Lương giáo viên sẽ được trả theo vị trí việc làm, tính chất phức tạp nghề nghiệp
(ĐCSVN)- Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, nhiều chính sách đối với đội ngũ giáo viên sẽ có sự thay đổi. Ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã có chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề này.
PV: Từ ngày 1/7/2020, khi mà Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực thì chính sách đối với giáo viên có thay đổi như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Đức Minh: Sau khi Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực, chính sách đối với đội ngũ giáo viên có một số thay đổi, như: Thay đổi về quy định chuẩn trình độ đào tạo với giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Theo đó, giáo viên mầm non trước đây chuẩn trình độ đào tạo là trung cấp, thì nay là cao đẳng; giáo viên tiểu học chuẩn đào tạo từ trung cấp nâng lên thành đại học; giáo viên trung học cơ sở chuẩn đào tạo từ cao đẳng nâng lên thành đại học. Như vậy, tới đây, toàn bộ hệ thống giáo viên phổ thông đều có chuẩn trình độ đào tạo là đại học.
Thêm nữa, nếu trước đây, các chuẩn nghề nghiệp giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa được nói đến một cách tường minh trong các văn bản quy phạm pháp luật, thì nay nội dung này được đưa vào Luật. Theo đó, Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định, Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được hưởng phụ cấp ưu đãi phù hợp với đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.
PV: Vậy chính sách nhà giáo liên quan đến lương, phụ cấp theo quy định mới sắp tới sẽ như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Đức Minh: Từ năm 2010, theo quy định của Luật Viên chức, cách trả lương là theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được tuyển dụng. Các giáo viên mới vào ngành đều chưa đủ tiêu chuẩn để ở hạng chức danh khác, ngoài chức danh thấp nhất, do đó, mức lương nhận được tương ứng cũng là mức thấp nhất.
Bảng lương mới hiện nay đang được xây dựng, tinh thần là mức lương được trả theo vị trí việc làm, theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp. Ngành Giáo dục không có thang bảng lương riêng, nhưng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở nâng lên cũng là căn cứ để khởi đầu cho bậc lương của giáo viên ở các bậc học này, về logic cũng đã được nâng lên.
Dự kiến cách tính lương mới sẽ không còn khái niệm lương cơ bản mà sẽ là lượng tiền khởi động ban đầu có một mức, sau đó quy ra các mức cao hơn. Cách đưa ra bậc lương ban đầu bằng lượng tiền cùng các hệ số và được nâng lên bởi trình độ đào tạo, sẽ thấy lương giáo viên, đặc biệt bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được nâng lên so với hệ thống hiện nay, nhất là với đội ngũ giáo viên mới vào nghề.
Về phụ cấp ưu đãi, chúng tôi đang cố gắng bảo vệ mức phụ cấp ưu đãi cho ngành Giáo dục ở mức cao nhất là 30% như theo dự kiến hiện nay. Bảo vệ quan điểm này từ đặc thù nghề nghiệp, khó khăn phức tạp trong nghề nghiệp một cách khoa học, logic, chứ không phải theo mong đợi cảm tính.
Giáo viên sẽ không còn phụ cấp thâm niên
PV: Như vậy, với cách tính lương mới, nhà giáo sẽ không còn phụ cấp thâm niên, thưa ông?
Ông Hoàng Minh Đức: Đúng vậy, tới đây sẽ không còn phụ cấp thâm niên. Phụ cấp thâm niên hiện thể hiện sự khác biệt giữa người mới vào ngành và người công tác trong ngành lâu năm. Theo tinh thần mới, phụ cấp sẽ không theo hướng càng lâu năm càng cao. Thu nhập giáo viên được hưởng sẽ đúng theo tính chất phức tạp và đặc thù nghề nghiệp.
Bậc tiểu học, trình độ đào tạo của giáo viên được nâng lên từ trung cấp lên đại học, nên đây cũng là bậc học có thay đổi mạnh nhất. Bảng lương thiết kế theo tinh thần cập nhật ngay với chuẩn mới. Như cách tính hiện nay, mức lương ban đầu với hệ trung cấp là 1,86; hệ đại học là 2,34 – riêng điều đó cũng cho thấy mức tăng của lương giáo viên tiểu học.
Còn với việc dạy học 2 buổi trên ngày, cần hiểu là khối lượng công việc liên quan đến số lượng giờ làm việc. Nếu trước đây dạy học 1 buổi /ngày, số lượng người làm việc trên lớp ít; nay khối lượng việc nhiều hơn thì số lượng người làm trên định mức đó đông hơn.
Về vấn đề này, ngành Giáo dục đã đặt hàng Trường ĐH Kinh tế quốc dân xây dựng lại toàn bộ định mức làm việc của giáo viên theo chương trình giáo dục phổ thông mới; xem với chương trình ấy, trong 1 buổi, 1 ngày, 1 tuần, giáo viên phải làm việc bao nhiêu thời gian; quy đổi theo 40 giờ làm việc theo quy định của Nhà nước thì sẽ ra được có bao nhiêu tiết phải đứng lớp, bao nhiêu tiết chuẩn bị; từ đó ra được số giáo viên trên lớp. Đây là bài toán lao động cần giải căn cơ nghiêm túc, không thể theo kiểu "bốc thuốc".
PV: Xin cám ơn ông!