Mạnh tay xử lý tình trạng tung tin giả, tin xấu độc
(ĐCSVN)- Chỉ với vài tin đồn bịa đặt trên mạng xã hội đã có thể gây ra nhiều hệ lụy. Trong khi đó, mức xử phạt hành chính được cho là chưa đủ sức răn đe so với thiệt hại to lớn mà các đối tượng tung tin đồn gây ra.
Báo cáo gửi các vị đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, tin giả, thông tin xấu độc phát tán thì nhanh nhưng việc xử lý, ngăn chặn của các mạng xã hội xuyên biên giới thì vẫn chậm so với mạng xã hội trong nước. Vì vậy, những thông tin vi phạm pháp luật này tồn tại lâu, ảnh hưởng trên phạm vi rộng ở mạng xã hội xuyên biên giới.
Ảnh minh họa. Ảnh: TL |
Về việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tin giả, thông tin xấu độc chủ yếu xuất hiện và lan truyền trên các trang mạng xã hội nước ngoài.
Nguyên nhân chính là do các mạng xã hội này luôn tránh né việc xử lý, ngăn chặn chúng. Bên cạnh đó, một bộ phận người sử dụng mạng xã hội vẫn còn suy nghĩ không gian mạng là ảo, là “vô danh”, sẽ không bị phát hiện, xử lý nên tự do “xả rác” - tự do phát ngôn, đăng tải thông tin lên mạng thiếu kiểm soát, thậm chí vi phạm pháp luật.
Theo báo cáo, 2 năm qua, trên các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Youtube, TikTok lan truyền rất nhiều tin giả liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19; gần đây rộ lên các tin giả về vụ kit test Việt Á, vụ án lừa đảo thao túng giá đất, giá cổ phiếu của Tân Hoàng Minh, FLC, Vạn Thịnh Phát…
Với việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, từ năm 2021 đến nay, Bộ Thông tin Truyền thông và các Sở Thông tin Truyền thông đã ban hành 591 quyết định xử phạt vi phạm hành chính các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm với tổng số tiền hơn 6,1 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2021, cơ quan chức năng đã xử phạt kênh Youtube Hoàng Anh-Timmy tại TP Hồ Chí Minh, kênh Hưng blog, Hưng troll tại Bắc Giang, kênh Thơ Nguyễn tại Bình Dương. Cùng với đó, khởi tố và bắt tạm giam Nguyễn Phương Hằng, Đặng Như Quỳnh về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hiện các cơ quan chức năng đang thực hiện các quy trình tố tụng theo quy định của pháp luật và sẽ sớm đưa vụ án ra xét xử.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông và các Sở Thông tin Truyền thông đã ban hành 114 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm thông tin trên mạng với tổng số tiền phạt gần 2 tỷ đồng.
Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google (Youtube), TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm. Tỷ lệ chặn, gỡ trung bình đạt trên 93%.
Đặc biệt, trong năm 2022, Facebook đã chấp nhận gỡ bỏ 16 hội, nhóm có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em như: “Hội những người vỡ nợ thích làm liều”, “Hội những người muốn tự tử”, “Hội đồng phê”...
Ngoài ra, đã gỡ bỏ 11 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức. Youtube đã ngăn chặn 6 kênh Youtube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam (có khoảng hơn 1.500 video clip).
Theo một số chuyên gia kinh tế, hậu quả của việc tung tin sai lệch không chỉ gây thiệt hại về tài chính, hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp mà còn gây ra khủng hoảng niềm tin của nhà đầu tư. Đặc biệt, dễ tạo nên "hiệu ứng domino" lan sang nhiều lĩnh vực từ bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm... Tại phiên họp thường kỳ tháng 10, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh cần kiên quyết xử lý theo đúng pháp luật những tổ chức, cá nhân tung tin thất thiệt nhằm xuyên tạc tình hình, nói xấu Đảng, Nhà nước, phá hoại nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Nhật Bắc |
Thông tin thêm về vấn đề này tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội ngày 4/11, đánh giá tin giả trên mạng nếu xử lý chậm sẽ lan truyền rất nhanh và rộng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết vừa qua các cơ quan đã nâng tầm xử lý tin giả từ thông tư lên nghị định. Nghị định quy định rõ hành vi, trách nhiệm các bên liên quan, thời gian các nhà mạng phải hạ thông tin giả, xấu độc từ 48 giờ rút xuống còn 24 giờ, có thông tin đặc biệt chỉ trong 3 giờ.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, hiện nay việc phạt đưa thông tin giả tại Việt Nam đã tăng lên 3 lần, nhưng so với các nước trong khu vực ASEAN chỉ bằng 1/10. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc đưa mức phạt lên đủ sức răn đe, ít nhất ngang với mức trung bình trong khu vực.
Chất vấn tại phiên họp hôm 4/11, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) đề nghị Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp ngăn chặn tác hại của loại thông tin này trên không gian mạng, tránh vô tình PR cho người muốn nổi tiếng.
Bộ trưởng Hùng thừa nhận việc ngăn chặn thông tin xấu độc ở Việt Nam gặp khó khăn do lực lượng mỏng, trong khi đó một người Việt Nam thường có 4 tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội. Nếu chỉ có Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Công an thì không đủ lực lượng để xử lý các vi phạm.
Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng cơ quan nào quản lý lĩnh vực gì ở thế giới thực thì cần quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng, tức là cả xã hội phải vào cuộc. Các bộ ngành, địa phương cùng chủ động tham gia quản lý lĩnh vực của mình trên không gian mạng, gia đình quản lý con cái mình.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông ngày 4/11. Ảnh: ĐT |
Tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nói rất hoan nghênh quan điểm thông tin xấu độc ngoài đời thế nào thì trên mạng như vậy. Tuy nhiên, ngoài đời quản lý theo lãnh thổ còn trên mạng là nền tảng đa quốc gia. Vì vậy, nếu chỉ dùng biện pháp ngăn chặn, xử lý tài khoản vi phạm "thì chẳng khác gì khi phòng chống Covid-19 chúng ta chỉ cách ly, phong tỏa, đeo khẩu trang".
"Giải pháp căn cơ nhất là cần nâng cao sức đề kháng thông qua vaccine. Cần làm sao để người dân, công chúng không tin, không nghe thông tin xấu độc. Chúng ta cần nhiều thứ để công chúng nghe, xem, đọc thông tin hay, có tính phản biện mang tính thuyết phục cao", đại biểu Nghĩa nói.
"Bộ trưởng nói sau 3 tiếng có thể gỡ bỏ thông tin độc hại, nhưng chỉ cần sau 5-10 phút thì thông tin độc hại lan rất rộng rồi. Nên quan trọng nhất là phải không uống thuốc độc ngay từ đầu. Nếu độc hại đã ngấm vào mới uống giải độc thì mãi mãi chúng ta sẽ chạy theo, rất vất vả", đại biểu Nghĩa nêu quan điểm.
Nhất trí với quan điểm của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa về nâng cao sức đề kháng trước thông tin xấu độc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, cơ quan, tổ chức, cá nhân nào quản lý lĩnh vực này trong không gian thực, thì cũng quản lý trên không gian mạng. Hiện Bộ đang đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung đào tạo kỹ năng số cho học sinh, đồng thời cũng tạo lập nền tảng online để học tập, xây dựng kỹ năng cơ bản để học tập, làm việc, sử dụng không gian số. Đây cũng là các bước thực hiện để nâng cao sức đề kháng trước thông tin xấu độc.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và mọi người dân trong việc làm sạch không gian mạng, nâng cao sức đề kháng trước vấn nạn tin giả, thông tin xấu độc. Cùng đó, Bộ sẽ chủ động rà soát, gỡ quét thông tin xấu độc./.