Mạnh tay xử lý những dự án “treo”
(ĐCSVN) - Thời gian qua, việc để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai, các dự án “treo”, dự án “quây tôn”… vẫn còn xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn Hà Nội. Vấn đề “xóa” những dự án này lại một lần nữa làm “nóng” nghị trường tại các buổi tiếp xúc cử tri trong những ngày gần đây.
Thời gian qua, việc để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai, các dự án “treo”, dự án “quây tôn”… vẫn còn xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh minh họa: TH) |
Câu chuyện quản lý đất đai, xử lý dự án chậm triển khai mặc dù được lãnh đạo thành phố Hà Nội coi trọng, chỉ đạo sát sao, được nhân dân và cử tri Thủ đô quan tâm; được HĐND Thành phố (TP) ban hành cả Nghị quyết, đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như biện pháp xử lý nghiêm đối với từng trường hợp vi phạm như cảnh báo công bố công khai, thu hồi, không giao dự án mới…, nhưng rồi “đâu vẫn vào đấy”. Hàng trăm dự án "treo" mãi không "hạ," thậm chí có những dự án "treo" hàng mấy chục năm gây bức xúc trong dư luận, kéo lùi phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.
Vấn đề liên quan đến các dự án “quây tôn”, dự án “treo” này một lần nữa lại làm nhân dân bức xúc, kiến nghị tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri của các đoàn đại biểu Quốc hội trong những ngày gần đây. Theo đó, các cử tri Thủ đô đề nghị Quốc hội có Nghị quyết về đánh giá tổng kết kết quả triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng và quy hoạch sử dụng đất hiện nay. Đặc biệt, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các xã, huyện được chuyển thành phường, quận theo Nghị quyết của Quốc hội đã trên 20 năm, không được chuyển đổi thành đất đô thị mà vẫn là đất nông nghiệp, gây khó khăn cho việc khai thác, sử dụng của người dân.
Cử tri cũng đề nghị Quốc hội có quyết sách về giải quyết những bất cập trong quản lý các dự án “treo” ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Các cử tri đề nghị cho thu hồi hoặc chuyển đổi cho các chủ đầu tư khác có đủ năng lực thực hiện các dự án đã được giải phóng mặt bằng từ 10-20 năm, chưa triển khai, gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị…
Điều đáng nói việc tồn tại dự án “quây tôn”, dự án “treo” để đấy nhiều năm không chỉ xuất hiện tại một số quận, huyện mà cử tri kiến nghị. Vấn đề này đã tồn tại rất nhiều ở các quận, huyện của Thủ đô, nhất là những nơi có tốc độ đô thị hóa cao.
Không khó để “điểm mặt” hàng loạt dự án đang “nằm trên giấy,” vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Hà Nội. Bởi theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, toàn thành phố có hơn 400 dự án thuộc diện chậm tiến độ, bỏ hoang. Những quận, huyện chiếm số lượng dự án chậm tiến độ nhiều nhất, gồm: Hoài Đức, Mê Linh, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai…
Điển hình tại huyện Mê Linh có tới 47 dự án đô thị chậm triển khai với tổng diện tích khoảng gần 2.000ha. Có thể liệt kê hàng loạt dự án có quy mô lớn bị bỏ hoang, chưa thực sự khởi động xây dựng sau hơn 10 năm được giao đất như Cienco5, Diamond Park, Tiền Phong, AIC, Minh Giang - Đầm Và…
Tương tự, quận Nam Từ Liêm cũng là địa phương có nhiều dự án “treo” với 48 dự án được rà soát thanh kiểm tra và yêu cầu xử lý từ năm 2018 nhưng đến nay UBND TP Hà Nội mới ban hành quyết định thu hồi 1 dự án; 3 dự án được gia hạn sử dụng đất 24 tháng; 7 dự án đã thực hiện giải phóng mặt bằng nhưng còn vướng mắc; 20 dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý…
Tại quận Bắc Từ Liêm, kiểm tra thực tế cho thấy, về cơ bản các dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách đều triển khai chậm, kéo dài nhiều năm. Có một số dự nằm ở vị trí “đắc địa” nhưng chưa triển khai thực hiện, tiếp tục được gia hạn, kéo dài; 5 dự án chưa được giao đất; 8 dự án chậm giải phóng mặt bằng; 2 dự án đã thu hồi đất nhưng chưa đề xuất phương án xử lý…
Có một thực tế ở Hà Nội, quỹ đất để phát triển hạ tầng phúc lợi thì eo hẹp, trong khi diện tích đất để hoang hóa lại lên đến hàng triệu mét vuông. Đặc biệt hơn, hàng nghìn người dân sống trong khu vực bị thu hồi đất để thực hiện dự án vẫn ngày đêm mong ngóng, đề nghị chính quyền địa phương sớm đưa ra câu trả lời về việc có tiếp tục thực hiện các dự án “quây tôn”, dự án “treo” hay không? Nếu thu hồi, thành phố cần khẩn trương giải quyết để các hộ dân này ổn định cuộc sống, tránh tình trạng nhếch nhác từ năm này sang năm khác…
Đáng nói, nỗi khổ, bức xúc của người dân cũng như những hệ lụy tiêu cực cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội từ hàng trăm dự án “quây tôn, dự án “treo” đã được TP Hà Nội xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành và chủ đầu tư. Thậm chí UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt tới các sở, ngành chức năng và các địa phương yêu cầu có biện pháp xử lý, thu hồi đất đối với các dự án chây ì nợ thuế, yếu kém năng lực tài chính, vi phạm pháp luật thuế và pháp luật về đất đai nhưng kết quả khắc phục vẫn chưa chuyển biến nhiều. Bởi sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-HĐND của HĐND TP, gần 3 năm thực hiện kiến nghị giám sát của HĐND TP và kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND TP, kết quả đạt được rất thấp.
Vậy giải pháp nào để Hà Nội triệt tiêu những dự án “quây tôn”, dự án “treo” vi phạm Luật Đất đai? Chắc hẳn không thể bằng các kiến nghị của cử tri mà cần có chế tài, quyết sách mạnh tay. Thành phố cần ban hành những chỉ thị, nghị quyết riêng cụ thể về vấn đề này, thậm chí cần “đánh” mạnh vào “túi tiền” của những đơn vị, cá nhân, nhà đầu tư có dự án “quây tôn”, dự án “treo”; kiên quyết thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất với những dự án “rùa bò”. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng công khai danh mục các dự án không đủ điều kiện thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và xuống tận cơ sở để người dân giám sát...…
Mặt khác, phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, địa phương, người đứng đầu, cán bộ, công chức… đối với chủ đầu tư chậm triển khai dự án, tránh tình trạng đùn đẩy, né trách nhiệm và xử lý thật nghiêm đối với những tập thể, cá nhân vi phạm... Có như vậy mới nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm xử lý các dự án chậm tiến độ theo quy định của pháp luật, khắc phục tình trạng nhếch nhác bởi hình ảnh dự án "quây tôn", dự án “treo”…/.