LHQ cảnh báo cuộc khủng hoảng an ninh ở Sahel gây ra mối đe dọa toàn cầu
(ĐCSVN) – Tổng thư ký Liên hợp quốc (|LHQ) António Guterres ngày 22/9 kêu gọi cộng đồng quốc tế phải tìm ra các giải pháp táo bạo để giúp khu vực Sahel của châu Phi thoát khỏi cuộc khủng hoảng an ninh, nhân đạo và tài chính vốn đang ảnh hưởng đến khu vực này.
Phát biểu tại cuộc họp cấp cao về Sahel được tổ chức trên bên lề Hội nghị chung của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ), Tổng thư ký António Guterres cho biết: “Tình hình đã rất cấp bách. Tình trạng mất an ninh và bất ổn chính trị ở Sahel tiếp tục làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo vốn đã nghiêm trọng. Ở một số khu vực, nhà nước đã mất mọi quyền tiếp cận dân cư. Các nhóm vũ trang phi nhà nước đang củng cố sự nắm giữ thảm hại của họ trong khu vực và thậm chí đang tìm cách mở rộng sự hiện diện của họ sang các quốc gia ở Vịnh Guinea”.
Ông Guterres cũng nhận thấy rằng bạo lực bừa bãi tiếp tục giết chết và làm bị thương hàng ngàn thường dân vô tội, buộc hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa của họ, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em phải gánh chịu gánh nặng của bất an, bạo lực và bất bình đẳng ngày càng gia tăng.
Hai mẹ con phải di dời ở Niger do cuộc xung đột ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực trung tâm của Sahel. (Ảnh: UN) |
Vi phạm nhân quyền nghiêm trọng
Tổng thư ký Liên hợp quốc hết sức lo ngại trước các báo cáo về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của các nhóm vũ trang không thuộc Nhà nước gây ra.
Ngoài ra, khu vực Sahel cũng đang phải hứng chịu sự tàn phá của biến đổi khí hậu, tiếp tục xói mòn đất và thoát nước, góp phần gây ra mất an ninh lương thực nghiêm trọng và làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa nông dân và người chăn nuôi.
Điều này là chưa tính đến mối đe dọa của một cuộc khủng hoảng nợ có hệ thống sẽ gây ra hậu quả trên toàn lục địa. Với số nợ đôi khi vượt quá 3/4 GDP, ngày càng nhiều quốc gia trong khu vực buộc phải chuyển nguồn vốn để trả nợ với chi phí là các dịch vụ thiết yếu cho người dân.
Trong bối cảnh đó, ông Guterres cho rằng cần phải “thay đổi cách thức báo cáo tài chính của thế giới”, vốn ngày nay hoàn toàn đi ngược lại lợi ích của các nước đang phát triển. “Hôm nay, tôi kêu gọi những nỗ lực tập thể đổi mới để thúc đẩy quản trị dân chủ và khôi phục trật tự hiến pháp trên toàn khu vực. Pháp quyền và tôn trọng đầy đủ các quyền con người là điều cần thiết để đảm bảo an ninh và phát triển bền vững” – người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi.
Cần động lực thúc đẩy của toàn thế giới
Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, cuộc khủng hoảng an ninh ở Sahel là một mối đe dọa toàn cầu. Nếu không làm gì, tác động của chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực và tội phạm có tổ chức sẽ vượt xa khu vực và lục địa châu Phi.
Trong bối cảnh đó, ngoài những nỗ lực hiện có, Tổng thư ký Liên hợp quốc cho rằng cần phải xem xét lại cách tiếp cận tập thể và sáng tạo.
Tháng 12 năm ngoái, Liên minh châu Phi và Liên hợp quốc đã cam kết hợp tác cùng nhau, song song với Cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và G5 Sahel, tổ chức tập hợp 5 quốc gia Sahel, để cải thiện hành động chung về an ninh, quản trị và phát triển.
Đối với Mali, ông Guterres cho rằng cần có các giải pháp mới trước những thay đổi đã xảy ra ở đất nước này và những thách thức vẫn tồn tại bất chấp nhiều nỗ lực của tập thể. Theo yêu cầu của Hội đồng Bảo an, một cuộc đánh giá tổng thể về vai trò của Phái bộ Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) đang được tiến hành, ông lưu ý và nói thêm rằng sẽ đưa ra các đề xuất về hiệu quả của lực lượng này trong những tháng tới.
Tổng thư ký Liên hợp quốc khẳng định tổ chức này sẵn sàng hành động cùng với khu vực Sahel trong tinh thần khẩn trương và đoàn kết, để đạt được một Sahel hòa bình, ổn định và thịnh vượng./.