Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lộ rồi, làm sao đây?!

Thứ Sáu, 06/09/2024 16:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Những cuộc họp rồi sẽ tới đâu, hay chỉ là những trang kết luận còn mang tính giơ cao đánh khẽ. Vấn đề dư luận quan tâm nhất là tính khẩn trương, khách quan, minh bạch và công khai các nội dung có liên quan tới điều tra, xác minh, xử lý hậu quả… các vụ việc gian dối.

Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện hàng năm và nộp về cơ quan có thẩm quyền quản lý theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ.

Tài sản bị lộ…

Tại báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập hiệu quả là giải pháp quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Dư luận hẳn chưa quên với những vi phạm liên quan kê khai tài sản, giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị Trung ương kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả chức vụ trong Đảng vào tháng 10/2023. Đến tháng 12/2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Đức Thọ do liên quan vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil.

Giữa tháng 6 năm nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận ông Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, kê khai tài sản, thu nhập. Ban Bí thư quyết định kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Yên. Ngày 30/6, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an công bố khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Yên để điều tra về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.

 Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ được doanh nghiệp biếu, tặng 4 chiếc đồng hồ xa xỉ. (Ảnh: Tiến Tuấn)

Điều 2 Chương I Nghị định 130/2020/NĐ-CP nêu rõ đối tượng áp dụng của Nghị định bao gồm: Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (sau đây gọi là người có nghĩa vụ kê khai); và Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong kiểm soát tài sản, thu nhập.

Thống kê mới nhất cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024 có 282.826 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập; có 2.518 người được xác minh và có 4 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Nghị định 130/2020/NĐ-CP nêu rõ kiểm soát tài sản, thu nhập là hoạt động do Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thực hiện theo quy định của pháp luật để biết rõ về tài sản, thu nhập, biến động về tài sản, thu nhập, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai nhằm phòng ngừa tham nhũng, phục vụ công tác cán bộ, kịp thời phát hiện tham nhũng, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng.

Hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập phải bảo đảm minh bạch, khách quan, công bằng; được thực hiện đúng thẩm quyền, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; không xâm phạm quyền tài sản của người có nghĩa vụ kê khai.

Mọi vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời theo quy định của pháp luật.

Nghiêm cấm việc sử dụng không đúng mục đích thông tin, dữ liệu trong kiểm soát tài sản, thu nhập.

Để nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 20/11/2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019.

Theo Điều 34 Luật Phòng, chống tham nhũng, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập gồm có: Cán bộ, công chức; Sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; Người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; và Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu HĐND.

Đương nhiên, người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo trình tự, thủ tục quy định tại luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai tài sản, thu nhập. Tài sản giá trị từ 50 triệu đồng trở lên phải kê khai.

Theo Điều 40 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo dõi biến động về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thông qua phân tích, đánh giá thông tin từ bản kê khai hoặc từ các nguồn thông tin khác.

Trường hợp phát hiện tài sản, thu nhập có biến động từ 300 triệu đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó, mà người có nghĩa vụ kê khai không kê khai thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền yêu cầu người đó cung cấp, bổ sung thông tin có liên quan. Trường hợp tài sản, thu nhập có biến động tăng thì phải giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.

… và câu hỏi lớn

Sai phạm có chủ ý và mang tính hệ thống của người có nghĩa vụ kê khai đã rõ, vậy câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong kiểm soát tài sản, thu nhập hoàn thành ở mức nào?

Với cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập: Liệu có tình trạng làm lấy lệ, làm cho có, làm để gửi bản tổng hợp lên cấp trên đúng hạn hay không? Đây là kẽ hở!!!

Với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong kiểm soát tài sản, thu nhập: Liệu có tình trạng né tránh việc quan tâm, để ý “trên mức bình thường” vào thực chất khối tài sản mà cá nhân cán bộ thuộc diện phải kê khai hay không? Đó cũng là kẽ hở!!!

Các địa phương đang triển khai có hiệu quả từng bước công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, và đương nhiên vấn đề nhân sự vẫn luôn là chốt của then chốt, cực kỳ quan trọng, quyết định tới uy tín của Đảng trước Nhân dân.  

Một trong những nội dung mà trên 5,5 triệu Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam quan tâm là chất lượng hồ sơ lý lịch của các ứng viên cán bộ chủ chốt, bao nhiêu phần trăm trong đó là sự thật.

Để có được danh sách “chốt hạ” đó chẳng tổ chức hay cá nhân nào thống kê bao công sức đã phải bỏ ra, bao tinh túy đã phải chắt chiu.

Xem ra chưa có lý thuyết nào là chuẩn, bài học nào là sâu sắc và hiện thực khách quan thì luôn thiên biến vạn hóa muôn màu. Chỉ tới khi bị lộ thì cả làng cả tổng mới vỡ òa, tá hỏa, bất ngờ…/.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN