Liên hợp quốc cảnh báo bạo lực tiếp tục tác động tới trẻ em
(ĐCSVN) – Trong báo cáo thường niên về trẻ em và xung đột vũ trang vừa công bố ngày 21/6, Liên hợp quốc cho biết hàng chục nghìn trẻ em trai và gái bị ảnh hưởng bởi chiến tranh vào năm ngoái đã là nạn nhân của các hành vi vi phạm nghiêm trọng như tuyển mộ hoặc cưỡng hiếp, và đại dịch COVID-19 đã khiến các chuyên gia khó tiếp cận.
Trẻ em bị ảnh hưởng bởi xung đột tại Yemen. (Ảnh: UN) |
Theo đó, bạo lực nghiêm trọng đối với trẻ em vẫn ở "mức báo động" khi tác động tới gần 26.500 em, trong khi đại dịch đã làm gia tăng nguy cơ trẻ em dễ bị bắt cóc, tuyển mộ vào các nhóm vũ trang và bạo lực tình dục, cũng như các cuộc tấn công vào trường học và bệnh viện. Báo cáo của Liên hợp quốc cũng cho biết các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của virus Corona cũng gây khó khăn cho các quan sát viên và chuyên gia bảo vệ trẻ em của tổ chức này.
Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về trẻ em và xung đột vũ trang Virginia Gamba cho biết: Cuộc chiến của những người trưởng thành một lần nữa đã cướp đi tuổi thơ của hàng triệu trẻ em trai và gái vào năm 2020. Nó vô cùng tàn khốc đối với các em, cũng như đối với tất cả cộng đồng nơi các em sinh sống, và phá hủy cơ hội hòa bình lâu dài.
Theo báo cáo, tuyển mộ vào các nhóm vũ trang và sử dụng, cũng như giết hại và cắt các bộ phận cơ thể trẻ em là những vi phạm phổ biến nhất vào năm 2020, tiếp theo là từ chối tiếp cận nhân đạo và bắt cóc.
Ngoài ra, hơn 8.400 thanh thiếu niên đã bị giết hoặc bị thương trong các cuộc chiến đang diễn ra ở Afghanistan, Syria, Yemen và Somalia, trong khi gần 7.000 em khác đã bị tuyển mộ và sử dụng trong các cuộc chiến, chủ yếu ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Somalia, Syria...
Các nhà nghiên cứu cho biết số vụ bắt cóc đã tăng lên theo cấp số nhân, tăng 90% vào năm ngoái. Hiếp dâm và các hình thức bạo lực tình dục khác cũng đã tăng 70%.
Trong khi đó, các cuộc tấn công vào trường học và bệnh viện "vẫn ở mức cao", bao gồm các cuộc tấn công nghiêm trọng vào giáo dục trẻ em gái và vào các cơ sở y tế và nhân viên. Việc sử dụng trường học của lực lượng xung đột cũng gia tăng do việc đóng cửa tạm thời của các trường học trong thời kỳ đại dịch khiến trường học trở thành mục tiêu dễ dàng cho việc chiếm đóng và sử dụng của các lực lượng xung đột.
Báo cáo cũng cho thấy rằng trẻ em gái chiếm 1/4 tổng số trẻ em là nạn nhân của các vụ vi phạm nghiêm trọng. Các em bị ảnh hưởng chủ yếu bởi hãm hiếp và các hình thức bạo lực tình dục khác, chiếm 98% số nạn nhân, sau đó là giết người và cắt xẻo các bộ phận trên cơ thể.
Trong bối cảnh đó, báo cáo cũng nêu chi tiết về những tiến bộ đã đạt được trong các cuộc đối thoại với các bên tham chiến ở Afghanistan, Cộng hòa Trung Phi, Nigeria, Philippines, Nam Sudan và Syria. Ngoài ra, các nhóm vũ trang đã thả hơn 12.643 trẻ em ra khỏi hàng ngũ của họ nhờ Liên hợp quốc can thiệp, và nhiều trẻ em trai và gái khác đã được miễn tuyển mộ vào các lực lượng vũ trang.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ song năng lực bảo vệ trẻ em trên thực tế vẫn bị thiếu hụt.
Bà Gamba nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm các nguồn lực để bảo vệ trẻ em vào thời điểm trẻ em phải chịu nhiều đau khổ. "Đây là cơ hội để dừng lại và suy ngẫm về những đau khổ mà chúng ta gây ra cho con cái của mình, những đứa trẻ là tương lai của chúng ta" – quan chức cấp cao của Liên hợp quốc nhấn mạnh. “Chúng ta phải cung cấp cho trẻ em một giải pháp thay thế cho bạo lực và lạm dụng: chúng ta cần hòa bình, tôn trọng quyền trẻ em và dân chủ. Chúng ta cần hy vọng vào quản trị tốt. Chúng ta phải hành động để xây dựng một tương lai nơi có hòa bình”./.