Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Méo mó cảnh quan đô thị vì "mỏng" và "méo"

Thứ Năm, 24/06/2021 09:58 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ở Hà Nội, cứ mỗi khi có một dự án mở đường mới là ở đó thường xuất hiện những ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo” với đủ hình thù kỳ lạ. Nhà “siêu mỏng, siêu méo” đã thành vấn nạn nhức nhối từ nhiều năm nay khiến bộ mặt đô thị trở nên xấu xí.


Hình ảnh nhà siêu mỏng trên phố Kim Mã, Hà Nội (Ảnh: M.P) 


Nhiều năm qua, tại Thủ đô, có một tình trạng lặp đi lặp lại nhiều lần, đó là sau khi giải phóng mặt bằng để mở rộng đường phố thì lại có những khuôn đất thò thụt, méo mó, vốn là những gì còn lại của một số hộ gia đình sau khi bị giải tỏa. Điều đáng nói, dù chỉ còn lại một bức tường hoặc vài mét vuông đất, nhưng để giải quyết hoàn toàn chỗ đất này lại cực kỳ nan giải. Từ đó, dẫn đến nhiều chuyện “dở khóc, dở cười” khiến cả người đi và người ở đều không tìm được tiếng nói chung. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cuộc sống mưu sinh lại phụ thuộc nhiều vào việc “bám” mặt đường để kinh doanh thì mỗi mét đất thật sự là “tấc đất, tấc vàng”.

Kể từ khi mở rộng, tuyến đường vành đai 2 (đoạn đường Trường Chinh - Minh Khai) xuất hiện những ngôi nhà xiêu vẹo, dù mặt tiền rộng nhưng chiều sâu hạn chế với đủ hình thù khác nhau. Nhìn từ trên cao, có thể dễ dàng nhận thấy đây là tuyến đường có nhiều ngôi nhà kỳ dị nhất Thủ đô.

Bởi, sau khi cắt đất theo chỉ giới phân lô, rất nhiều ngôi nhà dọc tuyến đường này bị thu hẹp, diện tích đất còn lại rất nhỏ, không đủ xây một ngôi nhà đúng nghĩa. Dẫu vậy, nhiều hộ dân ở đây vẫn lợi dụng lúc “tranh tối, tranh sáng” để sửa sang, hoặc xây mới trên nền đất còn lại để cho thuê hoặc kinh doanh.

Thực tế, không phải bây giờ nhà “siêu mỏng, siêu méo” mới xuất hiện. Nhiều năm trước, tình trạng trên đã xuất hiện ở các tuyến đường Trần Khát Chân, Hoàng Cầu - Ô Chợ Dừa, Xã Đàn, Phạm Văn Đồng, Đào Tấn, Kim Mã… Đó là những hộ gia đình sau khi giao một phần đất cho Nhà nước để mở rộng đường, chỉ còn lại một khoanh đất, bán không được, mua không xong nên còn bao nhiêu đất thì xây như vậy. Ngôi nhà trước ở trong ngõ, giờ được ra mặt phố nên giá trị kinh tế tăng lên. Do đó, dù những ngôi nhà này tuy có hình thù kỳ lạ thì vẫn có thể cho thuê với giá lên đến chục triệu đồng/tháng.

Thêm vào đó, một trong những nguyên nhân làm xuất hiện những công trình nhà “siêu mỏng, siêu méo” là do công tác quản lý quy hoạch - kiến trúc, chỉnh trang đô thị chưa tốt. Việc lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, thiết kế đô thị chưa tính toán kỹ dẫn đến sau giải phóng mặt bằng, diện tích đất còn lại không đủ điều kiện xây dựng. Vì thế, việc xóa nhà “siêu mỏng, siêu méo” trên địa bàn Thủ đô gặp nhiều khó khăn do không thể hài hòa lợi ích của các bên, đặc biệt khi giá trị mảnh đất bỗng dưng tăng đột biến.

Câu chuyện hóa giải “bức tường một tỷ đồng” tại khu vực phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy những năm trước là một thí dụ điển hình.

Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia về quy hoạch đã đưa ra khá nhiều giải pháp, trong đó có cách làm giống TP Đà Nẵng. Cụ thể, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã ra văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, chủ đầu tư, các tổ chức tư vẫn thiết kế xây dựng... nghiêm túc thực hiện quy định tại Thông tư 07/2019-TT-BXD về chiều cao tối đa và hạn chế độ mảnh công trình. Trước đó UBND TP Đà Nẵng cũng đã có những quy định khá chặt chẽ về việc quy hoạch mở đối với hạ tầng giao thông, khi không hạn chế việc thu hồi theo nhu cầu của riêng công trình mà theo nhu cầu quy hoạch phát triển đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, khi giải pháp này áp dụng ở Hà Nội lại không khả thi do đất chật người đông và để giải phóng được chừng đó đất thì phải có một nguồn lực rất lớn.

Một giải pháp nữa cũng được tính đến là Nhà nước có thể thu hồi để phục vụ lợi ích công cộng hoặc hợp khối, hợp thửa những miếng đất có diện tích dưới 15 m². Vấn đề ở chỗ, kinh phí để thực hiện thu hồi các thửa đất sau giải phóng mặt bằng rất lớn và phải bố trí được quỹ đất tái định cư. Điều này nằm ngoài khả năng của địa phương và Nhà nước cũng không đủ ngân sách để thực hiện.

Như nhận xét của TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nhà “siêu mỏng, siêu méo” là câu chuyện buồn muôn thuở ở Hà Nội. Vấn nạn này đã tồn tại hơn 30 năm và đến thời điểm này, dù đã có đủ khung hành lang pháp lý để giải quyết song việc thực hiện vẫn gặp khó khăn.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, với Hà Nội, Luật Thủ đô năm 2013 có quy định không xây dựng nhà “siêu mỏng, siêu méo”, trong đó quy định khi quy hoạch mở đường phải xác định các lô đất “siêu mỏng, siêu méo” không xây dựng được. Tuy nhiên, trong khi các công trình cũ chưa giải quyết xong thì một loạt các căn nhà kỳ dị lại tiếp tục mọc lên trên các tuyến đường mới mở.

Có lẽ do vậy mà nhà “siêu mỏng, siêu méo” vẫn cứ tồn tại, thành phố vẫn cứ phải sống chung với tình trạng "mỏng" và "méo" mà chẳng biết khi nào mới giải quyết dứt điểm được!

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN