Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Mô hình sản xuất đại điền: Hướng đi tất yếu hướng đến nền nông nghiệp hiện đại

Chủ Nhật, 23/04/2023 16:35 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong giai đoạn hiện nay, để đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn trong nông nghiệp, đồng thời đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành, việc tích tụ ruộng đất, sản xuất theo mô hình nông nghiệp đại điền là quy luật tất yếu. Đây cũng là giải pháp quan trọng cần được thúc đẩy nhằm xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, hiện đại.

 Mô hình sản xuất đại điền là hướng đi tất yếu để xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn và hiện đại (Ảnh minh họa: B.T)

Nhằm góp phần xây dựng nền nông nghiệp quy mô lớn, hàng hóa, việc tập trung đất đai để xây dựng những vùng nông nghiệp đại điền lớn là công việc cần thiết. Thực tế, đây cũng là mô hình mang lại rất nhiều lợi thế cho sản xuất.

Trước tiên, có thể kể đến, với quy mô đất rộng, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp sẽ thuận tiện hơn rất nhiều. Theo ông Nguyễn Doãn Hùng, Trưởng phòng Khuyến nông Trồng trọt và Lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, với các vùng sản xuất lớn, việc áp dụng cơ giới hóa đã mang lại nhiều lợi thế. Trong đó, các dự án từ năm 2017 đến nay tại một số tỉnh phía Bắc áp dụng cơ giới hoá phục vụ sản xuất nông nghiệp đại điền giúp xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ tại 13 tỉnh, thành phố phía Bắc: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế.

Bên cạnh đó, đã xây dựng được 6 mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý gốc rạ trên đồng ruộng vụ xuân phục vụ sản xuất lúa vụ mùa với quy mô 600 ha; 6 mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh sản xuất phân hữu cơ sinh học từ rơm rạ và từ chăn nuôi gà, lợn; 4 mô hình ứng dụng phân bón hữu cơ sản xuất rau hướng hữu cơ và 6 mô hình sản xuất 150 ha lúa hữu cơ, quy mô 15 ha/mô hình trở lên.

Ông Hùng cho biết, việc tập trung ruộng đất đã tạo điều kiện để thực hiện cơ giới hóa. Từ đó, giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, vừa giảm chi phí, bảo đảm được hiệu quả sản xuất, đồng thời giảm tổn thất, nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm. Các mô hình cơ giới hoá đã dần khắc phục sự dàn trải, manh mún, đồng thời khẳng định và chứng minh được tính hiệu quả, ưu việt khi tích tụ ruộng đất; nâng cao nhận thức, kiến thức cho nông dân về phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết.

Thực tế tại tỉnh Thái Bình, thực hiện chủ trương, cơ chế, chính sách khuyến khích tập trung ruộng đất của tỉnh, diện tích tích tụ, tập trung đất đai và liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản ở tỉnh Thái Bình tăng dần qua các năm.

Hiện nay, Thái Bình đã có trên 1.700 hộ nông dân tích tụ ruộng đất sản xuất theo hướng hàng hoá từ 2 ha trở lên. Trong đó từ 5 ha có 140 hộ, từ 7 ha trở lên có 120 hộ. Diện tích tích tụ, tập trung đạt 5.676 ha, tăng 3.883,2 ha so với năm 2017 (năm 2017 với 1.792,8 ha), trong đó diện tích từ 2 ha là 4.186,24 ha. Hình thức tích tụ, tập trung chủ yếu là thuê đất.

Về hiệu quả kinh tế, việc tích tụ, tập trung đất đai đã tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng cơ giới hóa toàn diện, tạo hiệu quả rõ rệt về kinh tế như: chi phí đầu vào bình quân giảm hơn 100 nghìn đồng/sào. Việc hoàn thành hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm đạt trên 95% do sản lượng nông sản đủ lớn, chất lượng, mẫu mã có tỷ lệ đồng đều cao.

