Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lập tổ chức thẩm định giá đất độc lập, ngăn ngừa lợi ích nhóm

Thứ Năm, 09/03/2023 16:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Hiệu quả của việc tách bạch mục đích thu hồi đất, lập tổ chức chuyên nghiệp, độc lập về định giá đất không chỉ giúp cho việc thu hồi đất thuận lợi mà còn là giải pháp tích cực phòng ngừa, ngăn chặn lợi ích nhóm trong thu hồi đất...

Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội nghị về việc lấy ý kiến cho dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) do Hội bảo trợ tư pháp tổ chức, ngày 9/3.

Theo ông Bùi Văn Phòng, Trung tâm tư vấn pháp luật và Bảo trợ tư pháp cho người nghèo tỉnh Thái Bình, khiếu kiện về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã và đang diễn ra gay gắt, phức tạp, việc thu hồi đất gặp nhiều khó khăn làm cho việc triển khai dự án phát triển kinh tế xã hội không đảm bảo.

Nguyên nhân chủ yếu là việc thu hồi đất không thực hiện công khai, khách quan, dân chủ, người dân không được biết quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; mục đích thu hồi đất nhập nhèm; giá đền bù thấp, phương án tái định cư, hỗ trợ người dân khi bị thu hồi không rõ ràng minh bạch.

Ông chỉ ra, căn nguyên dẫn đến tình trạng khiếu kiện là do có sự “vênh” giữa Luật và Nghị định, dẫn đến hậu quả là người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp nhưng không được đền bù đất có cùng mục đích sử dụng hoặc nếu không có đất thì được đền bù bằng tiền.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: TH. 

Từ thực trạng trên, ông Bùi Văn Phòng kiến nghị: Luật sửa đổi cần tách bạch rõ nội hàm về 3 mục đích thu hồi đất: Cụ thể, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia công cộng; thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế-xã hội; thu hồi đất giao cho nhà đầu tư phân lô, bán nền. Trên cơ sở tách bạch, làm rõ mục đích thu hồi đất nói trên, nhà nước xây dựng đơn giá đền bù hợp với mục dích thu hồi, người dân dễ dàng chấp nhận và khắc  phục cơ bản lợi ích nhóm trong thu hồi đất.

Ngoài ra, theo ông Phòng, cần thành lập tổ chức chuyên nghiệp, độc lập về định giá đất. Theo đó, dự thảo Luật nên quy định việc thành lập tổ chức tư vấn định giá đất chuyên nghiệp trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Tổ chức này độc lập hoàn toàn, không phụ thuộc vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có đất.

"Hiệu quả của việc tách bạch mục đích thu hồi đất, lập tổ chức chuyên nghiệp, độc lập về định giá đất không chỉ giúp cho việc thu hồi đất thuận lợi mà còn là giải pháp tích cực phòng ngừa, ngăn chặn lợi ích nhóm trong thu hồi đất", ông Bùi Văn Phòng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Tuyết, Trưởng phòng, Kiểm sát viên cao cấp Viện KSNDTC kiến nghị Nhà nước cần bổ sung thêm quy định về việc giao cho tổ chức thẩm định độc lập, tiến hành thẩm định giá đất thị trường, bảo đảm tính khách quan và công bố khi lấy kiến người dân về việc thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường tái định cư.

Bà Tuyết bày tỏ đồng tình với nội dung xác định giá đất theo giá thị trường tại thời điểm thu hồi đất được đưa ra trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), điều này sẽ góp phần tạo sự đồng thuận giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Một số ý kiến cho rằng, Nhà nước cần bổ sung thêm quy định về việc giao cho tổ chức thẩm định độc lập, tiến hành thẩm định giá đất thị trường, bảo đảm tính khách quan và công bố khi lấy kiến người dân về việc thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường tái định cư.

Tiến sỹ Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam chỉ ra, quá trình thực hiện tách sổ, tách hộ đã gặp vướng mắc, nhiều hộ gia đình cha mẹ trao quyền thừa kế về đất đai cho các con, có trường hợp đất ở chia cho 3-4 người con thì diện tích đất ở quá nhỏ không đủ điều kiện làm sổ đỏ. Do vậy, đề nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nên có quy định phù hợp đối với diện tích đất thổ cư tối đa được sở hữu cho một hộ gia đình.

Liên quan đến cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản gắn liền với đất, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, dự thảo Luật nên quy định theo hướng: Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận bao gồm nhà ở, công trình xây dựng không phải là nhà ở, rừng sản xuất là rừng trồng và cây lâu năm có tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận. Trường hợp sau khi cấp Giấy chứng nhận mà tài sản bị tiêu hủy, phá dỡ thì việc chứng nhận quyền sở hữu tài sản không còn hiệu lực pháp lý; đồng thời phải thực hiện đăng ký biến động./.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN