Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lo ngại nguy cơ xuất hiện biến thể COVID-19 mới

Thứ Năm, 29/12/2022 22:29 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Các chuyên gia y tế cảnh báo, khả năng tăng các ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc sau khi nước này gỡ bỏ chính sách "Zero Covid", có thể tạo ra môi trường tiềm năng cho sự xuất hiện của các biến thể mới.

 Ảnh minh họa (Nguồn: AFP)

Ngày 26/12 vừa qua, Trung Quốc đã đưa ra những thay đổi lớn trong chính sách ứng phó với đại dịch COVID-19. Theo chính sách mới được Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) công bố, nước này sẽ ứng phó với dịch COVID-19 bằng các biện pháp đối với các bệnh truyền nhiễm loại B, thay vì các bệnh truyền nhiễm loại A. Thông báo của NHC cho biết Trung Quốc đã đổi tên thuật ngữ tiếng Trung cho COVID-19 từ "viêm phổi do virus corona mới" thành "nhiễm virus corona chủng mới”.

Bên cạnh đó, bắt đầu từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc sẽ hạ cấp quản lý bệnh từ Loại A xuống Loại B theo luật phòng ngừa và điều trị bệnh truyền nhiễm của quốc gia, đồng thời loại bỏ các biện pháp kiểm dịch bệnh truyền nhiễm đối căn bệnh này. Hiện tại, COVID-19 được phân loại là bệnh truyền nhiễm loại B nhưng phải tuân theo các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát đối với bệnh truyền nhiễm loại A ở Trung Quốc.

Trong bối cảnh Trung Quốc thay đổi các chính sách ứng phó với COVID-19, một số quốc gia và chuyên gia lo ngại rằng nước này có thể trở thành mảnh đất thuận lợi cho sự xuất hiện của các biến thể mới.

Ông Antoine Flahault, Giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Geneva (Thụy Sỹ), ước tính mỗi lần lây nhiễm mới làm tăng khả năng virus biến đổi. Hãng thông tấn AFP dẫn lời ông Antoine Flahault nhấn mạnh rằng: "Việc 1,4 tỷ người đột nhiên tiếp xúc với SARS-CoV-2 rõ ràng tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện của các biến thể".

Trong khi đó, ông Bruno Lina, giáo sư về virus học tại Đại học Lyon (Pháp), nói với tờ La Croix: "Với sự lưu hành mạnh mẽ của virus, và do đó làm tăng nguy cơ đột biến, một nơi sinh sản tiềm năng cho virus có thể xuất hiện ở Trung Quốc".

Bà Soumya Swaminathan, người từng là nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng cho biết phần lớn dân số Trung Quốc dễ bị tổn thương, một phần vì nhiều người lớn tuổi chưa được tiêm phòng.

Kiểm soát biên giới

Nhằm hạn chế tình trạng gia tăng số ca lây nhiễm, Mỹ, Italy, Nhật Bản, Ấn Độ và Malaysia đã tuyên bố trong tuần này rằng họ sẽ thắt chặt kiểm soát biên giới.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC), ngày 28/12, thông báo nước này sẽ áp dụng yêu cầu xét nghiệm COVID-19 bắt buộc với người đến từ Trung Quốc kể từ ngày 5/1/2023.

Chính phủ Pháp, ngày 28/12, cũng cho biết họ "sẵn sàng" nghiên cứu tất cả các biện pháp hữu ích để áp dụng.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida, ngày 27/12, thông báo chính phủ Nhật Bản sẽ siết hạn chế đối với khách đến từ Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh nới lỏng chính sách chống dịch. Theo đó, từ ngày 30/12, Nhật Bản yêu cầu khách từ Trung Quốc xét nghiệm khi nhập cảnh. Những người dương tính với nCoV sẽ phải cách ly tập trung trong 7 ngày. Quy định cũng áp dụng với những người đã ở Trung Quốc trong vòng 7 ngày.

Ấn Độ cũng sẽ áp dụng các xét nghiệm PCR bắt buộc đối với tất cả hành khách đến từ Trung Quốc.

Theo ông Antoine Flahault, nếu đạt được thành công trong việc lấy mẫu và giải trình tự tất cả các loại virus được xác định ở tất cả khách du lịch từ Trung Quốc, có thể biết gần như ngay lập tức các biến thể mới đang xuất hiện và lây lan.

Trước những lo ngại về biến chủng mới xuất hiện tại Trung Quốc, ông Xu Wenbo, người đứng đầu viện kiểm soát virus tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, ngày 27/12, tuyên bố không phát hiện biến chủng mới nào của Delta hay Omicron xuất hiện ở nước này. Trả lời phỏng vấn Tân Hoa xã, ông Xu nêu rõ: “Từ tháng 12, chúng tôi phát hiện 9 dòng phụ của nCoV lưu hành ở Trung Quốc, tất cả đều thuộc về Omicron. (…) Dòng phụ BA.5.2 và BF.7 của Omicron vẫn chiếm ưu thế, chiếm 80% số ca nhiễm". Ông cũng đồng thời nhấn mạnh rằng các bệnh viện trên cả nước sẽ thu thập mẫu từ bệnh nhân và đưa thông tin giải trình tự gene lên cơ sở dữ liệu quốc gia, cho phép chính quyền theo dõi các chủng mới có thể xuất hiện theo thời gian thực tế./.

Khánh Linh (Theo AFP, HuffPost, Xinhua)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN