Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Mạng lưới Kết nối 2024: Hợp tác bền vững trong chuỗi ngành gốm sứ

Thứ Bảy, 07/09/2024 09:29 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐSVN) – Chương trình Kết nối “Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành gốm sứ năm 2024", do Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND huyện Gia Lâm tổ chức từ ngày 5 - 8/9, tại làng gốm Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội), giúp công chúng thưởng lãm nhiều tác phẩm nghệ thuật gốm đặc sắc, góp phần tích cực vào việc gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống ở các làng nghề gốm cổ truyền của Hà Nội.

Ông Hoàng Minh Lâm, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội cho biết, Chương trình Kết nối "Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành gốm sứ năm 2024" nhằm kết nối các chuỗi sản xuất, kích cầu tiêu dùng trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành gốm sứ, quảng bá sản phẩm, góp phần an sinh xã hội khu vực nông thôn.

 Khai mạc Chương trình Kết nối “Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành gốm sứ năm 2024" diễn ra vào tối ngày 5/9, tại Bảo tàng gốm sứ làng Kim Lan (Gia Lâm - Hà Nội).
 Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, Trương Văn Học tới dự và phát biểu tại buổi Lễ.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học, những năm gần đây, các làng nghề truyền thống của huyện Gia Lâm được đầu tư bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống gắn với phát triển du lịch, hằng năm thu hút khoảng 600.000 lượt du khách, trong đó có khoảng 40.000 lượt du khách quốc tế tới thăm quan, mua sắm. Các sản phẩm gốm sứ của làng Bát Tràng, Kim Lan, sản phẩm Mỹ nghệ dát vàng bạc quỳ và may da Kiêu Kỵ… của huyện Gia Lâm đã có ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Chương trình Kết nối "Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành gốm sứ năm 2024" rất ý nghĩa đối với xã Kim Lan, một điểm du lịch mới của Thủ đô có quy mô 60 chủ cơ sở của các làng nghề Kim Lan, Bát Tràng, Kiêu Kỵ…

"UBND các xã có các làng nghề sản xuất gốm sứ và các doanh nghiệp, nghệ nhân trên địa bàn huyện Gia Lâm cần hình thành các dịch vụ hỗ trợ cho du lịch làng nghề; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch gắn với làng nghề, tăng cường hợp tác với các công ty du lịch, các hãng lữ hành trong việc tổ chức các tour tham quan làng nghề truyền thống…", Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đề nghị.

 Chương trình giúp công chúng có dịp thưởng lãm các sản phẩm gốm sứ đặc sắc của các làng nghề gốm Bát Tràng, Kim Lan, Giang Cao, Kiêu Kỵ...
 Các đại biểu thăm quan các tác phẩm gốm tiêu biểu của nghệ nhân làng gốm Kim Lan giới thiệu tại khu trưng bày các tác phẩm nghệ thuật gốm sứ.
Trong khuôn viên bảo tàng gốm sứ Kim Lan, xã Kim Lan, công chúng có dịp thưởng lãm nhiều tác phẩm gốm giàu tính sáng tạo nghệ thuật, lưu dấu ấn ở nhiều cuộc thi trong nước và quốc tế của các nghệ nhân gốm Hà Nội. 
 Trải qua thời gian dài lưu giữ và phát triển nghề cổ truyền, gốm sứ Kim Lan mang nét đặc trưng riêng biệt, kết nối quá khứ và hiện tại qua từng sản phẩm giàu tính nghệ thuật.
 Gốm Kim Lan như một bức tranh sống động, được Nghệ nhân Đào Việt Bình vẽ nên bởi sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
 Tác phẩm gốm men Hoàng Tộc tái hiện tích "Cửu long ngư quần hội" có kích thước lớn nhất hiện nay của nghệ nhân làng gốm Kim Lan.
 Khu trưng bày các sản phẩm làng nghề gốm sứ Giang Cao (Gia Lâm – Hà Nội) tham gia Chương trình.
 Sản phẩm gốm dát vàng của làng nghề Kiêu Kỵ (Gia Lâm – Hà Nội) tham gia giới thiệu sản phẩm tại khu trưng bày.
 Bình gốm dát vàng của làng nghề Kiêu Kỵ. 
 Trong mỗi sản phẩm gốm sứ, tình yêu nghề truyền thống vẫn luôn được thắp sáng bởi những sự sáng tạo, lao động không ngơi nghỉ của người làm gốm.
 Không gian giới thiệu sản phẩm gốm sứ chất lượng cao tại Trưng bày.
 Sự kiện còn có các nghệ nhân gốm thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam tham gia giới thiệu nghệ thuật điêu khắc gốm tại Khu trình diễn của các nghệ nhân gốm sứ giúp các du khách có thể thăm quan, trải nghiệm thực tế về nghề gốm truyền thống.
 Qua bàn tay người nghệ nhân, những khối đất vô tri được nhào nặn, nung trong lửa, để rồi trở thành những tác phẩm nghệ thuật sống động, lưu dấu với thời gian.
 Nghề gốm sứ cổ truyền tại các làng nghề của Hà Nội đang là những di sản văn hóa sống, nơi mà giá trị truyền thống không ngừng được bảo tồn và phát huy, phản ánh sức mạnh của nghệ thuật, của tình yêu và niềm tự hào của văn hóa Hà Nội, mang đến thế hệ sau những di sản văn hóa quý giá, bền vững với thời gian.
Thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, đồng hành cùng sự kiện này, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện: “Liên kết hợp tác bền vững giữa cơ sở phân phối bán lẻ với các nhà cung ứng về sản phẩm thân thiện với môi trường”, tại siêu thị BicC; “Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành chế biến nông sản” tại quận Hà Đông; “Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi sản phẩm làng nghề truyền thống và OCOP” tại quận Nam Từ Liêm. Chuỗi sự kiện đem đến cái nhìn tổng thể về Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững, góp phần làm phong phú hơn các sản phẩm du lịch của Thành phố, phục vụ du khách đến với Thủ đô.

 

N.Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN