Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Liên hợp quốc cảnh báo hậu quả của biến đổi khí hậu đang gia tăng

Thứ Sáu, 17/09/2021 10:38 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và các tổ chức đối tác, ngày 16/9, công bố báo cáo cho biết đại dịch COVID-19 không làm chậm tiến trình biến đổi khí hậu vốn không thể lay chuyển và không có dấu hiệu nào cho thấy sự phục hồi đi kèm với tăng trưởng xanh hơn.

WMO cảnh báo mực nước biển sẽ vẫn tiếp tục dâng cao. (Ảnh minh họa: Khánh Linh) 

Lượng khí thải carbon dioxide đang phục hồi nhanh chóng từ mức thấp tạm thời do suy thoái kinh tế và thấp hơn nhiều so với mục tiêu cắt giảm. WMO cho biết nồng độ khí nhà kính trong bầu khí quyển vẫn ở mức kỷ lục khiến hành tinh của chúng ta rơi vào quỹ đạo nóng lên nguy hiểm.

Nhiệt độ toàn cầu tăng cao đang thúc đẩy các hiện tượng thời tiết cực đoan tàn phá trên khắp thế giới, tác động theo chiều xoáy ốc lên các nền kinh tế và xã hội. Vài tỷ giờ làm việc đã bị mất đi chỉ vì nắng nóng.

Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 5 năm qua là một trong những mức cao nhất được ghi nhận. Theo báo cáo của WMO, ngày càng có nhiều khả năng nhiệt độ sẽ tạm thời vượt ngưỡng 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp trong vòng 5 năm tới.

Mức độ nghiêm trọng của những thay đổi gần đây trong toàn bộ hệ thống khí hậu là chưa từng có trong nhiều thế kỷ đến vài thiên niên kỷ. Báo cáo cho biết ngay cả khi các biện pháp đầy tham vọng được áp dụng để làm chậm phát thải khí nhà kính, mực nước biển sẽ vẫn tiếp tục dâng cao, đe dọa các đảo thấp và quần thể ven biển trên khắp thế giới.

Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres, đây là một năm mang tính bước ngoặt đối với hành động vì khí hậu. Báo cáo này, do Liên hợp quốc và một số tổ chức đối tác khoa học toàn cầu soạn thảo, cung cấp một cái nhìn tổng quan về các dữ liệu khí hậu gần đây nhất. “Chúng ta đang tụt hậu xa so với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Năm nay, lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch đã tăng trở lại, nồng độ khí nhà kính tiếp tục tăng và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do các hoạt động của con người khuếch đại đã ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống và sinh kế của người dân ở các châu lục. Trừ khi có sự giảm phát thải khí nhà kính ngay lập tức, nhanh chóng và quy mô lớn, nếu không sẽ không thể hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C, điều này sẽ gây ra hậu quả thảm khốc cho các quần thể và hành tinh mà chúng ta phụ thuộc vào nó” – ông nhấn mạnh trong lời tựa của báo cáo.

Tổng thư ký WMO Petteri Taalas thì cho biết: “Trong suốt giai đoạn đại dịch, chúng ta đã được nhắc đi nhắc lại rằng chúng ta cần phải 'xây dựng trở lại tốt hơn' để đưa nhân loại lên một quỹ đạo bền vững hơn và tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu đối với xã hội và nền kinh tế. Báo cáo này cho thấy trước mắt là năm 2021, chúng ta đang đi không đúng hướng”.

Báo cáo do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) điều phối và đã nhận được sự đóng góp của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), Dự án Carbon toàn cầu (GCP), Chương trình Nghiên cứu Khí hậu Thế giới (WCRP) và Văn phòng Met (Anh), trình bày dữ liệu biến đổi khí hậu gần đây nhất và các phát hiện khoa học để cung cấp thông tin cho các chính sách và hành động toàn cầu./.

Khánh Linh (Theo UN, WMO)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN