Liên kết sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn
(ĐCSVN) - Xác định đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) đang là vấn đề xã hội quan tâm, trong đó, sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm có vị trí, vai trò rất quan trọng, Hội Nông dân TP Hà Nội đã phát huy trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động cũng như hướng dẫn, kết nối hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản bảo đảm ATTP.
Năm 2020, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của TP Hà Nội ước đạt 52.967 tỷ đồng, tăng 40,1% so với năm 2015. Giá trị trên 01 ha canh tác đạt 280 triệu đồng. Cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với việc xây dựng nông thôn mới với trên 200 vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao có diện tích vào khoảng 40.000 ha. TP cũng hình thành vùng sản xuất rau 5.044 ha đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận đảm bảo ATTP; vùng sản xuất cây ăn quả với diện tích 4.300 ha, sản xuất theo hướng an toàn tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất hữu cơ.
Cùng với đó, TP đã phát triển 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực gồm: 15 xã chăn nuôi bò sữa; 19 xã chăn nuôi bò thịt; 13 xã chăn nuôi lợn; 29 xã chăn nuôi gia cầm với trên 3.800 trại/trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, trong đó có 81 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại; hình thành 60 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với diện tích trên 7.299 ha, năng suất đạt cao từ 10-12 tấn/ha/năm. Xây dựng và phát triển 141 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản. Có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 109 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 40 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản... Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn TP.
Sản xuất nông sản sạch, an toàn là xu hướng được nhiều người tiêu dùng ủng hộ |
Theo bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân TP, với 406 cơ sở hội, 2.457 chi hội, 477.295 hội viên nông dân, các cấp Hội Nông dân Hà Nội luôn coi trọng công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, hội viên nông dân thực hiện cam kết đảm bảo vệ sinh ATTP, không sản xuất, chế biến, tiêu dùng các sản phẩm kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, sản xuất- kinh doanh nông sản, thực phẩm theo đúng Luật ATTP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội được đưa vào nghị quyết và chương trình hoạt động hằng năm của các cấp Hội, đồng thời cụ thể hóa bằng kế hoạch và giao chỉ tiêu thi đua để đánh giá xếp loại.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ tiêu thụ nông sản an toàn cho nông dân, những năm qua, Hội Nông dân TP đã ký kết chương trình phối hợp với 25 Hội Nông dân các tỉnh, thành; chủ động phối hợp với các sở, ngành của TP thực hiện hợp tác, kết nối sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn cho người dân TP.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội đã tích cực kết nối sản xuất, quản lý chất lượng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản, xây dựng và phát triển được 727 chuỗi. Riêng Hà Nội duy trì và phát triển 135 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia. Phối hợp thường xuyên trao đổi kinh nghiệm quản lý chất lượng ATTP, tham quan các mô hình chuỗi kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ thực phẩm nông lâm thủy sản tại các tỉnh.
Cùng với đó, công tác phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm cũng được triển khai có hiệu quả. Đến nay, đã quản lý, cấp mã tài khoản quản trị cho hàng trăm mã sản phẩm của 16/21 tỉnh. Phối hợp tổ chức 07 phiên giao dịch, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp an toàn của nông dân Hà Nội và các tỉnh, thành phố; tổ chức 38 gian hàng tham gia các buổi hội thảo, tọa đàm về sản xuất nông nghiệp an toàn, xây dựng mô hình chuỗi liên kết tại các huyện, thị xã.
Sản phẩm của nông dân Sơn La được quảng bá tại Hà Nội |
Chính vì vậy mà người dân TP thời gian vừa qua đã dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm nông sản an toàn, đặc sản của các tỉnh, thành như: mắm tép Gia Viễn, dê núi Ninh Giang của Ninh Bình; rau quả Mộc Châu, Sơn La; hải sản Thanh Hóa, Quảng Ninh; chè Thái Nguyên; gạo Hải Hậu của Nam Định; cam Vinh của Nghệ An; cam sành Hà Giang… Ngay cả một số sản phẩm nông sản của Thủ đô như: bưởi Phúc Thọ; chè lam Thạch Thất; gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn; cà dầm tương Phúc Thọ; gạo hữu cơ Đồng Phú, Chương Mỹ; rau hữu cơ Thanh Xuân, vịt cỏ Vân Đình - Ứng Hòa, thịt lợn an toàn sinh học Đồng Tâm - Quốc Oai cũng được các cấp Hội Nông dân TP đẩy mạnh quảng bá đến gần hơn với người dân.
Các mô hình phát triển kinh tế cho hiệu quả cao tại các tỉnh như: trồng chuối nuôi cấy mô tại huyện Lương Sơn, Hòa Bình; trồng phong lan tại huyện Sơn Đông, Thanh Hóa; trồng hoa tại huyện Nam Sách, Hải Dương; mô hình nuôi ba ba, cá chép trong ruộng lúa tại huyện Thuận Thành, nuôi trâu thương phẩm tại huyện Yên Phong, trồng sen lấy ngó tại huyện Gia Bình, Bắc Ninh; mô hình VAC theo quy trình chuỗi khép kín tại huyện Lý Nhân, Hà Nam; nuôi vịt trời ở huyện Yên Mô, Ninh Bình… cũng như các mô hình đã tạo được “tiếng vang” ngay giữa Thủ đô như: nuôi cá chép giòn, gà Mông tại huyện Quốc Oai, trồng cây ăn quả tập trung tại các xã Kiêu Kỵ, Phú Thị, Kim Sơn, huyện Gia Lâm; trồng dưa lưới tại huyện Thanh Oai, trồng cây dược liệu tại huyện Ba Vì, trồng rau an toàn tại các huyện Chương Mỹ, Thanh Trì, Hoài Đức... cũng được nhiều người dân Thủ đô biết đến.
Có hơn 10 chuyến đưa rau củ quả chuẩn VietGAP, sản xuất hữu cơ của Sơn La tham gia các gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Thủ đô trong năm 2020, ông Trần Văn Hùng, giám đốc Trung tâm hỗ trợ nông dân trực thuộc Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết, cứ sau mỗi chuyến đi như vậy, Trung tâm lại có thêm những hợp đồng, ký thêm các chương trình liên kết với doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Lượng tiêu thụ sản phẩm của nông dân Sơn La tăng lên đáng kể, người nông dân rất phấn khởi.
Thường xuyên tới Big C Thăng Long để mua thực phẩm cho gia đình, chị Hoàng Nhung, ở Cầu Giấy cho hay, năm vừa qua chị thấy xuất hiện khá nhiều các gian hàng, triển lãm giới thiệu nông sản của các tỉnh, thành phố ngay tại siêu thị. Thực tế khi mua về sản phẩm rất ưng ý nên chị cũng giới thiệu với bạn bè, hàng xóm cùng ghé qua. “Tôi mong muốn sẽ có nhiều hơn các điểm bán nông sản an toàn trên địa bàn thành phố để đông đảo người dân Thủ đô được thưởng thức nông sản sạch cũng như để người nông dân yên tâm sản xuất, có nguồn tiêu thụ ổn định”, chị Nhung nói.
Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã thể hiện sự vào cuộc tích cực, triển khai có hiệu quả các hoạt động phối hợp, góp phần đổi mới nội dung hoạt động của các cấp Hội, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của hội viên; thúc đẩy quan hệ hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước cụ thể hóa chủ trương “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội” qua đó làm phong phú thêm các hoạt động của Hội cũng như khẳng định sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai chương trình phối hợp, nâng cao hiệu quả liên kết vùng giữa các tỉnh, thành Hội nhằm tiêu thụ nông sản an toàn cho nông dân./..