Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Long An: Hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Thứ Ba, 11/10/2022 09:31 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nhằm khắc phục những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thời gian qua, Long An đã triển khai nhiều chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn.

 Long An đã chi hỗ trợ cho 700.000 người lao động theo Nghị quyết 68 của Chính phủ
(Ảnh: Báo Long An).

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Long An Nguyễn Đại Tánh: Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến việc làm của khoảng 70% người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

Bởi vậy trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện các chế độ chính sách, các gói an sinh xã hội nhằm đảm bảo đời sống cho người lao động cũng như người dân trong bối cảnh dịch bệnh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, ngành trong tỉnh, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Thực hiện Nghị quyết 03 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp Long An đã giảm mức đóng cho người sử dụng lao động từ ngày 1/1/2021 đến 30/9/2022 số tiền 199 tỷ đồng; chi hỗ trợ cho 322.000 người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và lao động đã ngừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, với số tiền trên 751 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ, nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 gồm các đối tượng như người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hộ kinh doanh; người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động…, Long An đã hỗ trợ cho 138.620 người, với tổng kinh phí trên 167 tỷ đồng. Đối với người lao động không có hợp đồng lao động bị mất việc, Long An đã hỗ trợ trên 5.000 người, với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, Long An cũng đã chi hỗ trợ cho 700.000 người thuộc 13/13 nhóm đối tượng với tổng kinh phí trên 1.177 tỷ đồng. Ngoài việc chi hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh còn chủ động hỗ trợ đặc thù riêng từ nguồn kinh phí của địa phương cho 99.082 người lao động không có hợp đồng lao động bị mất việc, với số tiền 193 tỷ đồng. Trong đó, có trên 14.000 người bán vé số dạo được hỗ trợ với tổng số tiền trên 28 tỷ đồng…

Huyện Cần Đước, tỉnh Long An là một trong những địa phương được đánh giá là triển khai nhanh và hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo Trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Cần Đước, thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, huyện Cần Đước đã triển khai hỗ trợ cho 17.207 người, tổng kinh phí trên 21,4 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách của địa phương. Huyện đã phê duyệt, hỗ trợ người có công với cách mạnh, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 là 13.321 người, với kinh phí trên 17,6 tỷ đồng. Hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm là 3.034 lao động, kinh phí là trên 3 tỷ đồng…

Cũng theo ông Lê Hoàng Vũ, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, UBND huyện đã thực hiện theo đúng các kế hoạch, quyết định của Trung ương, của tỉnh và của huyện.

 Long An là một trong những tỉnh đã và đang hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động (Ảnh: Hoàng Mẫn)

Thành phố Tân An là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật của tỉnh Long An gồm có 9 phường và 5 xã. Nhìn chung, thành phố có khá nhiều doanh nghiệp, công ty đóng trên địa bàn, cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn nên người lao động có việc làm cơ bản, các doanh nghiệp hoạt động theo quy định nhà nước.

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, hướng dẫn của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, sự hỗ trợ tích cực có hiệu quả của các ban, ngành cùng với đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đến nay, tổng số doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ 176 doanh nghiệp; số lượt lao động đề nghị 9.783 lượt lao động, kinh phí đề nghị: 5 tỷ 098 triệu đồng. Trong đó: Thực hiện hỗ trợ 132 doanh nghiệp; số lượt lao động đề nghị hỗ trợ: 9.370 lao động, kinh phí hỗ trợ: 4.685.000.000 đồng. Người lao động quay trở lại thị trường lao động, TP đã thực hiện hỗ trợ 44 doanh nghiệp; số lượt lao động đề nghị hỗ trợ: 413 lao động, kinh phí hỗ trợ: 413.000.000 đồng.

 Đến nay, UBND thành phố đã đề nghị và được phê duyệt 12 đợt, đã chi trả, quyết toán kinh phí cho người lao động vào ngày 30/8/2022 với số tiền  4 tỷ 296 triệu đồng/5 tỷ 098 triệu đồng, đạt tỷ lệ 85 %, số tiền còn lại đang thực hiện chi trả…

Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Long An Nguyễn Đại Tánh nhấn mạnh: Có thể nói việc thực hiện hướng dẫn cũng như nhận hồ sơ của các đối tượng được hỗ trợ đã triển khai bài bản từ tỉnh đến địa phương. Bởi vậy, việc hỗ trợ cho các đối tượng rất kịp thời, công khai, minh bạch, không để làm dụng chính sách.

Thời gian tới, với trách nhiệm của ngành, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn và những đối tượng ngành quản lý. Đặc biệt chú trọng, quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, giúp họ ổn định cuộc sống sau đại dịch; tham mưu triển khai thực hiện Chỉ thị 06-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ trong vấn đề hỗ trợ nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân lao động và Nghị quyết số 11-NQ/TTg của Chính phủ về vấn đề phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, trong đó triển khai vấn đề vay vốn, tạo tạo việc làm mới, nâng cao việc tìm kiếm việc làm cho người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo lại nguồn lao động, vay vốn để trả lương cho người lao động…

Cùng với đó, triển khai Chương trình phát triển thị trường lao động của tỉnh đến năm 2030, Sở phối hợp với các sở, ngành liên quan để xây dựng cơ sở dữ liệu cung cầu lao động. Hiện Sở đã cập nhật dữ liệu hàng tuần để đưa lên cổng thông tin điện tử của tỉnh, cũng như các ứng dụng điện tử số của tỉnh, thu hút sự quan tâm của đông đảo người lao động, giúp người lao động nắm bắt được thị trường lao động; đồng thời doanh nghiệp cũng có thể đưa thông tin tuyển dụng để đảm bảo nguồn lao động…/.

Hoàng Mẫn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN