Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Mang nước sạch đến với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Bảy, 07/10/2023 10:24 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân vùng dân tộc thiểu số là một trong những chính sách được triển khai thực hiện hiệu quả ở nhiều địa phương, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.

Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đặt mục tiêu góp phần đạt 90% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Thực hiện dự án, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán (ưu tiên hỗ trợ để mua sắm trang bị hoặc xây dựng bể chứa nước phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình); hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung: Đầu tư xây dựng công trình nước tập trung theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt (ưu tiên cho người dân vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao chưa có nguồn nước hoặc thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh). 

Thời gian qua, được sự quan tâm triển khai dự án của Trung ương và địa phương, nhiều công trình nước sạch đã được đầu tư xây mới và sửa chữa đưa vào sử dụng, cùng với đó người dân cũng được hỗ trợ mua sắm các téc nước, xây dựng bể chứa nước phục vụ sinh hoạt. Qua đó, đã góp phần đưa những dòng nước mát lành đến với người dân các thôn, làng vùng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại diện các đơn vị cấp téc chứa nước cho hộ dân xóm Khe Nác, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Văn Hùng 

Người dân được hỗ trợ phương tiện chứa nước

Trước đây, những hộ nghèo, cận nghèo tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên không có điều kiện mua téc nước thường sử dụng bể xi-măng, chum, vại, xô, chậu… để tích trữ nước sinh hoạt. Do tích trữ lâu ngày ngoài trời, dụng cụ chứa nước thường có nắp đậy không kín hoặc không có nắp, lại không được vệ sinh thường xuyên nên các loại ấu trùng dễ dàng xuất hiện. Thụ hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán của Dự án 1, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều hộ dân ở tổ dân phố Bãi Á, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) vừa được hỗ trợ téc nước, góp phần đảm bảo sức khoẻ và sinh hoạt cho người dân.

Theo thống kê, giai đoạn 2021-2023, phòng Dân tộc huyện Định Hoá đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các xóm tiến hành cấp téc chứa nước cho các hộ nghèo, cận nghèo, là người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Cụ thể, toàn huyện có 934 hộ, thuộc 23 xã, thị trấn đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán của Dự án 1, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, 881 hộ được hỗ trợ téc nước, 36 hộ được hỗ trợ đào giếng, 15 hộ được hỗ trợ đường ống dẫn nước, 2 hộ được hỗ trợ xây dựng bể chứa nước. Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ là 15,7 tỷ đồng.

Tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, năm 2023 Phòng Dân tộc huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các xóm tiến hành cấp téc chứa nước cho các hộ nghèo là người dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện. Cụ thể, toàn huyện có 377 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, thuộc 12 xã được hỗ trợ téc chứa nước. Tổng số tiền thực hiện hỗ trợ là 1,13 tỷ đồng. Trong đó, Yên Trạch - xã đặc biệt khó khăn của huyện Phú Lương có số hộ được hỗ trợ nhiều nhất, với 77 hộ. Tiếp đến là xã Ôn Lương có 57 hộ, xã Phủ Lý có 55 hộ, xã Động Đạt có 52 hộ được hỗ trợ. 8 xã còn lại có từ 7 đến 33 hộ được hỗ trợ téc nước. 

Ông Triệu Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cho biết, việc cấp téc chứa nước nhằm giúp các hộ nghèo DTTS trên địa bàn huyện Phú Lương sử dụng chứa nguồn nước sạch; giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận và sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt và đời sống, góp phần đảm bảo sức khỏe cho đồng bào, nâng cao tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh tại khu vực nông thôn, miền núi.

Người dân tiểu khu 2, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu được sử dụng nước sạch.  Ảnh minh họa. Ảnh: Khải Hoàn 

Thêm nhiều công trình nước sạch đến với người dân

Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhiều công trình nước sạch tập trung được triển khai đưa vào sử dụng giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cuối năm 2022, công trình nước sinh hoạt của bản Hát Sét, xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã hoàn thành việc sửa chữa, đưa vào sử dụng giúp hơn 120 hộ của bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhất là vào mùa khô. Công trình có tổng đầu tư hơn 104 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Vào đầu năm nay, công trình cấp nước liên bản xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn có tổng mức đầu tư 6 tỷ đồng cũng được khởi công, đến nay đã hoàn thành hơn 50%, dự kiến đưa vào sử dụng vào cuối năm 2023, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 1.100 hộ của các bản Vựt Bon, Cơi Quỳnh, Cuộm Sơn, Dăm Hoa. Việc thi công công trình nước sinh hoạt liên bản xã Chiềng Mai sẽ góp phần nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt của xã lên trên 95%. 

Từ năm 2021 đến nay, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La được đầu tư xây dựng 4 công trình nước sinh hoạt tập trung, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho trên 1.600 hộ của các xã Phiêng Cằm, Chiềng Chăn, Chiềng Mai, Chiềng Lương; đầu tư công trình nước sinh hoạt phân tán cho 63 hộ thuộc các xã Chiềng Mai, Chiềng Dong, Chiềng Kheo, Nà Ớt, Phiêng Cằm, Chiềng Nơi.

Ông Lại Như Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: Các chương trình, dự án, chính sách đầu tư hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được triển khai, thực hiện đồng bộ, kịp thời, đúng mục tiêu, đối tượng, đúng quy định của nhà nước. Dự án đã giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, góp phần nâng tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh toàn huyện lên 98%; đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, 10 công trình cấp nước sinh hoạt đã đến với người dân vùng khó, 33 công trình cấp nước sinh hoạt đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, đạt hơn 70% khối lượng. Đây là những công trình mà người dân đã mong chờ từ lâu, góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước triền miên nhất là trong các tháng cao điểm nắng nóng, nước suối khô cạn. Qua đó, giúp người dân yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế.

Có thể thấy, hỗ trợ nước sạch cho hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số là chính sách hết sức cần thiết, phù hợp với thực tế tại các địa phương. Nhờ triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt (Dự án 1, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), nhiều người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được tiếp cận với nguồn nước sạch, hợp vệ sinh và nâng cao chất lượng cuộc sống./.

Tú Hà (th)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN