Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lộc Ninh - vùng đất cách mạng vươn mình phát triển

Thứ Tư, 06/04/2022 15:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - 50 năm sau ngày giải phóng (7/4/1972 - 7/4/2022), từ vùng đất bị khói lửa chiến tranh tàn phá nặng nề, phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng kiên cường, Lộc Ninh hôm nay đã có nhiều đổi thay.


 Nhân dân chào đón quân giải phóng tiến vào Lộc Ninh, ngày 7/4/1972. (Ảnh tư liệu: TTXVN).

Những ngày này, ai có dịp về thăm vùng đất Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước mới cảm nhận rõ được sự sôi động của mảnh đất có bề dày lịch sử, mảnh đất “Thủ đô kháng chiến”, thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, hậu phương trực tiếp của chiến trường B2. Đặc biệt, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Lộc Ninh những năm cuối của cuộc kháng chiến như được thăng hoa và trở thành vùng đất “Địa linh nhân kiệt”.

Sau 50 năm giải phóng (1972-2022), Lộc Ninh bước vào xây dựng cuộc sống mới, xã hội mới, vượt qua những khó khăn, thử thách, phát huy thế mạnh phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số; khai thác lợi thế, tiềm năng của đất đai để phát triển điện mặt trời, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư… đưa Lộc Ninh phát triển bền vững.

 Huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng

Thời điểm giữa năm 1971, những thất bại nặng nề liên tiếp trên chiến trường Đông Dương làm cho thế và lực của Mỹ-Ngụy bắt đầu đi xuống. Từ tháng 10/1970 quân Mỹ rút dần khỏi chiến trường miền Nam. Quân ngụy tuy có lực lượng hơn một triệu tên, nhưng không đủ khả năng “tìm diệt”.

Diễn biến chiến trường đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình của ta và địch ở Lộc Ninh. Sau thất bại mùa khô năm 1971, quân ngụy buộc phải bỏ phòng tuyến ngoại biên, xây dựng Lộc Ninh thành trọng điểm của phòng tuyến ngoài Sài Gòn. Khi củng cố các cứ điểm ở Lộc Ninh, địch tăng cường càn quét vào sâu trong vùng căn cứ, dùng cả bom B52, bom tấn, bom hẹn giờ đánh phá thường xuyên vào các khu rừng dọc biên giới, kể cả vùng rừng cao su. Cường độ chiến sự ở Lộc Ninh được đẩy lên cao đột xuất, rất ác liệt…

Trên khắp các nẻo đường của huyện Lộc Ninh đều được trang hoàng rực rỡ cờ, hoa chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Lộc Ninh (Ảnh: HM)

Trong lúc địch ráo riết xây dựng hệ thống phòng thủ ở Lộc Ninh, cũng là lúc Bộ Chỉ huy Miền quyết định chọn Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành là hướng chủ yếu cho chiến dịch “Nguyễn Huệ”. Đầu tháng 3/1972, hành lang chiến lược Bắc Nam đã tới Tây- Bắc Lộc Ninh, mọi điều kiện lương thực, vũ khí, quân trang, quân dụng phục vụ cho chiến dịch đã được bí mật chuyển vào Lộc Ninh.

Ngày 31/3/1972, ở hướng nghi binh, quân ta đánh địch trên quốc lộ 22, Xa Mát, Thiện Ngôn, tạo thuận lợi cho trận then chốt ở Lộc Ninh. Trước ngày chiến dịch bùng nổ, ngày 2/4/1972, ta đã phục đánh đoàn xe cơ giới địch ở Lộc Tấn, diệt gần 100 xe và nhiều binh lính địch. Chiều 5/4/1972, lúc 15 giờ 30 phút, pháo binh Quân giải phóng dội bão lửa vào các căn cứ quân địch ở Lộc Ninh, Hoa Lư, Lộc Tấn. Đêm 5/4/1972, bộ binh của ta tiến đánh chi khu quân sự, Bộ Chỉ huy Sư đoàn 9 trại biệt kích ở thị trấn Lộc Ninh. Chỉ trong 2 đêm 5-6/4/1972, quần chúng cùng các anh em binh sĩ “phòng vệ dân sự” dưới sự hướng dẫn của cán bộ, đảng viên, du kích mật đã nổi dậy làm chủ hoàn toàn các làng xã.

Ngày 7/4/1972, trước sự tiến công như vũ bão của quân ta, địch hốt hoảng bỏ chạy, quân ta truy kích đến hang ổ cuối cùng của địch, cứu thoát hàng ngàn đồng bào. Các cụm đóng quân của địch ở căn cứ Alpha, Lộc Hòa đã bị các sư đoàn chủ lực của ta tiêu diệt, Lộc Ninh hoàn toàn được giải phóng.

Lộc Ninh được giải phóng hoàn toàn (là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng) đã gây kinh hoàng cho Quân đội Sài Gòn. Từ sau ngày giải phóng, Lộc Ninh đã vượt qua những khó khăn ban đầu, bước vào xây dựng cuộc sống mới, xã hội mới. Bằng sự nỗ lực phi thường của Đảng bộ, quân và dân nơi đây, với sức chi viện đúng lúc, có hiệu quả của tỉnh và Trung ương Cục, Lộc Ninh đã nhanh chóng vươn lên, trở thành một trung tâm chính trị của vùng giải phóng ở miền Đông Nam bộ. Sau đó, Lộc Ninh trở thành Thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, hậu phương vững chắc của chiến trường B2, đặc biệt là trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Lộc Ninh những năm cuối của cuộc kháng chiến như được thăng hoa và trở thành vùng đất “Địa linh nhân kiệt”.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, bắt tay xây dựng cuộc sống mới chưa được bao lâu thì chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra quyết liệt. Nhân dân Lộc Ninh lại một lần nữa cầm vũ khí chống giặc với ý chí “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của phản động Pôl Pốt, đồng thời xây dựng được 1 tiểu đoàn làm nghĩa vụ quốc tế.

 Những ngày qua, huyện Lộc Ninh đã tổ chức nhiều hoạt động chào mừng 50 năm Ngày giải phóng (Trong ảnh: Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lộc Ninh Hoàng Nhật Tân tặng quà cho các gia đình chính sách xã Lộc Tấn - Ảnh: HM)

Phát huy lợi thế để phát triển

Là huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bình Phước, với 110km đường biên giới tiếp giáp 2 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia không chỉ là phên giậu của riêng Lộc Ninh mà cho cả tỉnh, khu vực Đông Nam bộ. Lộc Ninh còn có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, cửa khẩu quốc gia, cặp lối mở và là huyện dẫn đầu cả tỉnh về số lượng cũng như các loại hình di tích từ cấp quốc gia đặc biệt cho đến cấp tỉnh. Lộc Ninh cũng là địa phương có nhiều dân tộc anh em sinh sống, trong quá trình lao động đã tạo sự gắn kết cộng đồng, đoàn kết, đấu tranh trong thời kỳ cách mạng, cũng như trong xây dựng, phát triển quê hương.

15 năm sau giải phóng (1972-1986), Lộc Ninh đã trở thành một địa phương tiêu biểu của tỉnh trong phong trào phát triển sản xuất, là “Huyện sản xuất giỏi”, “Huyện hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp” của tỉnh. Hệ thống trường, lớp được mở rộng, học sinh, giáo viên các cấp học ngày càng nhiều; mạng lưới y tế, đội ngũ y, bác sỹ được tăng cường, công tác khám, chữa bệnh cho người dân được đảm bảo; đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày được nâng cao.

Theo đánh giá của Huyện ủy Lộc Ninh, sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Lộc Ninh vươn mình chuyển hướng phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Trên địa bàn huyện hình thành các vùng kinh tế chuyên canh sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng dần giá trị sản xuất hàng hóa, kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình phát triển mạnh, hộ giàu, hộ khá giả tăng, hộ nghèo giảm dần; tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm đạt trên 13%.

Công tác quốc phòng - an ninh được đảm bảo, hoạt động đối ngoại, việc phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam- Campuchia trên địa bàn huyện đã hoàn thành.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Nhật Tân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lộc Ninh cho biết: Với tinh thần đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, năm 2021, mặc dù bị tác động của đại dịch COVID-19 nhưng kinh tế của huyện tiếp tục gặt hái thành quả và đạt được những mốc son mới.

 Cùng với quan tâm phát triển kinh tế, vấn đề giáo dục được huyện Lộc Ninh chú trọng trong những năm qua (Trong ảnh: Một buổi học của cô và trò lớp 1, Trường Tiểu họ c và THCS Lộc Thịnh- Ảnh: HM)

Kinh tế của huyện tiếp tục duy trì được sự phát triển ổn định và tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 61%; công nghiệp- xây dựng chiếm 20,50%; dịch vụ chiếm 18,50%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 573 tỷ 408 triệu đồng, tăng 96,7 lần; GRDP bình quân đạt 68,10 triệu đồng/người, tăng gấp 3,63 lần so với năm 1991. Công tác xóa đói giảm nghèo được thực hiện có hiệu quả, toàn huyện giảm được 385 hộnghèo, (vượt kế hoạch tỉnh giao 145 hộ), đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 65 hô, chiếm 0,20% trên tổng dân số toàn huyện.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều tiến bộ, việc tổ chức nghiên cứu, học tập nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng từng bước được đổi mới và nâng cao chất lượng; tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập đạt từ 97% trở lên. 100% đảng viên tham gia học tập viết bài thu hoạch, đảm bảo các nội dung, yêu cầu đề ra. Ban Thường vụ Huyện ủy Lộc Ninh đã đổi mới phương thức làm việc, lãnh đạo, điều hành thích ứng với điều kiện mới; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cấp huyện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số được quan tâm, chú trọng đầu tư và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đồng chí Hoàng Nhật Tân nhấn mạnh: Để có được những kết quả như hôm nay, đó là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của Đảng bộ và Nhân dân huyện Lộc Ninh. Trước mắt Đảng bộ huyện xác định còn nhiều việc phải làm, nhất là hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch và Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã đề ra./.

Hoàng Mẫn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN