Liên hợp quốc kêu gọi hành động khẩn cấp ngăn chặn nạn đói
(ĐCSVN) – Trong báo cáo mới nhất công bố ngày 23/3, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và Chương trình Lương thực toàn cầu (WFP) cảnh báo tình trạng đói cấp tính dự kiến sẽ tăng vọt ở hơn 20 quốc gia trong vài tháng tới nếu không được tăng cường hỗ trợ ngay lập tức.
Một em bé 7 tháng tuổi được điều trị suy dinh dưỡng tại một trung tâm y tế ở bang Yobe, Nigeria. (Ảnh: WFP) |
Theo báo cáo có tiêu đề Những điểm nóng về nạn đói, Yemen, Nam Sudan và miền Bắc Nigeria đáng chú ý phải đối mặt với mức độ thảm khốc của nạn đói cấp tính, với các gia đình đang trong cơn đói kém hoặc có nguy cơ chết đói. Tại Burkina Faso, an ninh lương thực đã được cải thiện một chút kể từ tháng 10 năm ngoái, nhưng tình hình vẫn rất đáng lo ngại.
Phần lớn các nước bị ảnh hưởng là ở châu Phi. Tuy nhiên, nạn đói cấp tính cũng dự kiến sẽ tăng mạnh ở các khu vực khác trên thế giới, chẳng hạn như: Afghanistan, Haiti và Syria.
Trên khắp thế giới, hơn 34 triệu người đang phải vật lộn với nạn đói cấp tính khẩn cấp, có nghĩa là họ đang ở bờ vực của nạn đói. “Mức độ của sự đau khổ là đáng báo động. Tất cả chúng ta có nhiệm vụ phải hành động ngay bây giờ và hành động nhanh chóng để cứu lấy các mạng sống, bảo vệ sinh kế và tránh điều tồi tệ nhất” – Tổng giám đốc FAO Qu Dongyu nói. “Ở nhiều vùng, thời vụ gieo trồng mới bắt đầu hoặc sắp bắt đầu. Chúng ta phải dẫn đầu cuộc chạy đua với thời gian và không để cơ hội này trôi qua, để bảo vệ, ổn định và thậm chí có thể tăng sản lượng lương thực địa phương”.
Giám đốc điều hành WFP David Beasley thì cảnh báo một thảm họa đang diễn ra "trước mắt chúng ta". Ông nói: “Nạn đói - do xung đột gây ra và được thúc đẩy bởi các cú sốc khí hậu và cuộc khủng hoảng COVID-19 - đang gõ cửa hàng triệu gia đình". Ông đồng thời kêu gọi thực hiện khẩn cấp 3 điều để ngăn hàng triệu người chết đói: chiến sự phải kết thúc, phải tiếp cận các cộng đồng dễ bị tổn thương để cung cấp viện trợ cứu sống họ, và quan trọng nhất cần các nhà tài trợ tăng cường hỗ trợ để cung cấp 5,5 tỷ USD đang yêu cầu trong năm nay.
Cần hành động khẩn cấp để ngăn chặn nạn đói gia tăng
Báo cáo của WFP và FAO khuyến nghị các hành động ngắn hạn quan trọng ở các quốc gia bị ảnh hưởng để đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai. Các biện pháp này bao gồm từ việc tăng cường lương thực và viện trợ dinh dưỡng, phân phối hạt giống chịu hạn, điều trị và tiêm phòng cho vật nuôi, triển khai các chương trình lao động, đến việc phục hồi các cơ cấu thu gom nước và tăng cơ hội thu nhập cho các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Ngoài ra, WFP và FAO cũng khuyến nghị cần tăng cường sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở những nơi hạn chế tiếp cận và người dân thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào sản xuất địa phương.
Trước đó, hồi đầu tháng này, FAO và WFP đã kêu gọi 5,5 tỷ USD để nhanh chóng mở rộng quy mô các hành động và ngăn chặn nạn đói thông qua sự kết hợp của viện trợ lương thực, can thiệp tiền mặt và hỗ trợ thực phẩm.
Điểm nóng về nạn đói
Nam Sudan: FAO và WFP đang kêu gọi hành động khẩn cấp và quy mô lớn ngay từ bây giờ để chấm dứt nạn đói cũng như sự sụp đổ hoàn toàn của sinh kế ở khu vực này. Hơn 7 triệu người trên khắp Nam Sudan được dự báo sẽ rơi vào khủng hoảng hoặc trải qua mức độ mất an ninh lương thực nghiêm trọng hơn, tăng 700.000 người so với cùng thời điểm năm ngoái.
Yemen: Tình trạng bạo lực kéo dài và suy giảm kinh tế cũng như sự gián đoạn nghiêm trọng đối với các hoạt động ứng phó nhân đạo dự kiến sẽ còn kéo dài trong những tháng tới. Tại các khu vực Al Jawf, Amran và Hajjah, số người gặp thảm họa mất an ninh lương thực dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần – lên tới 47.000 người vào tháng 6/2021, so với 16.000 người vào tháng 10 đến tháng 12/2020. Với dân số vốn đã rất dễ bị tổn thương, suy dinh dưỡng nghiêm trọng, di cư ngày càng tăng và tình hình kinh tế xấu đi, nguy cơ xảy ra nạn đói ở Yemen ngày càng rõ rệt. Nhìn chung, hơn 16 triệu người Yemen dự báo sẽ phải đối mặt với mức độ mất an ninh lương thực nghiêm trọng vào tháng 6/2021, tăng khoảng 3 triệu người kể từ cuối năm ngoái.
Nigeria: Ở miền Bắc Nigeria bị xung đột, dự báo cho thấy số người gặp tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi - lên hơn 1,2 triệu - so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 6 tháng tới, tình trạng mất an ninh lương thực và dinh dưỡng dự kiến sẽ gia tăng đáng kể ở miền Bắc Nigeria với khoảng 13 triệu người bị ảnh hưởng trừ khi hỗ trợ lương thực và sinh kế được tăng cường.
Burkina Faso: Burkina Faso đã chứng kiến sự cải thiện nhẹ về an ninh lương thực kể từ tháng 6/2020 do một mùa nông nghiệp tốt và vì người dân ở các khu vực hẻo lánh và không thể tiếp cận trước đây đã có thể nhận được lương thực. Nhưng tình hình vẫn rất đáng lo ngại và cần được theo dõi chặt chẽ vì bạo lực có thể sẽ tiếp tục đẩy người dân vào tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm trọng. Khoảng 2,7 triệu người Burkina Faso được dự báo sẽ đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8/2021 - mức tăng mạnh so với 700.000 người vào năm 2019, trước khi bạo lực leo thang ở quốc gia châu Phi này./.