TP Thủ Đức quyết tâm bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân trong tháng 12
(ĐCSVN) - TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) quyết tâm đến giữa tháng 12 sẽ tiến hành chi tiền bồi thường giải phóng mặt bằng dự án Đường Vành đai 2 cho người dân, với tổng số tiền khoảng 7.500 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP HCM cung cấp thông tin về App công dân số tại buổi họp báo. (Ảnh: Hồng Phúc). |
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vào chiều 21/11, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức Võ Trí Dũng thông tin, TP Thủ Đức quyết tâm đến giữa tháng 12 sẽ tiến hành chi tiền bồi thường giải phóng mặt bằng dự án Đường Vành đai 2 cho người dân, với tổng số tiền khoảng 7.500 tỷ đồng. Dự án Vành đai 2 ảnh hưởng tới 1.166 hộ dân, với số tiền bồi thường khoảng 7.600 tỷ đồng.
Theo đơn giá bồi thường, khu vực mặt tiền đường Phạm Văn Đồng là nơi có giá cao nhất với 111,5 triệu đồng/m2. Vị trí có giá bồi thường thấp nhất là đất trong hẻm từ 100m2 trở lên trên đường số 4, đường số 8, đường số 11 (phường Trường Thọ) với 28,3 triệu đồng/m2 ; đường số 22 (phường Phước Long B), đường 79 (phường Phước Long B) có giá hơn 26,4 triệu đồng/m2.
Ông Nguyễn Đức Chung - Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh cho biết, đội ngũ kỹ sư, chuyên viên của Trung tâm Chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh (thuộc UBND TP Hồ Chí Minh) phối hợp các đơn vị liên quan đã phát triển ứng dụng "Công dân số TP Hồ Chí Minh" (App Công dân số), vừa ra mắt vào tháng 11/2024.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, người dân có thể nắm bắt kết quả các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh giải quyết sự việc, sự vụ mà mình phản ánh qua App Công dân số một cách trực tiếp, nhanh nhất có thể. Ngoài ra, người dân cũng có thể tra cứu thủ tục hành chính, tra cứu hồ sơ hành chính và nắm bắt tình trạng giải quyết hồ sơ hành chính ở tất cả lĩnh vực.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Trần Minh Tuấn - Phó Trưởng Phòng Phòng Bưu chính viễn thông thuộc Sở Thông tin và Truyền Thông TP Hồ Chí Minh cho biết, tính từ ngày 1/1/2024 đến nay, Cổng Thông tin 1022 đã tiếp nhận gần 64.000 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp và cơ quan, tổ chức. Đáng chú ý, các lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị, chiếu sáng, điện lực, viễn thông nhận được phản ánh nhiều nhất, với tỉ lệ 31%. Kế đến là các phản ánh, kiến nghị của người dân về tiếng ồn đô thị (18%); trật tự đô thị (11%); tra cứu thông tin xe buýt (10%) và thủ tục hành chính (30%).
Cũng theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, kết quả xử lý các phản ánh, kiến nghị đúng hạn có tỉ lệ rất cao, đạt 99,5%. Nhiều sự cố hạ tầng phức tạp, cũng được thông tin đến người dân kịp thời, đồng thời Sở ban ngành liên quan lên kế hoạch khắc phục, xử lý triệt để. Đặc biệt, các mô hình hệ thống số đã và đang trở thành "cánh tay nối dài" để lãnh đạo chính quyền TP Hồ Chí Minh theo dõi tình hình xử lý phản ánh kiến nghị. Từ đó, có chỉ đạo kịp thời để giải quyết trực tiếp, quyết liệt và đúng hẹn với các hồ sơ thủ tục hành chính và góp ý của người dân, doanh nghiệp.
Về kinh doanh hóa chất, Thượng tá Nguyễn Thăng Long - Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công An Thành phố cho biết, trong nhiều năm qua, Công an TP đã tổ chức cho 388 cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh hóa chất ký “Bản cam kết chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh hóa chất lĩnh vực công nghiệp”. Trong đó, phối hợp các ngành chức năng kiểm tra 177 cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh hóa chất; phát hiện, xử lý hành chính 14 trường hợp kinh doanh hoá chất (không liên quan đến kinh doanh, mua bán xyanua); khởi tố 6 vụ án/31 bị can về tội mua bán trái phép chất độc, thu giữ hơn 9.700kg xyanua...
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thị Minh Tâm - Trưởng phòng Kỹ thuật An toàn - Môi trường, Sở Công thương cho biết, xyanua và các hợp chất của chất độc này nằm trong danh mục hóa chất hạn chế sản xuất kinh doanh. Để được kinh doanh, các đơn vị phải được Bộ Công Thương cấp giấy phép. Sau đó, Sở Công Thương sẽ tuyên truyền, tập huấn, làm việc với các cơ sở kinh doanh.
Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 35 đơn vị được cấp giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế. Sau đợt kiểm tra của Công an TP vừa qua, Sở này cũng phát hiện các đơn vị kinh doanh vàng có sử dụng hợp chất xyanua, đặc biệt là chất kali vàng xyanua, với một lọ rất nhỏ nhưng có giá trị lớn. Việc bảo quản chưa đáp ứng điều kiện an toàn, do đó, Sở Công Thương sẽ tập huấn, tuyên truyền nội dung này trong thời gian tới./.