Mấy suy nghĩ về miễn công tác và sinh hoạt Đảng đối với đảng viên
(ĐCSVN) - Để phù hợp với tình hình thực tế về tuổi tác và sức khỏe của đảng viên, Ban Chấp hành Trung ương đã có quy định, Ban Tổ chức Trung ương có hướng dẫn việc miễn công tác và sinh hoạt Đảng đối với đảng viên, nhưng việc thực hiện chủ trương này đã và đang có biểu hiện tràn lan, không đúng đối tượng.
Chi bộ Khu phố II, phường Suối Hoa (thành phố Bắc Ninh) hiện có 238 đảng viên, trong đó 68 đảng viên đã được miễn công tác và sinh hoạt Đảng, chiếm 29% tổng số đảng viên. Trong đơn xin miễn công tác và sinh hoạt phần lớn đều ghi lý do là bị nhiều bệnh mãn tính, phải điều trị dài hạn, đi lại khó khăn, một số người vẫn đi làm nên không tham gia sinh hoạt được trong ngày làm việc, đảng viên nữ có con đi làm xa phải đi trông cháu nhỏ… Đơn xin đều được các tổ đảng thông qua, khi đưa ra chi bộ xin ý kiến, các đảng viên dự họp đều dễ dãi và nhanh chóng giơ tay biểu quyết đồng ý. Hầu như chưa có trường hợp nào có ý kiến xem xét lại hoàn cảnh, mặc dù nhiều trường hợp biết rõ ràng là không đúng đối tượng.
Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW, ngày 26/3/2009 của Ban Tổ chức Trung ương ban hành về việc miễn công tác và sinh hoạt đảng đối với đảng viên thì đối tượng được miễn công tác và sinh hoạt gồm những đảng viên tuổi cao, sức khoẻ yếu và tự nguyện xin miễn công tác và sinh hoạt Đảng.Tuy nhiên, việc xét miễn công tác và sinh hoạt Đảng đã và đang có biểu hiện lệch lạc: Một bộ phận đảng viên xin miễn công tác và sinh hoạt thực chất là do phai nhạt lý tưởng cách mạng, giảm sút ý chí phấn đấu, ngại tham gia sinh hoạt vì cho rằng mất thời gian…Tổ đảng, chi bộ khi xem xét đơn thường nể nang, xuê xoa, dễ dãi nên đồng ý cho miễn công tác và sinh hoạt Đảng tràn lan, không đúng đối tượng Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn.
Nhìn từ thực tiễn phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh (nêu cụ thể phần trên) có thể thấy: Trong số đảng viên đã được miễn công tác và sinh hoạt, một bộ phận không nhỏ không có lý do chính đáng. Nhiều đảng viên miễn sinh hoạt nhưng vẫn đi làm thêm, thường xuyên đi lễ đền chùa, đi tham quan du lịch. Có đảng viên sau khi được miễn sinh hoạt thì sinh con thứ ba(?!). Các đảng viên miễn sinh hoạt đều không tham dự các buổi học tập nghị quyết và phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; không tham gia kiểm điểm, nhận xét và phân loại đảng viên. Các đảng viên này không nắm được tình hình địa phương, cơ sở; không có sự quản lý, giám sát của tổ chức đảng. Có đảng viên (nguyên là lãnh đạo ngành của tỉnh, sĩ quan quân đội) hằng ngày vẫn sống tại nơi cư trú nhưng không sinh hoạt với tổ chức đảng, nói là đã chuyển sinh hoạt đảng về quê (?). Một số đảng viên khi có quyết định nghỉ hưu, làm giấy chuyển sinh hoạt Đảng nhưng không nộp cho cấp ủy đảng nơi cư trú. Một số đảng viên nhiều tháng liền không đi họp, không làm nhiệm vụ đảng viên, không gương mẫu tham gia các phong trào ở cơ sở.
Tình trạng trên đã tác động tiêu cực đến tư tưởng và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận đảng viên, làm giảm sút uy tín và sức mạnh chính trị của tổ chức cơ sở đảng, ảnh hưởng đến công tác giáo dục giác ngộ, phát triển đảng viên mới, nhất là đối với thế hệ trẻ; làm nhạt nhòa hình ảnh đẹp, đáng trân trọng của người đảng viên trong con mắt của quần chúng.
***
Quy định số 29-QĐ/TƯ ngày 25/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng ghi rõ: Đảng viên tuổi cao, sức khỏe yếu, không thể tham gia sinh hoạt đảng, thì được xét miễn công tác và sinh hoạt đảng. Đây là một vấn đề cần có sự thống nhất về nhận thức và phương thức tổ chức thực hiện.
Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam. Mọi đảng viên đều có nhiệm vụ và quyền hạn như nhau, không phân biệt tuổi tác. Đó là những vấn đề đã được quy định trong Điều lệ Đảng. Mặt khác, mỗi đảng viên khi vào Đảng đều thề nguyện suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng. Thực tế hiện nay, ở các đảng bộ xã, phường, số đảng viên là cán bộ nghỉ hưu chiếm tỷ lệ khá cao, có nơi tới 80-90% tổng số đảng viên. Tuy đã nghỉ hưu, nhưng phần lớn số đảng viên này còn sức khỏe, có phẩm chất chính trị vững vàng, có hiểu biết về quan hệ xã hội, một bộ phận có kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, luôn nêu gương tốt về mọi mặt và có uy tín trong cộng đồng dân cư. Trên thực tế, quần chúng thường dựa vào lối sống và ứng xử của đảng viên để điều chính lối sống và mối quan hệ xã hội của bản thân và gia đình mình.
Cấp ủy các cấp cần tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, khơi dậy nhiệt tình cách mạng và tinh thần trách nhiệm của đảng viên, động viên đảng viên rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức lối sống, tiếp tục tham gia sinh hoạt đảng, làm tròn nhiệm vụ đảng viên cho đến hơi thở cuối cùng. Cần đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ. Thông qua sinh hoạt giúp cho đảng viên gần gũi và tiếp cận với đời sống xã hội, có những hiểu biết mới về Đảng, về những vấn đề quan trọng của đất nước và địa phương. Phát huy dân chủ trong đảng, cấp ủy lắng nghe và tôn trọng ý kiến của mọi đảng viên, thực hiện tốt quy chế chất vấn và trả lời chất vấn, khắc phục tình trạng dân chủ hình thức, chiếu lệ, làm cho đảng viên hào hứng khi tham gia sinh hoạt chi bộ..
Khi xem xét đơn xin miễn công tác và sinh hoạt đảng của đảng viên, chi ủy cần dựa vào tổ đảng, xem xét thực tế về sức khỏe và hoàn cảnh của từng đảng viên, chỉ đưa ra xin ý kiến chi bộ xét, biểu quyết miễn công tác và sinh hoạt cho những đảng viên thực sự có bệnh tật, phải chữa trị lâu dài, không còn đủ sức đi lại, tiếp xúc với quần chúng và làm nhiệm vụ đảng viên, không nên căn cứ đơn thuần vào tuổi nghỉ hưu và báo cáo của đảng viên, xét cho đảng viên miễn công tác và sinh hoạt một cách tràn lan./.