Lượng khí thải carbon toàn cầu tăng trở lại gần với mức trước đại dịch COVID -19
(ĐCSVN) - Lượng khí thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch giảm 5,4% vào năm 2020 trong bối cảnh xã hội đóng cửa do đại dịch COVID-19, nhưng báo cáo mới dự báo mức tăng 4,9% trong năm nay (từ 4,1% tới 5,7%) với tổng cộng 36,4 tỷ tấn carbon.
Ảnh minh họa: PA |
Theo Dự án Carbon Toàn cầu, lượng khí thải carbon toàn cầu vào năm 2021 sẽ tăng trở lại gần với mức trước đại dịch COVID - 19. Lượng khí thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch giảm 5,4% vào năm 2020 trong bối cảnh xã hội đóng cửa do đại dịch COVID - 19, nhưng báo cáo mới dự báo mức tăng 4,9% trong năm nay (từ 4,1% tới 5,7%) với tổng cộng 36,4 tỷ tấn carbon.
Dự án Carbon Toàn cầu là một dự án nghiên cứu quốc tế nằm trong sáng kiến nghiên cứu Tương lai Trái đất về tính bền vững toàn cầu, và là đối tác nghiên cứu của Chương trình Nghiên cứu Khí hậu Thế giới. Dự án nhằm mục đích phát triển một bức tranh hoàn chỉnh về chu trình carbon toàn cầu, bao gồm cả các khía cạnh lý sinh và con người cùng với sự tương tác giữa các yếu tố này. Ngân sách carbon toàn cầu 2021 là ấn bản thứ 16 của bản cập nhật hàng năm bắt đầu từ năm 2006.
Đối với các quốc gia phát thải lớn như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, lượng khí thải năm 2021 dường như quay trở lại xu hướng giảm như trước đại dịch COVID - 19, nhưng đối với Ấn Độ, lượng khí thải CO2 có xu hướng tăng. Đối với Trung Quốc, đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng phát thải CO2 nhiều hơn nữa, do sự thúc đẩy từ các ngành điện và công nghiệp.
Nhóm nghiên cứu - bao gồm Đại học Exeter, Đại học East Anglia (UEA), CICERO và Đại học Stanford - cho biết khó có thể cắt giảm lượng khí thải vào năm 2022 nếu vận tải đường bộ và hàng không trở lại mức trước đại dịch và lượng sử dụng than vẫn ổn định.
Phát hiện được đưa ra khi các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và cố gắng thống nhất về một kế hoạch hành động trong tương lai.
Giáo sư Pierre Friedlingstein, thuộc Viện nghiên cứu Hệ thống Toàn cầu của Exeter, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết: “Sự phục hồi nhanh chóng của lượng khí thải khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch khiến chúng ta phải thực hiện những hành động toàn cầu khẩn cấp để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”.
Giáo sư Corinne Le Quéré, Giáo sư Nghiên cứu Hiệp hội Hoàng gia tại Trường Khoa học Môi trường, thuộc UEA, đã đóng góp vào phân tích của năm nay. Bà cho biết: “Sẽ mất một khoảng thời gian để thấy được tác động đầy đủ do những gián đoạn liên quan đến đại dịch COVID - 19 đối với lượng khí thải CO2 toàn cầu.Nhiều tiến bộ đã được ghi nhận trong việc khử carbon trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu kể từ khi Thỏa thuận Paris được ký kết vào năm 2015, ngoài ra năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng duy nhất tiếp tục phát triển trong thời kỳ đại dịch. Các khoản đầu tư mới và chính sách khí hậu mạnh mẽ cần hỗ trợ một cách có hệ thống nhiều hơn cho nền kinh tế xanh hiện nay,cũng như giúp các nền kinh tế này dần đẩy lùi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch”.
Nhìn chung, đối với các nước còn lại của thế giới, lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch vẫn dưới mức năm 2019.
Trong thập kỷ qua, lượng phát thải ròng CO2 toàn cầu do thay đổi sử dụng đất là 4,1 tỷ tấn, với 14,1 tỷ tấn CO2 thải ra do phá rừng cùng các thay đổi trong sử dụng đất khác, và 9,9 tỷ tấn CO2 được loại bỏ nhờ trồng rừng và phục hồi đất. Lượng khí thải được loại bỏ nhờ trồng rừng và phục hồi đất đã tăng lên trong hai thập kỷ qua trong khi lượng phát thải do phá rừng và các thay đổi sử dụng đất khác vẫn ở mức tương đối đều đặn, điều này cho thấy sự thuyên giảm gần đây của lượng phát thải ròng do thay đổi sử dụng đất, mặc dù bên cạnh đó vẫn có những hoài nghi.
Tổng lượng phát thải CO2 từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch và thay đổi sử dụng đất ròng, không đổi trong thập kỷ qua, trung bình là 39,7 tỷ tấn CO2.
Dựa trên các phát hiện, nồng độ CO2 trong khí quyển được dự báo sẽ tăng thêm 2,0 ppm vào năm 2021 và đạt mức trung bình 415 ppm trong cả năm, mức tăng trưởng thấp hơn so với những năm gần đây do điều kiện La Niña vào năm 2021.
Để có 50% cơ hội hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 °C, 1,7 °C và 2 °C, các nhà nghiên cứu ước tính "ngân sách carbon" còn lại hiện nay cần giảm xuống lần lượt là 420 tỷ tấn, 770 tỷ tấn và 1.270 tỷ tấn - tương đương đến 11, 20 và 32 năm kể từ đầu năm 2022. Friedlingstein cho biết: “Đạt đến mức phát thải ròng CO2 bằng 0 vào năm 2050 đồng nghĩa với việc cắt giảm lượng khí thải CO2 toàn cầu trung bình khoảng 1,4 tỷ tấn mỗi năm”. "Lượng phát thải đã giảm 1,9 tỷ tấn vào năm 2020 - vì vậy, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chúng ta phải cắt giảm lượng khí thải hàng năm bằng một lượng tương đương với mức đã làm được trong đại dịch COVID - 19. Điều này làm nổi bật quy mô của các hành động cấp thiết hiện nay và từ đó cho thấy tầm quan trọng của các cuộc thảo luận COP26."
Bản cập nhật hàng năm về Ngân sách carbon toàn cầu được xây dựng dựa trên các phương pháp luận đã được thiết lập một cách hoàn toàn minh bạch. Ấn bản năm 2021 được công bố dưới dạng bản in trước và đang trong quá trình đánh giá mở trên tạp chí Dữ liệu Khoa học Hệ thống Trái đất.
Báo cáo - Ngân sách carbon toàn cầu hàng năm lần thứ 16 - đưa ra phân tích sau đây về các nguồn phát thải lớn (các số liệu dưới đây không bao gồm vận tải quốc tế, đặc biệt là hàng không): • Trung Quốc: Lượng phát thải dự kiến sẽ tăng 4% so với năm 2020, đạt 5,5% so với năm 2019 - tổng cộng 11,1 tỷ tấn CO2, chiếm 31% lượng khí thải toàn cầu. • Hoa Kỳ: Lượng phát thải dự kiến sẽ tăng 7,6% so với năm 2020, đạt 3,7% so với năm 2019 - tổng cộng là 5,1 tỷ tấn CO2, chiếm 14% lượng khí thải toàn cầu. • EU27 (27 nước thuộc EU): Lượng phát thải dự kiến tăng 7,6% so với năm 2020, đạt 4,2% so với năm 2019 - tổng cộng 2,8 tỷ tấn CO2, chiếm 7% lượng khí thải toàn cầu. • Ấn Độ: Lượng phát thải dự kiến sẽ tăng 12,6% so với năm 2020, đạt 4,4% so với năm 2019 - tổng cộng 2,7 tỷ tấn CO2, chiếm 7% lượng khí thải toàn cầu. |