân xung quanh bệnh viện. Lúc này “cò” vừa lấy tiền của người bệnh vừa được phòng khám tư chi lại hoa hồng. Còn người đi khám bệnh khi đã vào phòng khám tư nhân do cò đưa đường thì bác sĩ nhìn đâu cũng thấy bệnh, phải làm đủ thứ xét nghiệm nhưng kết quả cuối cùng thì chẳng rõ bệnh thật của mình thế nào. Nhiều người phải mua hàng triệu đồng tiền thuốc về uống chẳng thấy thuyên giảm…
Hiện có hai loại “cò” bệnh viện: “cò ngoại” và “cò nội”: “Cò ngoại” là môi giới ở ngoài bệnh viện. Cò nội là ở bên trong phối hợp với "cò" ngoại để sắp xếp giường, bác sĩ mổ… cho người bệnh hoặc bản thân nhân viên y tế tự giới thiệu với người bệnh để đưa đến phòng khám riêng hoặc bệnh viện tư nhân. Thậm chí có cả trường hợp nhân viên bệnh viện mới nghỉ hưu đã hóa thành “cò”, đưa hết người này đến người khác vào gặp các bác sĩ “nhờ” khám nhanh, lấy kết quả sớm.
Hồi tháng 5/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu làm rõ và xử lí nghiêm một nhân viên Bệnh viện K (Hà Nội) nghi là “cò”. Đó là việc làm rất cần thiết, bởi lẽ “cò” không chỉ bắt tay với nhân viên phòng khám để dẫn người bệnh vào khám nhanh ngay trong bệnh viện mà còn trà trộn đi theo bệnh nhân vào các phòng khám tư mà bác sĩ làm chui để hoạt động. Điều này cho thấy, đang hình thành đường dây “cò” nhân viên y tế. Sự tiếp tay, móc ngoặc của “cò” nhân viên y tế có thể làm người bệnh tiền mất tật mang và thêm đau khổ vì bị lừa khi đi chữa bệnh...
Cùng với nạn “cò” thì các bệnh viện còn bị bủa vây bởi muôn vàn bất ổn khác, nào là xe ôm bát nháo, taxi dù, hàng quán không đảm bảo vệ sinh, đạo chích rình rập… Tất cả đều chờ cơ hội “móc tiền” bệnh nhân. Điển hình như ngày 12/9/2016, báo chí đã phản ánh rất cụ thể một nhóm các đối tượng chuyên móc túi hoạt động thường xuyên tại bến xe buýt trước cổng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Nạn nhân chủ yếu là những người đi khám bệnh, người nhà đi thăm nom bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai. Cũng hồi tháng 4/2016 vừa qua, tổ công tác đặc biệt của Công an Hà Nội đã tiến hành mật phục bắt hai “nữ quái” chuyên hành nghề đạo chích trước cổng Bệnh viện Bạch Mai. Chúng thường lợi dụng lúc người đi thăm bệnh nhân lơ là, rối ren để ra tay móc túi lấy tiền, điện thoại của người đi khám bệnh.
Có thể nói, tình trạng “cò” bệnh viện; lộn xộn, móc túi tại khu vực gần bệnh viện tồn tại đã lâu, gây nhiều bức xúc cho bệnh nhân và làm mất an ninh trật tự xã hội, tuy nhiên vẫn chưa được chính quyền và cơ quan chức năng xử lý dứt điểm. Nhân dân, dư luận và đông đảo bệnh nhân đang mong mỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp kiên quyết để chặn đứng tình trạng trên, nhằm bảo đảm cho bệnh viện và “môi trường” xung quanh bệnh viện thực sự là nơi bình yên, an toàn cho người dân mỗi khi đến khám và chữa bệnh./.