Liên hợp quốc: Cứ 4,4 giây lại có 1 trẻ em tử vong vào năm 2021
(ĐCSVN) – Theo ước tính mới nhất được Nhóm liên cơ quan về ước tính tỷ lệ tử vong ở trẻ em của Liên hợp quốc vừa công bố, khoảng 5 triệu trẻ em đã tử vong trước sinh nhật lần thứ 5 và khoảng 2,1 triệu trẻ em và thanh niên trong độ tuổi từ 5 – 24 đã tử vong vào năm 2021.
Ngoài ra, theo một báo cáo khác của Nhóm liên cơ quan này, khoảng 1,9 triệu ca thai nhi chết lưu đã được ghi nhận trong cùng thời kỳ. Điều này càng bi thảm hơn vì lẽ ra có thể tránh được một số lượng lớn các trường hợp tử vong này bằng cách bảo đảm rằng các bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên được tiếp cận bình đẳng với dịch vụ chăm sóc chất lượng cao.
Bà Vidhya Ganesh, Giám đốc Bộ phận Dữ liệu, Phân tích, Lập kế hoạch và Giám sát của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết: “Hàng ngày, có quá nhiều bậc cha mẹ phải đối mặt với nỗi đau mất con, thậm chí còn trước khi họ nghe thấy tiếng khóc đầu tiên của con mình”. Bà Ganesh nhấn mạnh: “Chúng ta không bao giờ được chấp nhận những thảm kịch như vậy”, đồng thời nêu rõ rằng tình trạng này “mặc dù phổ biến nhưng có thể ngăn ngừa được”. Giám đốc Bộ phận Dữ liệu, Phân tích, Lập kế hoạch và Giám sát của UNICEF khẳng định rằng tình hình có thể được cải thiện bằng cách củng cố ý chí chính trị và đầu tư có mục tiêu để mọi phụ nữ và mọi trẻ em đều được tiếp cận bình đẳng với dịch vụ chăm sóc ban đầu.
Phụ nữ và trẻ em tại châu Phi vẫn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. (Ảnh: Khánh Linh) |
Những kết quả tích cực
Tuy nhiên, báo cáo vừa được công bố cũng nêu bật một số kết quả tích cực như giảm nguy cơ tử vong toàn cầu ở mọi lứa tuổi kể từ năm 2000.
Tỷ lệ tử vong toàn cầu của trẻ em dưới 5 tuổi, do đó, đã giảm 50% kể từ đầu thế kỷ, trong khi tỷ lệ tử vong ở trẻ lớn hơn và thanh niên đã giảm 36%. Trong khi đó, tỷ lệ thai chết lưu đã giảm 35%. Những cải thiện này là kết quả của các khoản đầu tư bổ sung được thực hiện để tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu vì lợi ích của phụ nữ, trẻ em và thanh niên.
Tuy nhiên, tiến độ đã chậm lại rõ rệt kể từ năm 2010 và 54 quốc gia sẽ không đạt được mục tiêu về tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vốn đặt ra trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Trong trường hợp không có hành động nhanh chóng để cải thiện các dịch vụ y tế, các tổ chức quốc tế dự báo gần 59 triệu ca tử vong ở trẻ em và thanh thiếu niên trước năm 2030, trong đó sẽ có thêm khoảng 16 triệu ca thai chết lưu.
Cơ hội sống sót phụ thuộc vào nơi trẻ em được sinh ra
Ông Anshu Banerjee, Giám đốc Bộ phận Bà mẹ, Trẻ sơ sinh, Trẻ em, Trẻ vị thành niên và Người già của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết: “Hoàn toàn không công bằng khi cơ hội sống sót của một đứa trẻ có thể thay đổi đơn giản tùy theo nơi chúng được sinh ra và có sự bất bình đẳng như vậy trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế để cứu lấy các mạng sống”.
Theo chuyên gia của WHO, trẻ em ở mọi nơi, bất kể chúng sinh ra ở đâu, đều cần có hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu mạnh mẽ, đáp ứng tốt cho các em và gia đình, để có được khởi đầu tốt nhất trong cuộc sống và giữ vững hy vọng cho tương lai.
Tuy nhiên, thực tế là cơ hội sống sót của trẻ em vẫn phụ thuộc nhiều vào vùng xuất xứ của các em, với các báo cáo cho thấy những đứa trẻ sinh ra ở châu Phi cận Sahara và Nam Á là những người thiệt thòi nhất. Như vào năm 2021, chỉ 29% số trẻ được sinh ra còn sống sót trên thế giới là ở vùng châu Phi Sahara và khu vực này ghi nhận 56% ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, vượt qua Nam Á (26% trong tổng số). Do đó, trẻ em sinh ra ở châu Phi cận Sahara có nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cao nhất trên phạm vi toàn cầu, cao gấp 15 lần so với trẻ em ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Ngoài ra, tỷ lệ thai chết lưu đặc biệt cao ở châu Phi cận Sahara và Nam Á. Trong số tất cả các trường hợp thai chết lưu xảy ra trên toàn cầu vào năm 2021, 77% tập trung ở hai khu vực này và gần một nửa xảy ra ở châu Phi cận Sahara, nơi có nguy cơ sinh ra một đứa trẻ không có sự sống cao gấp 7 lần so với ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Ông Juan Pablo Uribe, Giám đốc Cơ quan Y tế, Dinh dưỡng và Dân số và Tài chính Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết: “Những con số này cho thấy các quyền cơ bản về sức khỏe bị từ chối”. Ông Uribe chỉ ra rằng ý chí chính trị và khả năng lãnh đạo là điều cần thiết để đảm bảo đầu tư bền vững cho chăm sóc sức khỏe ban đầu – “một trong những khoản đầu tư có giá trị nhất mà các quốc gia và đối tác phát triển có thể thực hiện”. Sự sống còn của trẻ em trên khắp thế giới tiếp tục phụ thuộc vào sự sẵn có và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng. Phần lớn các ca tử vong ở trẻ em xảy ra trong 5 năm đầu đời và thậm chí trong tháng đầu tiên sau khi sinh ra.
Cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng
Theo Liên hợp quốc, nguyên nhân chính gây tử vong ở những trẻ sơ sinh này là sinh non và các biến chứng khi sinh. Tương tự, hơn 40% trường hợp thai chết lưu xảy ra trong quá trình chuyển dạ. Tuy nhiên, thảm kịch như vậy thường có thể ngăn ngừa được khi phụ nữ được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc có chất lượng trong suốt thai kỳ và trong khi sinh con.
Sau 28 ngày đầu tiên, các bệnh truyền nhiễm như: viêm phổi, tiêu chảy và sốt rét là mối đe dọa lớn nhất đối với sự sống còn của trẻ.
Trong khi COVID-19 không dẫn đến sự gia tăng trực tiếp tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ em (xác suất trẻ tử vong vì căn bệnh này thấp hơn so với người lớn), thì đại dịch này mặt khác lại góp phần làm trầm trọng thêm các nguy cơ đe dọa sự sống còn trong tương lai của các em. Các báo cáo này đặc biệt lo ngại về sự gián đoạn đã cản trở các chiến dịch tiêm chủng, cung cấp dịch vụ dinh dưỡng và tiếp cận chăm sóc sức khỏe ban đầu khi tất cả các yếu tố có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và hạnh phúc của trẻ em trong nhiều năm.
Ngoài ra, đại dịch COVID-19 cũng đã gây ra sự sụt giảm liên tục lớn nhất của việc tiêm chủng trong 3 thập kỷ, khiến trẻ sơ sinh và trẻ em dễ bị tổn thương nhất có nguy cơ tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa được.
Các báo cáo cũng lưu ý về sự tồn tại của những lỗ hổng trong dữ liệu, điều này có nguy cơ làm giảm đáng kể tác động của các chính sách và chương trình nhằm cải thiện sự sống còn và hạnh phúc của trẻ em.
Ông John Wilmoth, Giám đốc Cơ quan Dân số của Ban Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc, cho biết: “Các ước tính mới nhấn mạnh tiến bộ toàn cầu đáng chú ý đạt được kể từ năm 2000 trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ em”; đồng thời nói thêm rằng “còn nhiều việc phải làm để thu hẹp khoảng cách lớn về tỷ lệ sống sót của trẻ em vẫn tồn tại ở các quốc gia và khu vực, đặc biệt là ở châu Phi cận Sahara”. “Chỉ bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đặc biệt là khi sinh con, chúng ta mới thành công trong việc giảm thiểu những bất bình đẳng này và chấm dứt cái chết có thể ngăn ngừa được của trẻ sơ sinh và trẻ em trên toàn thế giới” – ông nhấn mạnh./.