Ông Trần Xuân Định, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam đánh giá, việc thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền sẽ mở hướng đi mới, riêng với sản xuất lúa, sẽ góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn hiện nay là nhỏ lẻ, manh mún, khó tổ chức sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật... Đồng thời, đây cũng là cơ hội thúc đẩy việc hình thành các hợp tác xã kiểu mới, cùng nhau làm kinh tế nông nghiệp. Theo ông Định, lâu nay chúng ta vẫn đang loay hoay trong việc dồn, đổi, tích tụ đất đai. Do đó, việc phát triển nông nghiệp đại điền sẽ là cơ hội để cho nông nghiệp thực sự phát triển theo chuỗi hoàn chỉnh hơn.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tại một số địa phương việc phát triển mô hình kinh tế đại điền còn gặp rất nhiều khó khăn. Đó là ruộng đất manh mún, do vậy, để tích tụ được diện tích đủ lớn phải ký kết hợp đồng với rất nhiều hộ gia đình, trong khi đó, vẫn còn hiện tượng phá vỡ hợp đồng thuê, mượn ruộng.

Bên cạnh đó, các hợp tác xã, các doanh nghiệp thiếu sự liên kết với các hộ nông dân một cách bền vững để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, các chuỗi sản xuất - chuỗi giá trị bền vững và hiệu quả, để thúc đẩy hiệu quả mô hình đại điền. Tại một số địa phương, các hộ sản xuất trồng trọt quy mô lớn (đại điền) về cơ bản vẫn thiếu những kiến thức tổ chức sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đảm bảo an toàn, về sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm,…

Để phát triển mô hình sản xuất kinh tế đại điền nông nghiệp, ông Lê Nguyên Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy, Thái Bình kiến nghị cần có quy định cụ thể về tích tụ, tập trung ruộng đất để tạo điều kiện cho phát triển sản xuất hàng hóa. Đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Đất đai, tạo điều kiện cho việc tích tụ, tập trung đất đai.

Cụ thể như, hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình có hộ khẩu nông nghiệp, theo quy định tại Điều 129, Điều 130 Luật đất đai năm 2013, diện tích nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình có hộ khẩu nông nghiệp không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp. Do vậy, khó khăn cho các hộ có nhu cầu nhận chuyển nhượng với diện tích lớn hơn 20 ha.

Vướng mắc về điều kiện nhận chuyển đổi ( Điều 190 Luật Đất đai 2013), điều kiện nhận chuyển nhượng (Điều 191, 192, 193 Luật Đất đai 2013 ), do vậy chưa thể hoàn thiện thủ tục đất đai cho đối tượng thực hiện tích tụ diện tích lớn, phát triển sản xuất với quy mô lớn.

Bàn về giải pháp thúc đẩy mô hình kinh tế nông nghiệp đại điền, trong đó có việc hiện nay, bà con và các hợp tác xã đang gặp nhiều vướng mắc về vấn đề tài sản thế chấp, ông Vũ Trọng Thắng, Phó Trưởng ban Chính sách tín dụng (Ngân hàng NN&PTNT) cho biết, trong chính sách hỗ trợ cho vay sản xuất đại điền, bà con có thể sử dụng tài sản hình thành từ máy móc để thực hiện thế chấp, vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Còn theo bà Trần Thị Trà, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, các cơ quan quản lý cần tạo các điều kiện thuận lợi để phát triển các mô hình đại điền, từ đó tạo vùng sản xuất lớn tại miền Bắc.

Theo ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang định hướng phát triển theo hướng hiện đại, đa giá trị, sinh thái, minh bạch... Do đó, việc tổ chức lại sản xuất theo hướng quy mô lớn là yếu tố phù hợp để định hướng này đi vào cuộc sống.

Ông Thịnh cũng cho rằng, mô hình đại điền chỉ có thể thành công khi đảm bảo các yếu tố: lớn, chất lượng thương hiệu, có tổ chức và phát triển bền vững.

Đồng thời, theo ông Thịnh, để thúc đẩy mô hình kinh tế đại điền, công tác truyền thông phải giúp làm rõ thế nào là tập trung và tích tụ ruộng đất để người dân hiểu về việc sở hữu ruộng đất, tích cực đóng góp cho đại điền; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ, cơ giới hóa...; phát triển các mô hình đại điền ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ; tổ chức lại sản xuất, minh bạch thông tin, tạo thuận lợi để các chủ thể kết nối tạo thành chuỗi; xây dựng và phát triển được thương hiệu nông sản...

Ông Thịnh cũng cho rằng các doanh nghiệp, khi đồng hành cùng các đại điền cần cụ thể hóa tất cả các vấn đề để đại điền dễ dàng tiếp cận, hợp tác, áp dụng. Bên cạnh đó, các đại điền phải luôn vững tin vào hướng đi mà mình đang chọn là đúng đắn, chắc chắn thành công. Các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội sẽ luôn đồng hành.

Tại Quyết định 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu mục tiêu, xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu,…

Chiến lược cũng nêu các giải pháp chính để triển khai mục tiêu như: đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh, hoàn thiện quan hệ sản xuất, trong đó, xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả, tiếp cận thị trường, nguồn vốn, mua sắm máy móc, tích tụ đất đai, áp dụng công nghệ để phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, tăng quy mô sản xuất và tham gia hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp trong các chuỗi giá trị.

Nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu và giải pháp trên, việc thúc đẩy mô hình kinh tế nông nghiệp đại diền là công tác cần thiết để đưa nền nông nghiệp ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, quy mô lớn, gia tăng năng suất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và giảm sức lao động cho người nông dân.

Thực tế, trong giai đoạn hiện nay, để đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn trong nông nghiệp, đồng thời đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành, việc tích tụ ruộng đất, sản xuất mô hình nông nghiệp đại điền là quy luật tất yếu.

Đây cũng là mô hình sản xuất giúp khắc phục tình trạng ruộng đất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu và phát triển nền nông nghiệp hiện đại.

Để đưa mô hình kinh tế nông nghiệp đại điền ngày càng được nhân rộng và lan tỏa, thiết nghĩ, rất cần sự quan tâm của các cấp, chính quyền địa phương trong việc tạo các điều kiện thuận lợi để triển khai thúc đẩy mô hình sản xuất này. Bên cạnh đó, rất cần các cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là về đất đai để tạo điều kiện thực hiện việc tích tụ ruộng đất. Đây cũng là yếu tố rất quan trọng để người dân và các địa phương phát triển mô hình đại điền.

Thứ nữa, cần tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ gắn bó giữa các doanh nghiệp và người nông dân, để từ đó tiếp tục có những mô hình lớn do người nông dân tự đứng ra sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, tạo ra những cánh đồng lớn và được doanh nghiệp bao tiêu về sản phẩm, có đầu ra ổn định. Chỉ khi các mô hình sản xuất lớn được đảm bảo về đầu ra sản phẩm, có đầu ra ổn định, khi đó các đại điền mới yên tâm sản xuất, từ đó mới thúc đẩy được mô hình này. Điều đó cũng cho thấy việc đảm bảo được hiệu quả về kinh tế của mô hình đại điền tự nhiên sẽ giúp các mô hình kinh tế đại điền đứng vững, đồng thời, góp phần thúc đẩy được việc nhân rộng thêm các mô hình này.

Song hành với đó, cần tiếp tục tuyên truyền về chủ trương tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm nâng cao giá trị gia tăng, bền vững. Từ đó, khơi gợi lên khát vọng vươn lên làm giàu của người nông dân, nhất là những nông dân có khả năng về vốn, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất, để từ đó thúc đẩy mô hình kinh tế đại điền,…

Để có được nền nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, hiện đại, chắc chắn chúng ta sẽ cần phải có rất nhiều bước đi, thậm chí là từ những bước đi nhỏ nhất. Và xây dựng, phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp đại điền sẽ là một trong những bước đi quan trọng đó để hiện thực hóa mục tiêu trên./.

 

B.T

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN