Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Mạnh chế tài, chặt đứt thất thoát, lãng phí

Thứ Ba, 01/11/2022 10:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Lãng phí đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng đến việc khai thác, phát huy các tiềm lực để phát triển đất nước. Tính chất nguy hiểm cũng như “mức độ” của lãng phí qua những con số “biết nói” mà Quốc hội đưa ra liên quan đến hàng trăm dự án, hàng trăm nghìn héc ta đất, hàng chục nghìn tỷ đồng bị lãng phí… khiến cho các đại biểu Quốc hội “dồn dập” lên tiếng…

Dự án tuyến đường sắt thí điểm thành phố Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội là một trong những dự án chậm tiến độ, đội vốn.

Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” của Đoàn Giám sát Quốc hội khóa XV công bố mới đây đã đưa ra những con số làm chúng ta không khỏi “giật mình”. Đó là theo tổng hợp chưa đầy đủ của các bộ ngành, địa phương, hơn 3.000 dự án có thất thoát, lãng phí, trong đó, năm 2016 là 590 dự án, 2017 là 840 dự án, năm 2018 là 422 dự án, năm 2019 là 125 dự án, năm 2020 là 923 và 2021 là 185 dự án.

Đáng chú ý hơn nữa, trong hơn 1.000 trường hợp đã đưa ra xét xử giai đoạn 2016-2021, có nhiều dự án đầu tư công sai phạm, phải xử lý hình sự, gây thất thoát, lãng phí gần 32.000 tỷ đồng. Cùng với đó, hàng nghìn dự án chậm tiến độ và xu hướng tăng dần qua các năm; hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án lớn, trọng điểm đều chậm tiến độ. Điển hình là dự án tuyến đường sắt thí điểm thành phố đoạn Nhổn - ga Hà Nội; số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên; số 2 Bến Thành - Tham Lương...

Đoàn giám sát của Quốc hội cũng “điểm danh” nhiều địa phương có số dự án phát hiện thất thoát, lãng phí nhiều, như Bắc Giang năm 2018 có 196 dự án, năm 2020 có 864 dự án; Thanh Hóa năm 2019 có 52 dự án, năm 2020 có 19 dự án, năm 2021 có 90 dự án...

Nhìn vào những con số “biết nói” nêu trên, người dân cảm nhận có cái gì đó không bình thường, dường như vừa “bất lực”, vừa thiếu nghiêm minh và không khỏi xót xa… về tình trạng lãng phí. Thế mà Đoàn Giám sát lại còn thêm đánh giá là các vụ việc gây thất thoát, lãng phí, thực hiện không đúng quy định ngày càng tinh vi, phức tạp; xảy ra ở cả các cơ quan của Chính phủ trong chính ngành, lĩnh vực được giao quản lý, tham mưu.

Nguyên nhân của những hậu quả nêu trên cũng được chỉ ra là do kỷ luật, kỷ cương, nhận thức pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của một bộ phận cán bộ chưa đầy đủ; còn có hiện tượng buông lỏng quản lý, nể nang, né tránh tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong khi đó, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế, một số nơi chưa đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và cơ quan tham mưu. Sự phối hợp giữa các cơ quan ở cả trung ương, địa phương nhiều trường hợp chưa chặt chẽ.

Đó còn là công tác tham mưu xây dựng, ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật về quy chuẩn, tiêu chuẩn, đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ. Có trường hợp còn sơ hở dẫn đến lãng phí, thất thoát lớn về nguồn vốn, tài sản nhà nước, tài nguyên đất đai, khoáng sản, nguồn nhân lực…

Trước thực trạng lãng phí nêu trên, tại phiên thảo luận nghị trường ngày 31/1, các đại biểu Quốc hội nêu rõ, việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để giám sát tối cao là “đúng và trúng”. Các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến để có thể nhanh chóng hạn chế, khắc phục những hậu quả “đáng báo động” nêu trên.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng dù đã chú trọng đến việc tham mưu các văn bản quy phạm pháp luật nhưng lãng phí khu vực công vẫn xảy ra, từ nợ đọng, thất thu thuế đến hàng nghìn dự án chậm tiến độ. Do đó, bà Nga đề nghị Chính phủ chỉ đạo dứt khoát, sớm đưa các dự án chậm tiến độ vào sử dụng để tránh lãng phí. Các cơ quan cũng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, xét xử; đồng thời đặc biệt chú ý đến nâng cao đạo đức con người, phát triển văn hóa, bởi đây là gốc của chống lãng phí, nhất là khu vực công.

Đồng tình tính ích kỷ là một trong những nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, đại biểu Nguyễn Việt Thắng (đoàn Kiên Giang) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu, xuyên suốt là thể chế liên quan đến tài sản công còn nhiều bất cập. Bởi chính kết quả giám sát cho thấy việc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật về định mức kỹ thuật đơn giá, kinh tế kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, khiến tài sản nhà nước, đất đai, tài nguyên khoáng sản... bị thất thoát lớn. Năm 2019, các bộ ngành còn nợ 9 văn bản hướng dẫn các luật. Năm 2020, các đơn vị còn nợ 7 nghị định và 30 văn bản quy định chi tiết.

Từ đó, đại biểu Nguyễn Việt Thắng kiến nghị nghiên cứu chế tài xử lý tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ cần bổ sung nguồn lực kinh tế xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng đội ngũ pháp chế. Các cơ quan cần thực hiện nghiêm luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục triệt để tình trạng luật có hiệu lực nhưng chờ văn bản hướng dẫn mới thực hiện được.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) thì cho rằng nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là do sự thiếu quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của cấp có thẩm quyền. Do đó, ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ ngành có trụ sở dôi dư nhanh chóng bàn giao cho địa phương để sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực; kiên quyết xử lý tổ chức, cá nhân không thực hiện.

Còn đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) đánh giá thất thoát, lãng phí trong báo cáo giám sát chưa phản ánh đầy đủ bức tranh về thực trạng lãng phí, thất thoát trong xã hội hiện nay. “Vấn đề quan trọng đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại, tổn thất, lãng phí đó?”, ông Trí nhấn mạnh, đồng thời mong muốn Quốc hội, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo làm rõ các vi phạm, thất thoát, lãng phí, trong đó làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tổ chức và phương án khắc phục, xử lý với trên 3.000 dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; trên 79.000 ha đất nông, lâm nghiệp đã quyết định thu hồi nhưng có phương án sử dụng… Ngoài ra, tập trung xử lý các dự án không hiệu quả, chậm tiến độ, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, các dự án BT, BOT đang triển khai dở dang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; các dự án đã hoàn thành nhưng không đưa vào sử dụng, không phát huy hiệu quả.

Đáng lưu ý, nếu như tại diễn đàn Quốc hội trước đó, có đại biểu đã đề cập đến “lãng phí niềm tin”, thì ở chuyên đề giám sát tối cao lần này, các đại biểu tiếp tục chỉ rõ những lãng phí về “cơ hội”. Theo đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh), việc chớp cơ hội thuận lợi trong tranh thủ thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển đất nước cũng chính là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc chậm trễ trong phê duyệt các quy hoạch thời gian vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn, có nhiều dự án được đầu tư nhưng nguồn lực còn để lãng phí. Để không “lãng phí cơ hội”, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị Chính phủ phải khẩn trương tiến hành lập và phê duyệt các quy hoạch theo luật định.

Tiêu cực, yếu kém, trì trệ đang ngày càng phổ biến, mà lỗi không chỉ thuộc về những người trực tiếp gây ra yếu kém, trì trệ mà có nguyên nhân thuộc về tổ chức bộ máy và phương thức vận hành. Do đó, một số đại biểu Quốc hội cũng mong muốn Chính phủ cần có giải pháp đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp, phân quyền cho địa phương, đặc biệt giao thẩm quyền cho cấp tỉnh giải quyết một số thủ tục hành chính còn đang trực thuộc các bộ, Chính phủ, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, đầu tư, đầu tư công, xây dựng, tài chính, tổ chức, biên chế, lao động… Điều này sẽ tạo cơ sở, điều kiện cho địa phương phát huy nội lực, chủ động linh hoạt hơn trong triển khai điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tránh “lãng phí nguồn nội lực”, mất cơ hội cho việc chờ đợi các thủ tục hành chính được giải quyết…

Có thể nói, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không phải là khẩu hiệu, mà thật sự thấm sâu, lan tỏa vào cuộc sống một cách thực chất và hiệu quả. Với những "kế sách” mà các đại biểu Quốc hội nêu ra, chúng ta hi vọng tình trạng lãng phí từng bước sẽ giảm, tiến tới chặt đứt thất thoát, lãng phí, tạo “đường băng” để kinh tế - xã hội phát triển. Muốn thế ngoài tổng hợp các biện pháp đã được “hiến kế” thì thiết nghĩ, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm đến việc bồi đắp, nâng cao ý thức đạo đức của con người về vấn đề này. Do đó, cần đưa giáo dục tiết kiệm, chống lãng phí vào trong nhà trường, thực hiện một cách đồng bộ, để tiết kiệm trở thành lối sống, phẩm chất của mỗi cá nhân trong toàn xã hội…/.

Trung Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN