Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lành mạnh hóa bộ máy hành chính

Thứ Hai, 31/10/2016 10:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Một cấp chính quyền tốt hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào cách làm việc và năng lực của công chức chính quyền ấy. Do vậy, để lành mạnh hóa bộ máy hành chính, xây dựng bộ máy hành chính hiệu quả cần bắt đầu từ chính đội ngũ công chức.

Ảnh minh họa. Nguồn: laodong.com.vn

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “xây dựng một nhà nước ít tốn kém”; “xây dựng một nền hành chính gần dân, vì dân và gọn nhẹ”. Từ những nguyên tắc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng đổi mới nền hành chính theo hướng tăng cường tính chất “nhân dân”, có đạo đức cách mạng và kỹ năng hành chính cao.

Soi vào nguyên tắc xây dựng bộ máy nhà nước gọn nhẹ, ít tốn kém của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì chuyện có tới 30% công chức (tương đương 700.000 người) không làm được việc như công bố của Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi tại Hội thảo “Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương” hay chuyện cơ quan toàn sếp như ở Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương thật đáng để suy ngẫm.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 46 người trong biên chế nhưng có tới 44 người làm sếp từ Phó trưởng phòng trở lên; còn cả nước có 700.000 công chức không làm được việc nhưng tiêu tốn ngân sách hàng năm tới 17.000 tỷ đồng.

Chuyện công chức không làm được việc, sếp đông hơn nhân viên không còn mới mẻ nhưng cứ mỗi lần nhắc tới là dư luận lại nóng lên, bởi nó liên quan tới đồng tiền thuế của dân, tới nợ công quốc gia và liên quan ngay cả tới chất lượng giải quyết thủ tục hành chính mà người dân đang bị… "hành là chính". Người dân phải nuôi không ít công chức không làm được việc nhưng mỗi khi có việc đến gặp cơ quan công quyền, chính những công chức đó lại phiền hà, sách nhiễu họ.

Bên cạnh tiêu tốn ngân sách, những công chức năng lực kém còn cản trở và xí chỗ của người có năng lực, tạo ra môi trường hành chính trì trệ. Thậm chí, không ít công chức ngồi xí chỗ trong bộ máy để tạo quan hệ phục vụ cho những sân sau, như doanh nghiệp, văn phòng này nọ hoặc tạo quan hệ làm ăn cá nhân… Đó là kiểu lợi dụng công quyền phục vụ cho lợi ích cá nhân, cho lợi ích nhóm, lẽ ra không được tồn tại như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Mọi chính sách, việc làm của cán bộ, công chức đều phải vì lợi ích chung của nhân dân, không để lợi ích nhóm chi phối”.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thành lập các tổ công tác để kiểm tra, rà soát các nhiệm vụ mà Thủ tướng giao cho các bộ ngành, rà soát lại các thủ tục, những gì khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp để đề nghị Quốc hội gỡ bỏ. Thậm chí Thủ tướng còn khẳng định sẽ kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những công chức làm việc cầm chừng, sách nhiễu dân…  và yêu cầu “bộ máy hành chính từ Trung ương đến cơ sở tập trung toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp chung của đất nước”.

Nhìn vào yêu cầu của Thủ tướng và những nỗ lực cải cách hành chính thời gian qua, có thể thấy Trung ương đã tạo cơ hội thuận lợi hơn nhiều cho doanh nghiệp nhưng vấn đề là ở bên dưới công chức có thực hiện hay không? Bởi một chính quyền tốt hay xấu, phụ thuộc rất nhiều vào cách làm việc và năng lực của giới công chức. Chính người công chức sẽ làm tốt hoặc làm hư chính sách của Nhà nước, đặc biệt là khi công chức có quyền tự quyết định nhưng không phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình, hoặc chế tài với công chức còn lỏng lẻo.

Theo GS. TSKH Nguyễn Văn Thâm - Học viện Hành chính Quốc gia, để xây dựng được một đội ngũ công chức phù hợp với yêu cầu quản lý nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, cần chuyển nền công vụ chức nghiệp sang một nền công vụ theo việc làm. Theo đó,  thay vì tuyển vào "ngạch, bậc" và làm bất cứ công việc gì được giao như trong mô hình chức nghiệp hiện nay, hãy tuyển người thực sự có năng lực phù hợp vào các vị trí còn trống của một công việc nhất định. Chế độ công vụ theo việc làm này cho phép các cơ quan nhà nước dễ dàng thay đổi vị trí công tác của công chức theo yêu cầu công việc dựa theo năng lực thực tế của chính công chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dạy: vì việc mà tìm người chứ không vì người mà đặt việc.

Đất nước đang trong thời kỳ đổi mới, công vụ phải phản ánh được yêu cầu của hoạt động quản lý nhà nước trong cơ chế thị trường và phục vụ tốt cho quá trình hội nhập. Đội ngũ công chức dù muốn hay không, vẫn chịu tác động của cơ chế thị trường và nhà nước không nên quản lý họ theo kiểu cũ. Quan hệ giữa người lao động (công chức) và người sử dụng lao động (nhà nước) trong nền kinh tế thị trường cần được tự xác lập thông qua các quyết định độc lập. Theo đó, người lao động và người sử dụng lao động có sự tự do rất lớn trong việc quyết định bắt đầu, thay đổi hoặc chấm dứt mối quan hệ này. Chứ không phải chỉ có vào công chức mà không có ra. Ngược lại, với công chức, họ cũng có quyền đòi hỏi cơ chế đánh giá và trả lương công bằng, đúng giá trị lao động trong tương quan với giá trị lao động của các ngành khác. Nếu không, sẽ dẫn đến triệt tiêu động lực để công chức làm việc và lúc đó hiệu quả sử dụng công chức sẽ rất thấp.

Do vậy, tinh giảm biên chế gắn với cải cách tiền lương là cần thiết. Chú trọng đổi mới công tác tuyển chọn, sử dụng, đánh giá cán bộ công chức, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ làm tiêu chí để thực hiện chính sách cán bộ là hướng đi phù hợp với nền hành chính phục vụ trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, sẽ lành mạnh hóa nền hành chính và tạo ra được một hệ thống giá trị mà mọi người, kể cả người dân và công chức đều theo đuổi./.

An Luých

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN