Miễn trách nhiệm hình sự cho 5 cựu lãnh đạo Vinaconex (?)
(ĐCSVN) - Đường ống nước sạch Sông Đà bị vỡ 14 lần làm hơn 70 nghìn hộ dân ở Hà Nội bị ảnh hưởng, nhưng rốt cục 5 cựu lãnh đạo Vinaconex được miễn trách nhiệm hình sự, còn 9 thuộc cấp thì bị đề nghị truy tố!
Mỗi lần vỡ đường ống nước sông Đà, hơn 70 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng.
( Ảnh: Ngọc Thắng).
Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam”, đồng thời chuyển hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố 9 bị cáo về “Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 229 Bộ Luật Hình sự.
Kết quả điều tra bổ sung đã xác định, năm 2004, Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex) gồm các ông: Phí Thái Bình – cựu Chủ tịch HĐQT Vinaconex, nguyên Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội; Nguyễn Văn Tuân – cựu Tổng giám đốc; Tô Ngọc Thành; Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm là các ủy viên khi thực hiện vai trò nhiệm vụ của chủ đầu tư Dự án đường ống nước sông Đà đã không thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình, quyết định cho thay đổi vật liệu tuyến ống, đưa vào sử dụng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh khi chưa thẩm định hiệu quả sử dụng. Việc lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực để cung cấp sản phẩm composite cho dự án, sản phẩm không đảm bảo chất lượng đã khiến công trình liên tục xảy ra sự cố khi vận hành sử dụng, gây hậu quả nghiêm trọng.
14 lần vỡ đường ống nước là 14 lần hơn 70 nghìn hộ dân Hà Nội bị tạm ngừng cung cấp nước, cuộc sống bị đảo lộn, làm phát sinh chi phí sinh hoạt. 14 lần vỡ đường ống cũng là 14 lần chủ đầu tư dự án phải huy động nguồn lực về con người, vật chất (khoảng trên 10 tỷ đồng) để bịt lại đường ống.
Hậu quả 14 lần vỡ đường ống nước là đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt là vai trò của những người có thẩm quyền quyết định việc đầu tư dự án, mua vật tư (tuyến ống), cho phép thi công xây dựng...
5 cựu lãnh đạo Vinaconex vi phạm pháp luật hình sự, đáng ra phải bị khởi tố, truy tố và xét xử, nhưng bất ngờ là cả 5 người đều được “tha”, miễn trách nhiệm hình sự. Lý do “ tha” là do “ khai báo thành khẩn, hợp tác làm rõ bản chất vụ án, có nhân thân tốt, có nhiều đóng góp cho ngành Xây dựng. Mặt khác, kết quả điều tra "không xác định được động cơ vụ lợi”.
Hai trong 5 nguyên tắc xử lý hình sự của Bộ Luật Hình sự năm 1999 ( Bộ luật Hình sự 2015 mới bị hoãn thi hành để sửa đổi, bổ sung vì phát hiện sai sót) là: Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật; mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội.
Ở vụ án này, 5 cựu lãnh đạo Vinaconex là đối tượng điều tra sau (điều tra bổ sung), sau đó lại được miễn trách nhiệm hình sự, liệu có đúng với nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật?
Điều 25 Bộ luật Hình sự quy định 3 trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự: Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự; người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có quyết định đại xá.
Soi chiếu vào vụ án này, khi sự cố vỡ đường ống nước xảy ra lần thứ nhất, dư luận chưa thấy 5 cựu lãnh đạo Vinaconex ra tự thú, nhận trách nhiệm, xin lỗi nhân dân và bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật. Vậy mà họ lại được “ tha”, miễn trách nhiệm hình sự?
Việc 5 cựu lãnh đạo Vinaconex “khai báo thành khẩn, hợp tác làm rõ bản chất vụ án, có nhân thân tốt, có nhiều đóng góp cho ngành Xây dựng, không xác định được động cơ vụ lợi”, chỉ là tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt.
9 thuộc cấp bị truy tố, 5 cựu lãnh đạo Vinaconex được “ tha”, đó là lỗ hổng của luật pháp hay cách “vận dụng” pháp luật khéo léo?