Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Liều thuốc nào cho “căn bệnh”… vô cảm?

Thứ Sáu, 20/09/2019 01:32 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Truyền thống của dân tộc ta là “tương thân, tương ái”, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”… Song đáng lo ngại, bệnh “vô cảm” trong xã hội hiện nay đang làm phai mờ những truyền thống tốt đẹp đó.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện clip (được cơ quan chức năng xác định ở xã Định Hòa, huyện Yên Định, Thanh Hóa), ghi lại hình ảnh người đàn ông ôm đôi chân bị thương nặng sau vụ tai nạn, ngồi khóc ngất giữa đường khiến nhiều người nhìn thấy đều bàng hoàng, xót xa.

Đáng nói, một số người chứng kiến vụ tai nạn có biểu hiện "vô cảm" khi chỉ khoanh tay đứng nhìn khá lâu mà không có động thái cứu giúp người bị nạn.

Có lẽ người viết cũng không muốn kể thêm, bởi chỉ thấy buồn, khi mà hiện tượng vô cảm xuất hiện thời gian qua không còn là chuyện hiếm, như vô cảm khi người khác bị hành hung, vô cảm khi trẻ em bị bạo hành, thờ ơ với những hành vi tội ác, sự vụ đau lòng trong cuộc sống… tất cả đang khiến nó trở thành một căn bệnh nhức nhối!

Người đàn ông ở Thanh Hóa bị thương nặng song mọi người xung quanh
chỉ khoanh tay đứng nhìn. (Ảnh chụp lại từ clip)

Trong quá trình nước ta hội nhập, mở cửa theo hướng cơ chế thị trường, bên cạnh việc đem lại những cái được lớn lao như kinh tế ngày càng khởi sắc, đời sống người dân ngày càng được cải thiện thì mặt trái cũng khiến con người dường như ngày càng trở nên vô cảm hơn.

Sự vô cảm ấy thể hiện ở sự trơ lì cảm xúc, dửng dưng thờ ơ trước các sự việc xung quanh, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân theo kiểu “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, “sống chết mặc bay”, tức thờ ơ với nỗi đau khổ, mất mát của người khác; ngại hoặc không dám va chạm, thấy tốt không ủng hộ, thấy xấu không lên án…

Xu hướng của lối sống ích kỷ, bàng quan này ngày càng có xu hướng phát triển. Đến nỗi giờ đây ra đường, thực sự rất hiếm để gặp được hình bóng một Lục Vân Tiên “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”.

Vẫn biết, cuộc sống có lúc này lúc khác, có người tốt người xấu không có gì hoàn hảo, song tái diễn quá nhiều lối hành xử vô cảm đã khiến không ít người day dứt.

Chúng ta chưa quên những câu chuyện ấm áp lòng người như, băng ra dòng lũ dữ nguy hiểm cứu người gặp nạn; dũng cảm xả thân mình cứu những học sinh bị đuối nước, hay tấm lòng thơm thảo của các nhà hảo tâm chung tay ủng hộ những mảnh đời khó khăn, bất hạnh trong cơn hoạn nạn.

Và cùng với đó, chúng ta vẫn không khỏi bức xúc khi nghe chuyện anh tài xế bỏ mặc sản phụ sinh non giữa đường, cướp đi cơ hội sống của đứa bé; hay hành vi cười cợt, chụp ảnh khi một nữ cổ động viên bóng đá bị thương nặng ở chân… rồi những hành động vô cảm kiểu như: thấy người khác bị hành hung chỉ đứng ngoài xì xào, bàn tán; ở ngoài đường thấy côn đồ ngang nhiên bắt nạt, cướp tài sản, hành hung người khác nhưng hàng trăm con người chỉ dừng ngó nghiêng rồi đi mà không cứu giúp...

Truyền thống của dân tộc ta là “tương thân, tương ái”; “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”… Song đáng lo ngại, bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay đang làm phai mờ những truyền thống tốt đẹp đó.

Mọi hành vi của cái ác, sự ích kỷ, cuối cùng đều phải chịu hậu quả. Mọi biểu hiện của cái thiện, lòng tốt đều được đền đáp. Tuy nhiên, mỗi người khi làm được việc tốt, chưa nói đến sự đền đáp, thì ngay lập tức đã có được niềm vui cho chính bản thân mình và mang niềm vui cho cả xã hội.

Chúng ta cần lên án thói xấu vô cảm, sống ích kỷ chỉ nghĩ đến mình, hay nhiều khi chỉ do thói quen hùa theo đám đông mà người ta bỗng dưng đánh mất bản thân, tính bản thiện trong mỗi người. Mong sao, hiện tượng vô cảm chỉ là những vụ “con sâu làm rầu nồi canh”, để nó sẽ là những bài học cảnh tỉnh, trực quan giúp mỗi người tự soi xét lại mình, cùng xây dựng lối sống hướng thiện, chung tay dựng xây xã hội, cộng đồng tốt đẹp, nhân văn.../.

Trần Sơn Nam ​

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN