Lành mạnh hóa thị trường âm nhạc
(ĐCSVN) - Thưởng thức các tác phẩm âm nhạc là nhu cầu chính đáng của công chúng. Tuy nhiên, việc xuất hiện các sản phẩm âm nhạc có tính chất phản cảm, dung tục đã đặt ra yêu cầu sớm lành mạnh hóa thị trường âm nhạc hiện nay để các tác phẩm âm nhạc thực sự “đi cùng năm tháng” gắn với những giá trị nhân văn, chân, thiện, mỹ.
Thời gian qua, nhiều ý kiến dư luận bày tỏ sự lo lắng khi xuất hiện những sản phẩm âm nhạc, nhiều ca khúc có nội dung phản cảm, dung tục, đi ngược lại các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Điển hình có thể kể đến những cái tên như Bình Gold, Chi Pu… Nam rapper Bình Gold được nhắc đến thông qua những ca khúc như “Bốc bát họ”, “Ông bà già tao lo hết”, “Trơn”, “Quan hệ rộng”, “Lái máy bay”… với nội dung bị chỉ trích là nhảm nhí, dung tục.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. |
Còn nữ ca sĩ Chi Pu lại nhận được nhiều ý kiến phê phán về các MV ca nhạc như “Black Hickey” và “Sashimi”. Những sản phẩm này có hàng loạt hình ảnh gợi cảm “trên mức cần thiết”. Trong đó, “Black Hickey” (bản công bố lần đầu, hiện tuy đã được ẩn đi, song, các hình ảnh và video vẫn được chia sẻ trên mạng xã hội), được đánh giá là ca từ nông cạn, mập mờ như một bộ phim 18+ lấy bối cảnh ở các văn phòng; nhất là cảnh quay Chi Pu leo lên bàn làm việc và có nhiều động tác quyến rũ nhân vật nam. Còn với MV “Sashimi”, hình ảnh và ca từ thậm chí còn bị chỉ trích mạnh hơn. Lời bài hát của “Sashimi” với những câu: “Sashimi kimochi/ Đồ ăn phải ngon thì anh mới thèm/ Phải tươi thật tươi thì anh mới quay lại/ Cũng như tình yêu phải luôn giữ gìn cho tươi và ngon cả ngày thêm rượu mơ là anh chết ngay” cùng những vũ đạo gợi hình tượng phản cảm.
Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện những sản phẩm âm nhạc vấp phải sự lên án từ phía dư luận. Thậm chí, các những ca khúc nhạc chế nhảm nhí còn được lên sóng gameshow truyền hình: “Nobita luôn ăn hiếp bạn bè/ Nobita thầm yêu Xuka hái hoa hồng tặng cho Chaien/ Nếu Chaien bằng lòng lấy Nobita làm chồng/ Thì một năm sau Nobito chào đời”… Cách đây chưa lâu, người hâm mộ đã bày tỏ sự bất bình đối với những ca khúc như bản rap “Censored” của rapper Chị Cả có những ca từ dung tục về quan hệ bố chồng - nàng dâu, hay ca khúc “Theres no one at all” của Sơn Tùng M-TP với những nội dung mang thông điệp tiêu cực, không có tính giáo dục cùng nhiều cảnh đuổi bắt, đập phá, bạo lực và kết thúc là hình ảnh nhân vật tự tìm đến cái chết…
Nhiều chuyên gia cho rằng, điểm chung của các sản phẩm âm nhạc nói trên đó là nội dung ca từ vô nghĩa, nhảm nhí, thậm chí còn dung tục; các cảnh quay tiêu cực, thường là lạm dụng yếu tố hình thể của nữ ca sĩ hay các nhân vật nữ mặc đồ hở hang với những động tác phản cảm. Do đó, các sản phẩm này sẽ tác động trực tiếp đến tâm lý, thị hiếu của khán giả; dễ gây ảnh hưởng, định hướng hành vi tiêu cực của xã hội, đặc biệt là đối với giới trẻ và trẻ em. Nếu như trước đây, chúng ta đã quen với hình ảnh các em nhỏ ngân nga câu hát với giai điệu gần gũi, ca từ ý nghĩa,... thì nay, nhiều bạn trẻ lại tìm đến những bài hát sáo rỗng phản cảm như: “Ông bà già tao lo hết”, “Mượn xe nhớ đổ xăng”,... Không ít trường hợp, những vụ án thương tâm với nạn nhân là trẻ em có nguyên nhân là do các em bị tác động bởi những suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực từ các sản phẩm âm nhạc không phù hợp, thiếu tính giáo dục. Những sản phẩm âm nhạc dung tục, phản cảm, những ca khúc “nhạc rác” vì vậy luôn tiềm ẩn những nguy cơ tiêu cực rất lớn đối với khán giả, nhất là khán giả trẻ tuổi và trẻ em.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm phản đối và nhắn nhủ các nhạc sĩ trẻ không nên nổi tiếng bằng những thứ dung tục, phi nghệ thuật: “Tôi cực lực phản đối điều này vì nghệ thuật không chấp nhận những thứ mang tính dung tục và hàm ý tục tĩu, không giúp người ta thấy được cái hay, cái đẹp của tiếng Việt thì không nên. Theo tôi, nên tỉnh táo, nên để mọi người biết đến mình bằng tài năng chứ không phải bằng việc dùng những thứ dung tục”, Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh nhấn mạnh.
Đồng chí Phạm Cao Thái, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: PV. |
Tiếp cận từ góc độ quản lý Nhà nước, đồng chí Phạm Cao Thái, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: "Tất cả MV có nội dung dung tục, phản cảm đều phải chịu xử lý theo đúng quy định pháp luật, cụ thể là Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, quảng cáo".
Thực tế, năm 2021, rapper Chị Cả bị xử phạt 45 triệu đồng vì bản ráp “Censored”; nhóm Rap Nhà Làm bị phạt 45 triệu đồng vì có hành vi lưu hành sản phẩm có nội dung xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; Sơn Tùng M-TP bị xử phạt 70 triệu đồng và phải gỡ video ca khúc “Theres no one at all” khỏi các nền tảng số… Tuy nhiên, trước sự gia tăng của các sản phẩm mang tính chất “nhạc rác”, dư luận cho rằng cơ quan chức năng cần có những biện pháp xử lý kiên quyết, nghiêm khắc hơn. Bởi mức phạt cho các hành vi vi phạm đều được quy định rất rõ. Tuy nhiên, khi cơ quan quản lý đã quyết định xử phạt theo đúng quy định, tình trạng này vẫn liên tiếp xảy ra. Do vậy, bên cạnh xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hiện hành, nên chăng cơ quan quản lý cần nghiên cứu, đưa ra những chế tài mạnh hơn để tăng tính chất răn đe. Có thể cấm biểu diễn, cấm tham gia các hoạt động nghệ thuật đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm nhiều lần hoặc vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến các sản phẩm âm nhạc phản cảm, dung tục.
Bên cạnh đó, để lành mạnh hóa thị trường âm nhạc, cần kiên quyết loại bỏ loại ca khúc dung tục, phản cảm trên cơ sở sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan quản lý trong việc siết chặt hoạt động phổ biến, phát tán sản phẩm âm nhạc lên các nền tảng mạng xã hội; tăng cường sử dụng các biện pháp về công nghệ để phát hiện, ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm vi phạm trên mạng xã hội…
Đồng thời cần phát huy vai trò quan trọng của công chúng, khán giả với tư cách là đối tượng thụ hưởng, lực lượng trực tiếp tiếp nhận và cảm thụ các sản phẩm âm nhạc. Bởi suy đến cùng, công chúng là đối tượng mà các ca sĩ, nhạc sĩ hướng đến thông qua các ca khúc, nhạc phẩm của họ. Do đó, cùng với biện pháp của cơ quan quản lý, công chúng chính là người giám sát hiệu quả nhất. Mỗi khán giả vì thế cần tự trang bị cho mình "bộ lọc" cần thiết bằng cách lựa chọn những ca khúc lành mạnh; có thái độ dứt khoát, lên án, tẩy chay, kiên quyết “nói không” với “nhạc rác” hay các sản phẩm âm nhạc dung tục với ca từ cổ vũ lối sống lệch lạc. Sự tẩy chay của công chúng là hình phạt nặng nhất đối với những nghệ sĩ tạo ra các sản phẩm âm nhạc thiếu phản cảm.
Đặc biệt đối với các ca sĩ, nhạc sĩ cần xác định cho mình xu hướng âm nhạc lành mạnh, có tính giáo dục trên cơ sở quá trình tự trau dồi, nỗ lực, tự chịu trách nhiệm với sản phẩm âm nhạc, uy tín âm nhạc của mình. Bởi những tác phẩm “nhạc rác” sớm muộn cũng sẽ bị đào thải; tên tuổi, sự nghiệp nghệ thuật của người nghệ sĩ chỉ có thể được xây dựng từ những tác phẩm nghệ thuật chân chính, phù hợp với giá trị chân, thiện, mỹ chứ không phải những ca khúc, MV chạy theo thị hiếu tiêu cực dễ dãi./.