Lấy phiếu tín nhiệm đối với 29 chức danh do HĐND tỉnh bầu
(ĐCSVN) - Đây là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình làm việc của HĐND tỉnh Hà Giang tại Kỳ họp thứ 13, diễn ra ngày 12/10. Theo đồng chí Thào Hồng Sơn, Chủ tịch HĐND tỉnh, đây là lần lấy phiếu tín nhiệm duy nhất của HĐND tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 và là nội dung giám sát quan trọng của HĐND tỉnh.
Đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại Kỳ họp. (Ảnh: Thu Phương) |
Kỳ họp thứ 13 (chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XVIII đã biểu quyết thông qua 13 Nghị quyết quan trọng liên quan đến việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia; đầu tư công; tài chính - ngân sách; biên chế công chức, số lượng người làm việc và hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức đặc thù…
Các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hoàng Văn Vịnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Kỳ họp.
Dự Kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh uỷ; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các Ban Đảng Trung ương phụ trách, theo dõi địa bàn tỉnh Hà Giang; Thường trực UBND, UBMTQ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng các cá nhân được kiện toàn chức danh tại Kỳ họp. (Ảnh: Thu Phương) |
Lấy phiếu tín nhiệm đối với 29 chức danh do HĐND tỉnh bầu
Theo đồng chí Thào Hồng Sơn, Chủ tịch HĐND tỉnh, đây là lần lấy phiếu tín nhiệm duy nhất của HĐND tỉnh Hà Giang khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 và là nội dung giám sát quan trọng của HĐND tỉnh. Nội dung này được tổ chức để kịp thời triển khai Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23/6/2023 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc lấy phiếu tín nhiệm, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu kiên quyết không để xảy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết.
Tại Kỳ họp, việc lấy phiếu tín nhiệm diễn ra công khai, dân chủ, khách quan, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND tỉnh. Các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm và biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang bầu nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, 29 người được lấy phiếu tín nhiệm đều đạt kết quả cao từ 60% đến 98% tổng số phiếu.
Kỳ họp cũng đã tiến hành kiện toàn các chức danh của HĐND, UBND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong đó, miễn nhiệm chức danh Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh đối với đồng chí Bùi Quang Trí (do chuyển công tác), bầu bổ sung chức danh Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh đối với đồng chí Hùng Thị Giang, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh; cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh đối với đồng chí Trần Đại Thắng, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (do chuyển công tác); bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh đối với đồng chí Triệu Tài Phong, Giám đốc Sở Công thương và đồng chí Đinh Thế Mạnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Tháo gỡ nút thắt về giải ngân nguồn vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
Tại Kỳ họp, HĐND tỉnh đã nghe dự thảo các Nghị quyết liên quan đến việc triển khai tổ chức thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó có các nội dung như: phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định, điều chỉnh danh mục dự án đầu tư công trung hạn và hằng năm sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia phân bổ cho các huyện, thành phố giai đoạn 2021-2025; phê duyệt danh sách 48 thôn của 31 xã trên địa bàn 9 huyện thuộc đối tượng đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa cơ sở hạ tầng thực hiện Tiểu dự án 1 của dự án 9, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Về mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021-2025: Đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn, NSNN hỗ trợ tối đa 100% tổng mức đầu tư/một dự án. Đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn xã, thôn (trừ các xã, thôn đặc biệt khó khăn) thuộc các huyện nghèo: NSNN hỗ trợ tối đa 80% tổng mức đầu tư/một dự án, phần còn lại do người dân đóng góp và từ nguồn vốn huy động hợp pháp khác tại địa phương (trừ NSNN). Đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn xã, thôn (trừ các xã, thôn đặc biệt khó khăn) thuộc các huyện nghèo, NSNN hỗ trợ tối đa 70% tổng mức đầu tư/một dự án, phần còn lại do người dân đóng góp và từ nguồn vốn huy động hợp pháp khác tại địa phương (trừ NSNN)…
Các đại biểu biểu quyết bằng máy tính bảng thông qua các nghị quyết trình tại Kỳ họp. (Ảnh: Thu Phương) |
Qua xem xét, thảo luận và đóng góp ý kiến, HĐND đã thống nhất biểu quyết thông qua 7 nghị quyết liên qua đến nội dung này, qua đó tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện, góp phần tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn về giải ngân nguồn vốn trong quá trình triển khai. Cụ thể gồm các Nghị quyết: Quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021-2025; Phân cấp thẩm quyền quyết định, điều chỉnh danh mục dự án đầu tư công trung hạn và hàng năm sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; Phân bổ, điều chỉnh vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 để thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 9, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2023; Quy định nội dung hỗ trợ; mẫu hồ sơ; trình tự, thủ tục, tiêu chí lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Phê duyệt thôn thuộc đối tượng đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa cơ sở hạ tầng thực hiện Tiểu dự án 1 của dự án 9, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021- 2025;…
Cũng tại Kỳ họp, HĐND tỉnh thông qua 3 nghị quyết về phê duyệt biên chế công chức, số lượng người làm việc và hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức đặc thù và số lượng hợp đồng lao động thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế của tỉnh năm 2023; 2 nghị quyết về đầu tư công; Nghị quyết Quy định một số định mức xây dựng dự toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, đồng chí Thào Hồng Sơn Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Các nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp này đã bám sát chủ trương của Tỉnh ủy, tiếp tục cụ thể hóa các văn bản của Trung ương vào điều kiện thực tế của địa phương để kịp thời triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh năm 2023 và những năm tiếp theo.
Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các cấp, ngành tiếp tục bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, chủ trương của Tỉnh ủy, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra trong năm 2023. Đối với các Nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua, ngay sau Kỳ họp, đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo các nghị quyết đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực, nhất là việc triển khai các Nghị quyết của HĐND tỉnh thực hiện 03 chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi./.