Lượng phát thải CO2 toàn cầu sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023
(ĐCSVN) - Dữ liệu sơ bộ cho thấy lượng phát thải carbon dioxide (CO2) hóa thạch toàn cầu trong năm nay sẽ đạt mức cao kỷ lục 36,8 tỷ tấn, tăng 1,1% so với mức của năm 2022 và cao hơn 1,4% so với mức trước đại dịch.
Ảnh minh họa (Nguồn: earth.org) |
Cùng với lượng khí thải phát sinh từ thay đổi sử dụng đất - chẳng hạn như nạn phá rừng - lượng khí thải CO2 toàn cầu có thể sẽ đạt tới 40,9 tỷ tấn. Những con số báo động trên đã cảnh báo về một kịch bản biến đổi khí hậu trầm trọng hơn, với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan tàn khốc hơn.
Theo báo cáo Ngân sách Carbon Toàn cầu 2023 do các nhà nghiên cứu từ hơn 90 tổ chức trên thế giới biên soạn và được Dự án Carbon Toàn cầu công bố ngày 5/12, lượng khí thải vào năm 2023 dự kiến sẽ tăng ở tất cả các loại nhiên liệu mặc dù có sự sụt giảm ở 26 quốc gia chiếm đến 28% lượng phát thải toàn cầu.
Đặc biệt, lượng khí thải từ than, vốn chiếm 41% lượng khí thải toàn cầu, được dự đoán sẽ tăng 1,1%, một phần do sự gia tăng đáng kể ở các nước như Ấn Độ và Trung Quốc, ngay cả khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang giảm dần mức tiêu thụ. Kịch bản tương tự cũng xảy ra với nhiên liệu dầu mỏ vốn chiếm 32% lượng khí thải toàn cầu và được dự đoán sẽ tăng 1,5% trong năm nay. Cuối cùng, sự gia tăng phát thải khí đốt tự nhiên ở Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ được cho là nguyên nhân dẫn đến mức tăng phát thải khí đốt tự nhiên ước tính ở mức 0,5% trên phạm vi toàn cầu.
Mặc dù thế giới đang chứng kiến những tiến bộ trong những năm gần đây, từ việc giảm đáng kể lượng khí thải CO2 hóa thạch ở nhiều quốc gia (bao gồm cả Mỹ và Châu Âu), cho đến việc giảm tổng thể tốc độ tăng trưởng trên toàn cầu, Giáo sư Pierre Friedlingstein tại Đại học Exeter (Anh), người đứng đầu nghiên cứu trên cảnh báo rằng tiến độ vẫn đang diễn ra “chậm một cách đáng kinh ngạc” và hiện chưa đủ phổ biến để đưa thế giới đi đúng hướng nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0.
“Bây giờ có vẻ như không thể tránh khỏi việc chúng ta sẽ vượt quá mục tiêu hạn chế sự nóng lên của trái đất ở mức 1,5 độ C theo Thỏa thuận Paris và các nhà lãnh đạo họp tại COP28 sẽ phải đồng ý cắt giảm nhanh chóng lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch thậm chí để duy trì mục tiêu ở ngưỡng 2 độ C” – ông Friedlingstein nói.
Báo cáo Ngân sách Carbon Toàn cầu 2023 cũng củng cố những phát hiện gần đây cho thấy rằng, ở mức phát thải CO2 hiện tại, dư lượng carbon còn lại để duy trì 50% cơ hội hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C có thể bị vượt quá trong 7 năm. Ngân sách carbon đề cập đến lượng CO2 ròng mà chúng ta còn lại để thải ra trước khi vượt quá mức tăng nhiệt độ toàn cầu mong muốn.
Giáo sư Corinne Le Quéré thuộc Trường Khoa học Môi trường hàng đầu thế giới UEA lưu ý: “Dữ liệu CO2 mới nhất cho thấy những nỗ lực hiện tại chưa đủ mạnh mẽ hoặc đủ rộng rãi để đưa lượng phát thải toàn cầu vào quỹ đạo giảm xuống mức ròng 0. Tuy nhiên, một số xu hướng phát thải đang bắt đầu thay đổi, cho thấy các chính sách về khí hậu có thể có hiệu quả”.
Qua đó, ông Quéré kêu gọi tất cả các quốc gia cần phải đẩy mạnh việc xây dựng một nền kinh tế theo hướng khử cacbon để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các quốc gia đã nhất trí giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và hướng tới một mục tiêu tham vọng hơn là không quá 1,5 độ C. Giới khoa học cảnh báo, mức tăng nhiệt trên 1,5 độ C sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng và không thể đảo ngược về khí hậu.
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc cho biết, nếu muốn hạn chế mức tăng nhiệt không quá 1,5 độ C, lượng khí thải trên thế giới phải giảm mạnh 43% từ nay đến năm 2030. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lượng khí thải lại có xu hướng tăng cao. Đại dịch COVID-19 đã tạo ra “khoảng chững ngắn ngủi” trong xu hướng đó, song ở thời điểm hiện tại, lượng khí thải đã tăng trở lại và cao hơn 1,4% so với trước dịch COVID-19./.