Liên hợp quốc kêu gọi hành động toàn cầu để giải quyết tình trạng nắng nóng cực đoan
(ĐCSVN) – Ngày 25/7, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi hành động toàn cầu để giải quyết tình trạng nắng nóng cực đoan, bởi "nhiệt độ khắc nghiệt không còn là hiện tượng chỉ xảy ra trong một ngày, một tuần hay một tháng nữa".
Nắng nóng cực đoan - kẻ giết người thầm lặng
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu về tình trạng nắng nóng khắc nghiệt tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, ngày 25/7/2024. (Ảnh: Xinhua) |
Phát biểu trước báo chí, ngày 25/7, người đứng đầu Liên hợp quốc chỉ ra rằng: "Trái đất đang trở nên nóng hơn và nguy hiểm hơn đối với mọi người, mọi nơi". Hàng tỷ người đang phải đối mặt với nắng nóng cực độ, héo mòn dưới những đợt nắng nóng chết người, với nhiệt độ lên tới 50 độ C trên toàn thế giới. "Đó là ... nửa chặng đường đến điểm sôi" – ông Guterres cảnh báo.
Nhấn mạnh tác động của nhiệt độ khắc nghiệt, ông Guterres lưu ý một đợt nắng nóng chết người tấn công Sahel khiến số ca nhập viện và tử vong tăng đột biến; nhiệt độ trên khắp nước Mỹ ghi nhận kỷ lục mới; nắng nóng khiến 1.300 người tham gia Lễ hành hương Hajj thiệt mạng. Trong khi đó, nắng nóng không chỉ khiến các điểm du lịch tại các thành phố đông đúc của châu Âu phải đóng cửa mà còn làm gián đoạn hoạt động của nhiều trường học trên khắp châu Á và châu Phi khiến hơn 80 triệu trẻ em phải nghỉ học. "Nhiệt độ cực đoan đang ngày càng tàn phá nền kinh tế, làm gia tăng bất bình đẳng, làm suy yếu các Mục tiêu Phát triển Bền vững SDG và cướp đi sinh mạng của con người" - ông Guterres nói.
Theo số liệu do người đứng đầu Liên hợp quốc công bố, nắng nóng đã giết chết gần nửa triệu người mỗi năm, cao hơn khoảng 30 lần so với bão nhiệt đới.
Ông Guterres chỉ ra rằng: "Nhiệt độ cực đoan là điều bất thường mới… Các hiện tượng biến đổi khí hậu do con người gây ra và việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch chính là nguyên nhân đằng sau nhiệt độ cực đoan”.
Cùng chung nhận định, ngày 25/7, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã công bố báo cáo "Nhiệt độ tại nơi làm việc: Tác động đến an toàn và sức khỏe". Báo cáo cho thấy ngày càng có nhiều người lao động trên toàn thế giới đối mặt với căng thẳng do nhiệt độ, ngay cả ở những khu vực có khí hậu ôn hòa. Dữ liệu mới cho thấy các khu vực trước đây không quen với nhiệt độ cao cực đoan sẽ phải đối mặt với rủi ro gia tăng, trong khi người lao động ở những vùng khí hậu vốn đã nóng sẽ phải đối mặt với những điều kiện ngày càng nguy hiểm hơn.
Nghiên cứu của ILO chỉ ra rằng, căng thẳng do nhiệt độ là một kẻ giết người vô hình và thầm lặng có thể nhanh chóng gây ra bệnh tật, say nắng hoặc thậm chí tử vong. Theo thời gian, nó cũng có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về tim, phổi và thận cho người lao động.
Theo báo cáo, người lao động ở Châu Phi, các quốc gia Ả Rập và Châu Á - Thái Bình Dương thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ quá cao, với lần lượt 92,9%, 83,6% và 74,7% lực lượng lao động bị ảnh hưởng. Các con số này cao hơn mức trung bình toàn cầu là 71%, theo số liệu mới nhất có sẵn (2020).
Báo cáo ước tính rằng 4.200 công nhân trên toàn cầu đã tử vong vì nắng nóng vào năm 2020. Tổng cộng, 231 triệu công nhân đã phải tiếp xúc với nắng nóng vào năm 2020, tăng 66% so với năm 2000.
Thế giới cần ứng phó với các thách thức gây ra bởi hiện tượng nắng nóng cực đoan
Người lao động làm việc dưới nắng nóng khắc nghiệt ở Mexico. (Ảnh: ILO) |
Từ những thực trạng đáng quan ngại nêu trên, Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh hiện vẫn có giải pháp khắc phục vấn đề này. Cụ thể, ông Guterres đã công bố lời kêu gọi hành động toàn cầu với bốn lĩnh vực trọng tâm bao gồm: Chăm sóc những người dễ bị tổn thương nhất; tăng cường bảo vệ người lao động; tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế và xã hội bằng cách sử dụng dữ liệu và khoa học; chống lại điều mà ông gọi là "sự điên rồ” của việc đốt cháy ngôi nhà duy nhất của chúng ta", tình trạng nghiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và thiếu hành động vì khí hậu.
Từ đó, nhà lãnh đạo Liên hợp quốc thúc giục các nhà lãnh đạo trên mọi lĩnh vực phải thức tỉnh và hành động, đồng thời lưu ý rằng "tất cả các quốc gia phải thực hiện các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) vào năm tới, hoặc thực hiện các kế hoạch hành động khí hậu quốc gia nhằm hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C”. Bên cạnh đó, ông Guterres cũng kêu gọi các nước loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch một cách "nhanh chóng và công bằng", đồng thời chấm dứt các dự án điện than mới.
Trong lời phát biểu cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) chuyển trợ cấp nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, cùng với đó là hỗ trợ các quốc gia và cộng đồng dễ bị tổn thương.
"Các kế hoạch hành động khí hậu quốc gia phải cho thấy cách mà mỗi quốc gia sẽ đóng góp vào các mục tiêu toàn cầu đã được thống nhất tại COP28 nhằm tăng gấp 3 năng lượng tái tạo của thế giới và chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030… Các nước cũng phải cắt giảm 30% mức tiêu thụ và sản xuất nhiên liệu hóa thạch toàn cầu trong cùng khung thời gian" - ông Guterres nói.
Lưu ý rằng hành động vì khí hậu cũng đòi hỏi hành động tài chính, ông Guterres cho biết điều đó bao gồm các quốc gia phải cùng nhau đạt được kết quả tài chính mạnh mẽ từ COP29; đạt tiến triển về các nguồn tài chính sáng tạo; thúc đẩy mạnh mẽ năng lực cho vay của các ngân hàng phát triển đa phương để giúp các nước đang phát triển giải quyết khủng hoảng khí hậu, trong khi các quốc gia giàu có hơn cần thực hiện tốt tất cả các cam kết tài chính về khí hậu của họ. Người đứng đầu Liên hợp quốc cho biết, ông muốn đưa ra một thông điệp rõ ràng, đó là “nhiệt độ đang tăng và thế giới cần ứng phó với các thách thức mà vấn đề này gây ra”./.