Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lớp quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIV thăm, khảo sát cơ sở NIC Hòa Lạc

Thứ Sáu, 25/10/2024 21:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chiều 25/10, 49 học viên lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIV (lớp thứ 3) đã có chuyến thăm, đi khảo sát thực tế Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã tiếp đón đoàn và giới thiệu về NIC cơ sở Hòa Lạc. (Ảnh: MPI) 

Trực tiếp đón đoàn và chia sẻ với các học viên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ sở NIC Hòa Lạc được khánh thành và đưa vào hoạt động từ năm 2023. Với vai trò là cơ quan tham mưu về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Bộ KH&ĐT đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để Việt Nam đón lấy cơ hội và vượt qua thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nắm bắt sớm tinh thần chỉ có khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới, Bộ KH&ĐT đã nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 đến năm 2030; đề xuất thành lập một trung tâm là đầu mối quốc gia về thúc đẩy đổi mới sáng tạo cùng với các cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội; hình thành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam với hàng nghìn chuyên gia, trí thức về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chụp ảnh lưu niệm với các cán bộ quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIV. (Ảnh: MPI)

Tất cả các đề xuất trên của Bộ đã được Chính phủ ủng hộ, nhất trí, thông qua, được các bộ, ngành địa phương ủng hộ, phối hợp tích cực. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập năm 2019, thực hiện chức năng hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ.

Theo đó, NIC là nơi kết nối, hội tụ các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gồm: doanh nghiệp, viện - trường, nhà khởi nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức hỗ trợ và các cơ quan, tổ chức trong nước cũng như quốc tế.

"Với sứ mệnh trở thành nơi thu hút các nguồn lực cho đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, NIC đóng vai trò thúc đẩy sự hình thành và phát triển một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đầy đủ, toàn diện, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất, đồng thời chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ trọng tâm. Đây là các nhiệm vụ hết sức cần thiết để từng bước thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên mới…", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Đồng thời cho biết, NIC đã từng bước khẳng định vai trò là hạt nhân, dẫn dắt hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Trung tâm đã đạt nhiều kết quả tích cực như: Tham mưu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo (Nghị định 94, Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050"); đóng vai trò tiên phong, thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo, kết nối mạng lưới đối tác lớn với đầy đủ các chủ thể hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; hoàn thiện các cơ sở hạ tầng với không gian hiện đại, sẵn sàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong nước và quốc tế.

NIC là mô hình đơn vị sự nghiệp của Chính phủ duy nhất trên thế giới thực hiện chức năng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tập trung vào 9 lĩnh vực trọng tâm, đóng vai trò cốt lõi cho sự phát triển của thế giới là: Sản xuất thông minh, đô thị thông minh, nội dung số, an ninh mạng, công nghệ môi trường, công nghệ y tế, công nghiệp bán dẫn, hydrogen xanh, trí tuệ nhân tạo…

Bằng cách cung cấp hạ tầng, không gian thử nghiệm và môi trường hợp tác thuận lợi, NIC đã góp phần giúp các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp có cơ hội kết nối, thử nghiệm, và phát triển những ý tưởng mới.

Giám đốc NIC Vũ Quốc Huy giới thiệu hoạt động của NIC cho các thành viên đoàn công tác. (Ảnh:MPI) 

NIC cũng huy động các nguồn lực từ các đối tác quốc tế và trong nước để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cũng như hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực Việt Nam. Điều này không chỉ giúp phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, tiên tiến, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế quốc gia.

* Trong khuôn khổ của chuyến thăm và làm việc, đoàn đã ghé thăm Trung tâm đào tạo vi mạch bán dẫn và AI và một số trung tâm khác tại NIC Hoà Lạc. Tại đây đại diện Công ty Sunedu SunEdu (là công ty do các chuyên gia người Việt tại Thung lũng Silicon Hoa kỳ và các doanh nhân trong nước đồng sáng lập) đã thay mặt Trung tâm báo cáo với đoàn về mô hình , mục tiêu, định hướng và kết quả hoạt động sau một năm thành lập.

Theo đó, mô hình hoạt động của Trung tâm là: Nhà nước - nhà trường và doanh nghiệp. Trung tâm có nhiệm vụ: Đào tạo nhân lực chất lượng cao (Ngành điện tử và bán dẫn và AI; hỗ trợ ươm tạo cho các doanh nghiệp khởi nghiệp); thời gian đào tạo: Các khóa học kéo dài từ 2 - 6 tháng; Loại hình đào tạo: Cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế, đào tạo bồi dưỡng kỹ năng "Upskill” và đào tạo lại kỹ năng(Reskill) cho các sinh viên năm cuối hay các học viên là các kỹ sư các nghành bán dẫn hoặc ngành gần với bán dẫn Giáo trình của Trung tâm được các chuyên gia từ Silicon Valley biên soạn theo nhu cầu của doanh nghiệp sau đó có hội đồng khoa học gồm các giáo sư đầu ngành hoàn thiện. Giáo sư Đặng Lương Mô là chủ tịch hội đồng Khoa học và đào tạo, một trong những Giáo sư đầu ngành của ngành bán dẫn quốc tế. Học viên sau khi tốt nghiệp tại Trung tâm được các doanh nghiệp bán dẫn đón nhận và đánh giá rất cao, có thể bắt tay vào việc ngay.

Sau 1 năm hoạt động, Trung tâm đã đạt kết quả rất khả quan. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn đến năm 2030, Trung tâm sẽ triển khai đồng loạt việc đào tạo tại các cơ sở đào tạo dưới nhiều hình thức với nhiều trường đại học lớn trên cả nước để góp phần đạt được mục tiêu do chính phủ đề ra theo chiến lược phát triển nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn Việt Nam./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN