Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Luật Công bằng tài chính - Nỗi kinh hoàng của Premier League?

Thứ Tư, 22/11/2023 22:38 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Mới đây, Liên đoàn bóng đá Anh (FA) đã ra một quyết định được xem là vô tiền khoáng hậu trong lịch sử đối với Everton, đội bóng bị coi là đã vi phạm nghiêm trọng Luật Công bằng tài chính (FFP). Đội bóng vùng Merseyside đã phải lập tức nhận án phạt trừ 10 điểm, nhưng những hệ lụy của nó có vẻ sẽ không chỉ dừng lại ở đó.

 Man City cũng bị cáo buộc vi phạm Luật Công bằng tài chính sau 3 chức vô địch liên tiếp

(ảnh: MCFC)

Đội bóng nhỏ thành phố Cảng Liverpool có thể yếu thế về tài chính hay thực lực, nhưng niềm kiêu hãnh về lịch sử và truyền thống thì không. Bị trừ tới 10 điểm vào ngày 17/11, Câu lạc bộ (CLB) đang được dẫn dắt bởi Sean Dyche đã rớt một mạch xuống vị trí thứ 19 và chỉ còn hơn mỗi Burnley ở chỉ số phụ. Dĩ nhiên, thượng tầng của Everton cũng như các cổ động viên của The Toffees không đời nào chấp nhận án phạt quá hà khắc như vậy. Ngay lập tức, đơn kháng cáo đã được gửi và kèm theo là hàng loạt bằng chứng chứng minh họ không hề xứng đáng bị trừng phạt bởi cái “lưỡi hái tử thần” mang tên FFP.

Theo cáo buộc của FA, đội chủ sân Goodison Park đã vi phạm các quy tắc tài chính tại mùa giải 2021 - 2022. Ngoài ra, trong khoảng 3 năm trở lại đây, Everton cũng đã báo cáo khoản lỗ lên tới 463 triệu USD, con số đã vượt qua mức trần 311 triệu USD theo hướng dẫn luật của Giải Ngoại hạng Anh. Theo các con số thống kê được công bố, chủ yếu đội bóng này bị cáo buộc liên quan đến xử lý kế toán, cụ thể là việc vi phạm các quy tắc về lợi nhuận và tính bền vững, gọi tắt là PSR.

Về phần mình, Everton tuyên bố không có bất cứ tình tiết nào thiếu minh bạch trong việc cung cấp thông tin cho giải đấu cao nhất nước Anh, đặc biệt là vấn đề tài chính. Bằng chứng được CLB này đưa ra là một bản thỏa thuận với FA được ký kết vào năm 2021. Theo đó, đội bóng đang thuộc sở hữu bởi nhà tài phiệt gốc Iran, Farhad Moshiri đã nhận được sự đồng thuận về các nguyên tắc tài chính nghiêm ngặt khác nhau, trong đó có những điều cơ bản liên quan tới quỹ lương, hiểu nôm na là việc cân bằng tài chính dựa trên cán cân mua - bán cầu thủ. Chính vì vậy, trong 4 kỳ chuyển nhượng liên tiếp, Everton đã có mức chi tiêu ròng rất thấp (vào khoảng âm 35 triệu USD), một minh chứng rõ nét cho việc họ không hề cố ý, hay vô ý vi phạm FFP.

Có thể Everton sẽ phải chấp nhận hình phạt, nhưng thật trớ trêu, sự việc của họ đã kéo theo hàng loạt rắc rối khác. Một trong những nguy cơ lớn nhất, thật kinh khủng, sẽ là sự đổ vỡ và hỗn loạn khi FA bị đặt vào sức ép phải thiết lập sự công bằng và công tâm cho cả giải đấu. Ở đây, chúng ta đang nói đến những CLB hàng đầu của xứ sương mù, những đại diện cũng đang gây tranh cãi không ngớt vì liên quan tới… FFP.

Trên Twitter, luật sư Stefan Borson, cựu cố vấn tài chính của Manchester City tuyên bố, nếu Everton không thể kháng án thành công, một hình phạt tương tự, thậm chí nặng hơn sẽ treo lơ lửng trên đầu những đại gia của Premier League. Ở đây, hai cái tên cụ thể được nhắc tới nhiều nhất là Chelsea và chính Man City, nhà vô địch của giải đấu.

Vào tháng Hai năm nay, chính FA đã đưa ra cáo buộc về ít nhất 115 lần Man Xanh vi phạm FFP trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến 2018. Trong khi đó, Chelsea cũng đã bị đưa vào sự giám sát đặc biệt của ban tổ chức Giải Ngoại hạng sau khi chủ sở hữu mới của đội bóng thừa nhận có những “báo cáo tài chính có thể không đầy đủ”. Các chứng cớ chống lại The Blues hầu hết đều đến trong giai đoạn tỷ phú người Nga, Roman Abramovich nắm quyền sở hữu CLB. Trong gần 2 thập kỷ, bên cạnh hàng loạt các danh hiệu cao quý, đội chủ sân Stamford Bridge còn bị cho là đã sử dụng hàng loạt các công ty nước ngoài để thanh toán và cân đối tài chính, tất nhiên, dưới sự điều hành của đế chế Roman.

Cả Man City và Chelsea đều khẳng định họ bị bất ngờ về những cáo buộc “vô căn cứ” từ FA. Nhưng nếu vậy, số phận của Everton sẽ là chìa khóa mở nút thắt, hay họ chỉ là vật tế thần cho lợi ích khổng lồ của guồng quay quyền lực mang tên Premier League? Trong trường hợp xấu nhất, 2 đại diện hùng mạnh của Manchester và London có thể sẽ buộc phải xuống hạng. Ai cũng hiểu, đó sẽ là thảm họa với giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh. Những hệ lụy là khó thể tưởng tượng! Đó là những phiên tòa (dù ở Anh hay châu Âu) sẽ rất khó để ra phán quyết, sự mất mát khủng khiếp về bản quyền truyền thông và bản quyền giải đấu, sự sụp đổ về hình ảnh mà FA đã cần hàng tỷ bảng để xây dựng. Hay cả điều quan trọng nhất: Niềm tin của người hâm mộ trước một thử thách nghiệt ngã. Đó là khi họ có thể phải chứng kiến những liên minh ma quỷ, những cuộc giẫm đạp lẫn nhau, tố cáo lẫn nhau để tìm đường sống trong cái mớ bòng bong mang tên FFP./.

HC

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN