Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lời nhắc nhở về tình yêu đất nước

Thứ Sáu, 23/08/2024 09:29 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

​(ĐCSVN) - Phong trào “biến mỗi nóc nhà thành một lá cờ Tổ quốc” đang xuất hiện ở nhiều nơi và nhận được nhiều ý kiến đa chiều trong dư luận. Việc sử dụng Quốc kỳ đã được quy định rõ, vì vậy dù có mục đích tốt đẹp, chúng ta cũng cần phải thể hiện đảm bảo đúng quy định, thể hiện được sự tôn trọng, tôn vinh biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc.

Một phần hình ảnh lá cờ Tổ quốc do nữ Họa sỹ Trần Thu Thủy sáng tạo trên mái nhà của tòa nhà lớn nhất trên đảo Trường Sa lớn.

Quốc kỳ là biểu tượng mang đậm dấu ấn lịch sử, chính trị, văn hóa của dân tộc. Quốc kỳ Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, diễn ra vào đêm 22 rạng sáng ngày 23/11/1940, ở hầu hết các tỉnh Nam Bộ, trở thành ngọn cờ Độc lập. Và cho đến bây giờ, với mỗi người dân Việt Nam, màu cờ, màu của Tổ quốc thiêng liêng luôn in đậm trong trái tim các thế hệ. Quốc kỳ Việt Nam chứa đựng hồn thiêng sông núi, là biểu tượng của sự đoàn kết, của ý chí Việt Nam… Trong Hiến pháp năm 2013 và Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL ngày 02/10/2012 của Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đã hướng dẫn và quy định rất rõ việc sử dụng Quốc kỳ - biểu tượng thiêng liêng của dân tộc. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều nơi trong cả nước xuất hiện việc vẽ và sơn cờ Tổ quốc trên tường, mái nhà với nhiều kích cỡ, chất liệu khác nhau nhằm thể hiện tình yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, đặc biệt khi ngày Quốc khánh 2/9 đang cận kề, phong trào này lại càng rầm rộ.

Sự việc bắt đầu từ một thanh niên, sau khi sửa nhà cho mẹ, đã vẽ ngôi sao vàng năm cánh lên mái nhà lợp tôn đỏ. Hình ảnh quốc kỳ thể hiện qua đó được thanh niên đưa lên mạng xã hội, thu hút dư luận, kích thích nhiều bạn trẻ tự phát làm theo. Không chỉ vẽ cờ Tổ quốc trên mái nhà, nhiều người còn còn vẽ cờ lên tường nhà, cửa cuốn, cổng… tạo nên một phong trào rộng khắp trên nhiều tỉnh thành trong cả nước. Hiện có hàng trăm video, hình ảnh về cờ Tổ quốc làm theo “trend” liên tục được đăng tải lên mạng xã hội với hình thức sáng tạo khác nhau thu hút hàng trăm ngàn lượt truy cập cho thấy sức hút cũng như sự lan tỏa của trào lưu này.

Không chỉ người dân mà một số trường học cũng tham gia lan tỏa trào lưu này. Trường Cao đẳng Công nghệ - Ngoại thương (Đà Nẵng) tiên phong nhập cuộc. Theo đó, Đoàn Thanh niên nhà trường đã khoác áo mới cho mặt tiền của ngôi trường bằng hình ảnh ngôi sao vàng 5 cánh. Đây là hoạt động thuộc dự án Tôi yêu Tổ quốc tôi do Đoàn Thanh niên Trường Cao đẳng Công nghệ - Ngoại thương thực hiện, nhằm thể hiện tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh 2/9. Dự án được hoàn thành chỉ sau 6 giờ, với sự hợp lực của hàng chục đoàn viên thanh niên. Sau khi dự án hoàn thiện đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dân trong khu vực, sinh viên, du khách người nước ngoài.

Một số hình ảnh người dân vẽ cờ Tổ quốc không đúng theo quy định trên nóc nhà với chất liệu không bảo đảm có thể hư hỏng theo thời gian hoặc do thời tiết ...

Cách đây 13 năm (2011), nữ Họa sỹ Trần Thu Thủy, sau khi hoàn thành công trình "Con đường gốm sứ" ven sông Hồng (Hà Nội) đã có ý tưởng: Dùng hàng trăm nghìn mảnh gốm mosaic 2 màu đỏ và vàng (loại vật liệu có độ bền cơ học và màu sắc rất cao, rất khó phai màu, rất khó rạn nứt) dán bằng vữa và chất liệu kết dính lên mái nhà của tòa nhà lớn nhất trên đảo Trường Sa lớn hình lá cờ Tổ quốc. Sau nhiều tháng thi công, tháng 6/2012 lá cờ đỏ sao vàng rộng 310m2, cỡ 15mx20,8m theo đúng tỷ lệ quy định được ghép bằng 310.000 mảnh gốm mosaic đã hoàn tất. Đi máy bay, đi tàu thủy, qua ảnh vệ tinh trên các ứng dụng của Google, Apple… đều có thể nhìn thấy lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh, tự hào giữa trùng khơi bao la…; không chỉ thể hiện tình yêu Tổ quốc mà còn góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển đảo thiêng liêng.

Mỗi lá cờ Tổ quốc được vẽ ra sẽ là một lời nhắc nhở về tình yêu quê hương đất nước, gửi gắm thông điệp, niềm tin vào tương lai... Sự sáng tạo rất đáng quý, khi sáng tạo cần lựa chọn những vị trí, chất liệu phù hợp để Quốc kỳ không bị sai lệch, phai màu theo thời gian.

Đối với Quốc kỳ - biểu tượng thiêng liêng của dân tộc đã được quy định rất rõ trong Hiến pháp năm 2013 và Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL ngày 02/10/2012 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; vì vậy dù có sáng tạo, thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào, người dân cũng cần hiểu và tuân thủ theo quy định và hướng dẫn để bảo đảm sự thiêng liêng và tôn vinh Quốc kỳ.

Người dân Thủ đô treo cờ  trên các tuyến phố hướng tới kỷ niệm Quốc khánh 2/9. 

Bàn về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương cho biết: Gần đây, ở nhiều thôn xóm, phố thị, nhiều người dân theo nhau, đua nhau sơn lên mái nhà mình hình lá cờ Tổ quốc đỏ rừng rực, trải rộng, điều đáng lo ngại là không đúng cách (kích cỡ, hình khối, tỉ lệ bề ngang, bề dọc, chất liệu sơn, không tính đến yếu tố thời tiết, khi sơn bong tróc, có người khi chụp ảnh còn dẫm chân lên cờ...). Tình yêu nước, ý thức chính trị, ý thức công dân... nếu thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật càng phải độc đáo, sinh động, không nên làm một cách ồ ạt, sao chép và đôi khi khá tầm thường, làm mất đi tính thiêng, tính biểu tượng, tính chính thể của Quốc kỳ.

Đồng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng: Xu hướng vẽ và sơn cờ trên mái nhà hoặc cửa ra vào mang lại tác động tích cực. Đây là cách thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và tự hào dân tộc, đặc biệt trong các dịp lễ lớn hoặc sự kiện quan trọng. Hành động này cũng góp phần lan tỏa hình ảnh quốc gia ra cộng đồng quốc tế, tạo nên một cảm giác gắn kết trong xã hội. Tuy nhiên cần cẩn trọng khi sử dụng biểu tượng Quốc kỳ. Việc sơn, vẽ cờ Tổ quốc cần được thực hiện một cách kỹ càng để không biến trào lưu thành một nguy cơ gây ra hiệu ứng tiêu cực.

Những bức tranh vẽ cờ Tổ quốc trên mái nhà, tường nhà, cổng của người dân hoàn toàn có thể bị hư hại theo thời gian, do ảnh hưởng của thời tiết hoặc do không thường xuyên tu sửa đúng cách. Biểu tượng Quốc kỳ cũng có quy chuẩn nhất định, nếu không tuân thủ đúng chuẩn mực, hành động vẽ, sơn cờ này có thể bị coi là thiếu tôn trọng Quốc kỳ. Việc sử dụng sơn không thân thiện với môi trường có thể gây hại đến môi trường sống và sức khỏe con người. Để phát huy mặt tích cực, cần có sự quản lý và ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ biểu tượng Quốc gia.

Quốc kỳ không chỉ đơn thuần là việc thể hiện màu sắc và hình ảnh, mà là kết tinh của lịch sử, của sự hi sinh, của tinh thần đoàn kết bao đời được cha ông vun đắp, xây dựng nên; vì vậy, bảo vệ và lan tỏa biểu tượng Quốc gia, giá trị của Quốc kỳ là điều cần thiết và là trách nhiệm của mỗi người dân.

Quốc kỳ Việt Nam được quy định sử dụng như thế nào?

Khoản 1 Điều 13 Hiến pháp năm 2013 quy định: Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.

Khoản 1 Điều 1 Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL Hướng dẫn quy định về hình Quốc kỳ:

Hình Quốc kỳ: “…Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh…”

- Điểm giữa ngôi sao vàng đặt đúng điểm giữa (điểm giao nhau của hai đường chéo) Quốc kỳ.

- Khoảng cách từ điểm giữa ngôi sao đến đầu cánh sao bằng một phần năm chiều dài của Quốc kỳ.

- Một cánh sao có trục vuông góc với cạnh dài Quốc kỳ và hướng thẳng lên phía trên theo đầu cột treo Quốc kỳ.

- Tạo hình ngôi sao: từ đầu cánh sao này đến đầu cánh sao đối diện là đường thẳng, không phình ở giữa, cánh sao không bầu.

- Hai mặt của Quốc kỳ đều có ngôi sao vàng trùng khít nhau.

- Nền Quốc kỳ màu đỏ tươi, ngôi sao màu vàng tươi

Khoản 2 Điều 1 của Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL quy định cách treo và thời gian treo Quốc kỳ:

- Khi treo Quốc kỳ chú ý đừng để ngược ngôi sao.

- Treo ảnh, chân dung lãnh tụ cùng với Quốc kỳ thì ảnh phải thấp hơn Quốc kỳ hoặc để ảnh trên nền Quốc kỳ dưới ngôi sao

Về thời gian treo Quốc kỳ:

- Quốc kỳ được treo trong các phòng họp, hội trường của các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước và các đoàn thể khi họp những buổi họp long trọng.

- Quốc kỳ được treo ngoài trời vào dịp các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị, Tết cổ truyền của dân tộc và theo thông báo của Trung ương và chính quyền địa phương.

- Quốc kỳ được treo hoặc mang đi ở những nơi tổ chức mít-tinh, diễu hành, động viên quần chúng, phát động thi đua sản xuất, thực hiện các phong trào cách mạng.

- Các cơ quan Nhà nước, các nhà trường (kể cả học viện), các đơn vị vũ trang, các cửa khẩu biên giới, các cảng quốc tế phải có cột cờ và treo Quốc kỳ trước công sở, hoặc nơi trang trọng trước cửa cơ quan, Quốc kỳ phải đúng tiêu chuẩn về kích thước, màu sắc đã được Hiến pháp quy định.

- Trụ sở Phủ Chủ tịch, trụ sở Quốc hội, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trụ sở Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, Cột cờ Hà Nội, trụ sở Ủy ban nhân dân các cấp (trừ Ủy ban nhân dân phường ở thành phố, thị xã), các cửa khẩu và cảng quốc tế treo Quốc kỳ 24/24 giờ hằng ngày.

- Trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, các đơn vị vũ trang, nhà trường treo Quốc kỳ từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày.

- Tất cả các cơ quan và đơn vị nói trên, đặc biệt là các cơ quan đối ngoại, khi có khách nước ngoài từ cấp Bộ trưởng trở lên đến thăm chính thức phải treo cờ quốc gia của khách cùng với Quốc kỳ…

K.T

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN