Lan tỏa tình người: Khôi phục 47 năm chế độ thương binh!
(ĐCSVN) – Ngày 21/2, Báo Dân trí đưa tin Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tiếp công dân tại trụ sở Bộ. Trong nhiều trường hợp giải quyết, xúc động có thương binh chưa được hưởng chế độ từ năm 1975, được Bộ trưởng chỉ đạo khôi phục 47 năm đãi ngộ. Việc làm của Bộ trưởng để lại nhiều xúc động đối với bạn đọc.
Bộ trưởng xem vết thương, động viên người thương binh chưa được hưởng chế độ từ năm 1975 yên tâm an dưỡng, giữ sức khỏe. -Ảnh: Thái Anh |
"Gia đình không phải đi đâu nữa"
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khi tiếp hai anh em ông Khúc Văn Long, Khúc Văn Ngàn đến từ Hưng Yên tại phòng tiếp công dân, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo hồ sơ ông Khúc Văn Long có chứng nhận thương binh từ tháng 9/1975 với tỷ lệ thương tật 45% nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ theo quy định.
Ông Khúc Văn Ngàn chia sẻ: “Anh tôi yếu rồi, vì bệnh tật. Gia đình tôi đã nhiều lần làm việc với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên nhưng vẫn chưa được giải quyết vì cán bộ Sở nói lỗi ở anh tôi, sao thuộc diện người có công, chính sách mà khi rời đoàn an dưỡng không lên tiếng đòi quyền lợi ngay. Đúng là anh tôi cũng có lỗi, chậm nhưng…”.
Sau khi nghe hai anh em ông Khúc Văn Long và Khúc Văn Ngàn trình bày, trong không khí thân tình đầu xuân năm mới, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, gửi lời cảm ơn và đỡ người thương binh già ngồi xuống ghế, rồi trực tiếp trao đổi với hai anh em ông Long, Ngàn. Bộ trưởng cho biết đã từng đọc hồ sơ về trường hợp của ông Khúc Văn Long và chính Ông đã yêu cầu giải quyết chế độ với người thương binh này.
“Tôi khẳng định dứt khoát phải công nhận thương binh, khôi phục chế độ với bác Khúc Văn Long trong trường hợp này. Không thể đổ lỗi cho bác Long, cho công dân được. Lỗi chủ yếu trong việc này là của các cơ quan chuyên môn, là trách nhiệm của nhà nước. Các cơ quan, trong trường hợp này, ai sai thì người đó phải chịu trách nhiệm” - Bộ trưởng tuyên bố yêu cầu khôi phục lại toàn bộ chế độ quyền lợi với thương binh Khúc Văn Long từ năm 1975 đến nay, chứ không chỉ giải quyết phụ cấp.
Bắt tay 2 hai anh em ông Khúc Văn Long và Khúc Văn Ngàn tại phòng tiếp công dân một lần nữa, kiểm chứng lại cả vết thương còn để lại sẹo dài trên nửa mái đầu bạc trắng của ông Khúc Văn Long, người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội động viên, gia đình yên tâm, giữ sức khỏe không phải đi đâu để giải quyết việc này nữa.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Tôi xin cam kết, từ thời điểm bác được xác định bị thương, được cấp thẻ thương binh sẽ phải được giải quyết chế độ từ đó. Như hồ sơ thể hiện thì bác được hưởng chế độ từ tháng 10/1975 tới giờ, gần 47 năm. Nếu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hưng Yên còn không chấp hành, giải quyết, tôi sẽ xử lý dưới Sở”.
Tiễn anh em ông Long, ông Ngàn dắt nhau rời phòng tiếp dân, Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo Thanh tra Bộ liên lạc ngay với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hưng Yên về việc này. Cuộc điện thoại nhanh của Chánh Thanh tra Bộ sau đó cho thấy, Sở cho biết cuối năm 2021 đã ra quyết định công nhận thương binh đối với ông Khúc Văn Long, hiện đang làm văn bản gửi lên Bộ đề nghị truy lĩnh chế độ cho ông Khúc Văn Long từ năm 1975 đến nay.
Người đứng đầu Bộ tâm tư: “Còn bao nhiêu những con người kêu mãi không thấu vậy? Thôi cũng mừng, đầu năm chúng ta giải quyết được chế độ với một người có công, thiệt thòi bao lâu nay như vậy”.
Sự thờ ơ vô cảm
Qua sự việc trên có thể thấy tình cảm và trách nhiệm của người đứng đầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ông đã trực tiếp tiếp công dân và lắng nghe ý kiến của họ trình bày thấu tình đạt lý và với tinh thần tôn trọng, cầu thị, chia sẻ những băn khoăn, kèm theo những bức xúc hơn 40 năm qua khiếu nại. Bộ trưởng tiếp thu đầy đủ ý kiến công dân và nhanh chóng đưa ra quyết định đúng pháp luật, hợp tình người mang giá trị nhân văn sâu sắc của chính sách. “Tôi xin cam kết, từ thời điểm bác được xác định bị thương, được cấp thẻ thương binh sẽ phải được giải quyết chế độ từ đó. Như hồ sơ thể hiện thì bác được hưởng chế độ từ tháng 10/1975 tới giờ, gần 47 năm”- Bộ trưởng khẳng định. Với trách nhiệm, quyền hạn của mình Bộ trưởng nhấn mạnh: “Nếu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hưng Yên còn không chấp hành, giải quyết, tôi sẽ xử lý dưới Sở”.
Tuy nhiên, qua sự việc này dư luận cũng băn khoăn đặt câu hỏi tại sao 47 năm qua người thương binh Khúc Văn Long chưa được hưởng chế độ. Trong khi người đứng đầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “đã từng đọc hồ sơ về trường hợp của ông Khúc Văn Long và chính ông đã yêu cầu giải quyết chế độ với người thương binh này”. Lời cảnh báo của Bộ trưởng đã phát ra tại sao các cấp không triển khai, trách nhiệm của người đứng đầu đang ở đâu? đạo đức công vụ thế nào? Bộ trưởng cho rằng: “Lỗi chủ yếu trong việc này là của các cơ quan chuyên môn, là trách nhiệm của nhà nước”.
Sự thờ ơ, vô cảm của cơ quan nhà nước và công chức trước nỗi đau của người thương binh già Khúc Văn Long, đã dày công hơn 40 năm khiếu nại quyền lợi cho mình. Chiến tranh đã lùi xa, các bác thì vẫn còn những vết thương trên cơ thể, hàng ngày vẫn phải chịu đau đớn, thế mà cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên lại giải thích “lỗi ở ông Khúc Văn Long, sao thuộc diện người có công, chính sách mà khi rời đoàn an dưỡng không lên tiếng đòi quyền lợi ngay”. Cách hành xử của cán bộ như vậy, nhất là trong việc thực hiện giải quyết chế độ người có công có vô cảm không?
Dù sao đi chăng nữa dư luận cũng gửi lời cảm ơn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có quyết định dứt khoát trong việc chỉ đạo khôi phục chế độ cho ông Khúc Văn Long - người thương binh đã dày công hơn 40 năm khiếu nại quyền lợi cho mình.
Chiến tranh đã để lại cho dân tộc Việt Nam biết bao đau khổ, hậu quả chiến tranh quá nặng nề mà chúng ta phải gánh chụi. Để xoa dịu phần nào những nỗi đau ấy Đảng và Nhà nước ta có nhiều chính sách nhân văn sâu sắc; dư luận mong rằng chính sách nhân văn ấy nhanh chóng đi vào cuộc sống, không để nỗi đau dài thêm./.