Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Luật sư phân tích trách nhiệm trong vụ cháy tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông

Thứ Năm, 03/11/2016 16:57 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Vụ cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Luật sư Nguyễn Minh Anh - Công ty luật Trí Minh (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) đã phân tích trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan chức năng trong sự việc trên.

Cháy quán karaoke tại số 68 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: CL

Như đã đưa tin, khoảng 13h30 ngày 1/11, một vụ cháy lớn xảy ra tại quán karaoke số 68 đường Trần Thái Tông. Lửa lan rộng sang 3 ngôi nhà cao tầng bên cạnh và bùng phát rất mạnh. Vụ cháy làm 13 người chết và thiêu rụi toàn bộ tài sản trong quán karaoke; một số ô tô, xe máy  của khách cũng bị thiêu rụi; 3 ngôi nhà bên cạnh bị hư hại.

Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân vụ cháy có thể do công nhân hàn xì biển quảng cáo tại tầng hai của quán karaoke thiếu cẩn trọng dẫn đến tàn hàn xì rơi vào các vật dễ cháy và gây hỏa hoạn.

Ngày 2/11 Cơ quan Cảnh sát Điều tra- Công an TP. Hà Nội đã  khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” xảy ra tại quán karaoke nói trên.

Thông tin về hoạt động của quán karaoke bị cháy, ông Dương Cao Thanh – Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, hồ sơ hoạt động của quán này mới chỉ có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh do phòng Kinh tế quận này cấp ngày 20/6/2016 mang tên Nguyễn Diệu Linh (SN 1986, ở Văn Quán, Hà Đông – Hà Nội) và có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy do Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Hà Nội cấp 13/10/2016.

Quán vẫn còn thiếu những giấy tờ như: Biên bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự theo qui định; Giấy phép kinh doanh karaoke.

Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cũng cho biết, để phòng ngừa, UBND quận Cầu Giấy đã chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành của quận, UBND phường và Công an phường kiểm tra, nhắc nhở cơ sở.

Cụ thể, vào hồi 20h ngày 9/10/2016, Tổ công tác của Công an phường đã cùng cán bộ Đội quản lý hành chính Công an quận tiến hành kiểm tra tại cơ sở. Thời điểm kiểm tra, cơ sở không hoạt động; Tổ công tác đã yêu cầu cơ sở không kinh doanh dịch vụ karaoke khi chưa có đủ giấy phép theo qui định của pháp luật.

21h20 ngày 12/10/2016, Đoàn kiểm tra liên ngành của quận và phường Dịch Vọng Hậu đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản yêu cầu cơ sở dừng các hoạt động, chỉ hoạt động kinh doanh khi có đầy đủ các giấy phép theo qui định.

Tiếp đến, 10h20 ngày 17/10/2016, đại diện Đoàn kiểm tra liên ngành của quận Cầu Giấy làm việc với bà Nguyễn Diệu Linh, chủ quán karaoke. Tại buổi làm việc, chủ cơ sở chỉ xuất trình được Giấy đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy. Chủ cơ sở đã có bản cam kết chỉ hoạt động khi có đủ các giấy tờ theo qui định, nếu sai chủ cơ sở hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Ngày 25/10/2016, Tổ công tác của phường tiếp tục đến kiểm tra tại cơ sở, nhưng không hoạt động. Tổ công tác tiếp tục yêu cầu cơ sở không được kinh doanh dịch vụ karaoke khi chưa có đủ giấy phép theo qui định.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Minh Anh - Công ty luật Trí  Minh (Đoàn Luật sư Hà Nội) đã  phân tích trách nhiệm của các cá nhân và cơ quan chức năng trong vụ việc cháy quán karaoke nói trên.

Ai chịu trách nhiệm pháp luật?

Luật sư cho rằng, việc khởi tố vụ án theo tội danh “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” cần phải xác định chính xác nguyên nhân gây ra đám cháy. Khởi tố với tội danh này là có căn cứ pháp luật. Bởi hành vi gây ra được thực hiện bởi công nhân hàn xì (theo thông tin báo chí), là chủ thể đủ tuổi và có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật về chủ thể của tội phạm. Hành vi này đã xâm phạm nghiêm trọng đến những quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009). 

Luật sư Nguyễn Minh Anh - Công ty luật Trí Minh (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội). Ảnh: AL

Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Minh Anh khẳng định, người chịu trách nhiệm trước pháp luật về vụ cháy trước hết là người đại diện theo pháp luật theo Giấy chứng nhận đăng ký  kinh doanh. Bởi quy định của pháp luật chỉ khi đủ các loại giấy phép chủ cơ sở mới được kinh doanh.

Dựa trên thông tin từ Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cung cấp, vào ngày xảy ra vụ cháy (1/11/2016) cơ sở đang hoạt động khi chưa có đầy đủ giấy phép. Đây là hành vi vi phạm pháp luật của người đứng đầu hộ kinh doanh khi không thực hiện đầy đủ trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy (theo Nghị định 35/2009/NĐ-CP về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy  và chữa cháy). Vì vậy, người đứng đầu hộ kinh doanh là Nguyễn Diệu Linh sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ngoài ra, nếu thông tin nguyên nhân gây cháy là do công nhân hàn xì được cơ quan điều tra kết luận là chính xác thì công nhân hàn xì trực tiếp làm rơi tàn hàn xì gây ra vụ cháy cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ai sẽ bồi thường thiệt hại tài sản?

Từ phân tích ở trên, Luật sư Nguyễn Minh Anh cho biết, xác định bồi thường với những thiệt hại của những căn nhà bên cạnh và tài sản của khách hàng (ôtô, xe máy bị cháy) phải căn cứ vào yếu tố trách nhiệm hình sự cũng như yếu tố lỗi của chủ thể thực hiện hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng của công trình (đang thi công hoàn thiện hay đã hoàn thiện rồi).

Việc bồi thường này là loại bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Việc xác định thuộc dạng bồi thường nào phải dựa vào kết quả giám định và kết luận của cơ quan điều tra.

“Nếu cơ quan điều tra kết luận nguyên nhân vụ cháy do công nhân hàn xì thì công nhân hàn xì gây ra vụ cháy sẽ phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp làm việc độc lập thông qua hợp đồng với cơ sở karaoke.  Nếu kết luận nguyên nhân vụ cháy do cơ sở karaoke thì người đứng đầu cơ sở sẽ chịu trách nhiệm bồi thường. Quan điểm của tôi ở đây là lỗi hỗn hợp của cả công nhân hàn xì và cơ sở karaoke”, Luật sư Nguyễn Minh Anh nói.

Có hay không trách nhiệm của cơ quan chức năng?

Luật sư Nguyễn Minh Anh cho rằng, việc xem xét trách nhiệm của các cơ quan chức năng cần căn cứ vào chỉ đạo của chính quyền và các cuộc thanh tra, kiểm tra, để từ đó xác định trách nhiệm cũng như mức độ trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân , tập thể.

Việc cơ quan chức năng đã không quyết liệt, chưa dám sát chặt chẽ và chính quyền cơ sở có dấu hiệu buông lỏng quản lý dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ngoài ra, lực lượng phòng cháy chữa cháy cũng cần phải xem lại phương thức chống cháy và cứu hộ. “13 người nếu đã xác định vị trí rồi thì tại sao không phá tường tại vị trí phòng bị cháy mà gần như bất lực như vậy? Đây là bài học rất đau xót", luật sư Nguyễn Minh Anh nói.

Theo Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009):

Điều 240. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy

1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến tám năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.

4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Bài, ảnh: An Luých

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN