Làng Hy Vọng - Mái nhà chung của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Đà Nẵng
(ĐCSVN) – Làng Hy Vọng là mái nhà chung của 122 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt đến từ thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Nơi đây, các em được sống, sinh hoạt, học tập và vui chơi trong môi trường đầy ắp tình yêu thương và sự sẻ chia. Từ đây, nhiều em đã trưởng thành và không ít em đã quay lại, trở thành những “bảo mẫu” tiếp tục dìu dắt, dạy dỗ các em nhỏ khác…
Đó là khẳng định của thầy Phan Thanh Vinh, Giám đốc Làng Hy Vọng Đà Nẵng, khi chia sẻ với chúng tôi về ngôi làng khá đặc biệt này. “Nói là Làng nhưng thực chất mô hình hoạt động là một trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt. Vì thế, thời điểm mới thành lập cách đây hơn 30 năm, Làng Hy Vọng có tên là Trung tâm nuôi dạy trẻ em khó khăn, thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, sau đó từ năm 1997 là Sở LĐTB&XH thành phố Đà Nẵng. Đến năm 2012, Trung tâm tách khỏi Sở LĐTB&XH Thành phố để trở thành một đơn vị thuộc Hội Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng” - thầy Phan Thanh Vinh cho biết thêm.
Hoạt động học tập, vui chơi của các em nhỏ tại Làng Hy Vọng Đà Nẵng. |
Theo thầy Vinh, từ khi thành lập đến nay (năm 1993), Làng Hy Vọng được thành phố Đà Nẵng (trước là tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng) bố trí tại địa chỉ số 209 đường Dũng Sỹ Thanh Khê, thuộc quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Làng đã đón nhận, chăm sóc và nuôi dạy nhiều thế hệ các em có hoàn cảnh đặc biệt là trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, trẻ mồ côi “một bề” (không còn mẹ hoặc không còn cha) có ông bà già yếu, bệnh tật không nuôi được, trẻ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn (được chính quyền địa phương xác nhận là hộ nghèo). Trong số này, nhiều em là trẻ khuyết tật. Các em khi được đón nhận vào Làng đều cần được chăm sóc, dạy dỗ chu đáo để phần nào bù đắp những thiệt thòi mà các em phải gánh chịu, đồng thời giúp các em biết đọc, biết viết, học nghề hoặc học văn hoá cao hơn để ra đời lập thân, lập nghiệp.
“Trong hơn 30 năm qua, hơn 800 em ra trường, trưởng thành và hầu hết đều có gia đình, công việc ổn định. Trong đó, hiện có nhiều em đi du học và sống, làm việc ở nước ngoài (tại Mỹ có 4 em, tại Australia có 4 em, tại Nhật Bản có 14 em). Nhiều em tham gia Câu lạc bộ “Cựu học sinh Làng Hy Vọng” (hiện có hơn 130 hội viên). Chính các hội viên này là những người có nhiều hỗ trợ, xây dựng mối quan hệ và kêu gọi các tổ chức, cá nhân đến chia sẻ, hỗ trợ để Làng có kinh phí sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ dạy và học, cũng như chăm lo cho các em nhỏ của Làng ăn học, sinh hoạt, vui chơi… Đặc biệt, đến nay đã có 4 em quay lại làm việc tại Làng, tiếp tục chăm sóc, giáo dục các trẻ nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt tại đây”- Giám đốc Làng Hy Vọng Phan Thanh Vinh cho biết và bày tỏ tự hào: “Đây thực sự là tài sản rất quý mà những người thầy, người bảo mẫu của chúng tôi không uổng công sức bỏ ra trong chặng đường hơn 30 năm qua”.
Thầy Vinh tự hào giới thiệu Làng Hy Vọng Đà Nẵng đã 3 lần được Chủ tịch nước, Quyền Chủ tịch nước đến thăm và nhận những món quà do chính tay các em nhỏ khuyết tật của Làng vẽ, thêu tặng. |
Trong số 122 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt được đón nhận nuôi dưỡng tại Làng Hy Vọng, có 67 bé gái, đặc biệt có 34 em bị khiếm thính, em nhỏ nhất là 6 tuổi. Tại Làng, các em được chăm sóc về sức khỏe, được chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ. Các em được học tập tại các trường công lập trên địa bàn quận Thanh Khê. Nhiều em có thành tích tốt, được nhận học bổng từ các tổ chức quốc tế để ra nước ngoài học tập... Nếu là trẻ khuyết tật, các em được học tại Làng (các lớp ngôn ngữ ký hiệu) đến hết lớp 5, sau đó sẽ được học một số nghề như: may thêu, mộc, sửa xe máy, sử máy vi tính, làm bánh mì… tại các cơ sở, trung tâm dạy nghề. Sau đó, Làng ký kết với các cơ sở sản xuất nhận các em vào làm việc, giúp các em có thu nhập và cuộc sống ổn định. Ban Giám đốc của Làng nhiều lần còn đại diện gia đình để tổ chức đám cưới cho các em...
Thầy Vinh và em Hồ Thị Hiền, trước là trẻ mồ côi được Làng nhận nuôi, nay trưởng thành và quay lại làm bảo mẫu của Làng để tiếp tục chăm sóc, nuôi dạy các cháu nhỏ. |
Thầy Phan Thanh Vinh cho biết: Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, chính sự đóng góp, tài trợ của các mạnh thường quân, các nhà tài trợ là cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp nuôi dạy các em thành người, đưa Làng ngày càng phát triển về quy mô và địa bàn hoạt động, đem lại cơ hội học tập, vui chơi, bình đẳng cho nhiều em mồ côi, khuyết tật, tạo cơ hội tiếp cận học vấn, hướng nghiệp và lập nghiệp cho các em.
Cũng theo thầy Vinh, Làng sẵn sàng đón nhận mọi sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các tấm lòng hảo tâm, các mạnh thường quân là các tổ chức trong nước và quốc tế cũng như mọi cá nhân. “Có thể là gạo, muối, thức ăn hay các vật dụng dạy và học như bàn học, phòng học, máy tính đến tiền mặt và ngày công… Dù ít hay nhiều, giá trị lớn hay nhỏ, chúng tôi đều đón nhận, cảm ơn sâu sắc và sử dụng hiệu quả, trước hết là đảm bảo bữa ăn, giấc ngủ, các sinh hoạt và hoạt động học tập, vui chơi của các em” - Giám đốc Làng Hy Vọng Đà Nẵng cho hay.
Một số hoạt động từ thiện giúp đỡ, đồng hành với Làng Hy Vọng của các tổ chức, cá nhân. |
Từ năm 1996 đến nay, Hội Phụ nữ Dân chủ Nhật Bản là tổ chức hỗ trợ hoạt động của Làng với nguồn kinh phí khoảng 400 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, với mức hỗ trợ này, hiện Làng còn gặp rất nhiều khó khăn do không đủ kinh phí chăm lo cho các em nhỏ cũng như chi trả tiền lương cho 20 cán bộ, nhân viên, bảo mẫu đang làm việc tại đây. “Đây đang là một thử thách lớn đối với Ban Giám đốc Làng cũng như lãnh đạo Hội Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh Thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, với tình thương và trách nhiệm của những “người cha”, “người mẹ” thứ hai, chúng tôi vẫn đứng vững để tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu” - thầy Phan Thanh Vinh chia sẻ, đồng thời bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Làng, trong đó đặc biệt là tháo gỡ khó khăn về nhà ở để giúp các cán bộ, nhân viên làm việc tại Làng ổn định cuộc sống, yên tâm công tác./.