Lan tỏa thông điệp "SEA Games xanh"
(ĐCSVN) - Với công tác chuẩn bị toàn diện, chu đáo, SEA Games 31 do Việt Nam tổ chức đã khép lại. Bên cạnh những thành công về chuyên môn, nhất là những kỷ lục mới được thiết lập, SEA Games 31 còn tạo ấn tượng mạnh đối với các vận động viên, cổ động viên bởi thông điệp "SEA Games xanh", một kỳ Đại hội thể dục thể thao khu vực Đông Nam Á thực sự vì môi trường, thân thiện với môi trường.
Ngay trước thời điểm SEA Games 31 chính thức diễn ra, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã phối hợp với Tổng cục Thể dục Thể thao triển khai hàng loạt nội dung hoạt động với mục đích nâng cao nhận thức và đồng hành cùng người dân trong bảo vệ môi trường. Trọng tâm trước hết là cung cấp các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, sử dụng trong thời gian tổ chức SEA Games 31 như: Sử dụng nước giải khát, nước tinh khiết đóng lon nhôm thay cho chai nhựa (sử dụng riêng cho SEA Games 31, sản phẩm này không bán và không mang mục đích thương mại); Sử dụng túi thân thiện môi trường thay cho túi nilon khó phân huỷ (Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép hoặc tiêu chuẩn tương đương quốc tế EU); Sử dụng đồ hộp đựng thân thiện môi trường (bã mía...) thay cho hộp xốp; Sử dụng cốc, dao, thìa, dĩa, nhựa thân thiện môi trường thay cho các sản phẩm nhựa dùng một lần (phân hủy sinh học).
Ngoài công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường, các tình nguyện viên luôn tích cực tiến hành thu gom rác thải, bảo vệ môi trường sau mỗi trận đấu. (Ảnh: Nguyễn Dũng). |
Bên cạnh đó là các hoạt động truyền thông, giảm thiểu rác thải nhựa. Bộ ấn phẩm truyền thông “Giảm Nhựa Lựa Xanh tại SEA Games 31” về cách thức giảm thiểu nhựa dùng một lần được xây dựng và phát hành cùng với công tác truyền thông về Sổ tay điện tử đã góp phần lan tỏa khẩu hiệu thực hiện nguyên tắc 3T về giảm thiểu chất thải nhựa tại SEA Games 31 (Tiết giảm, Tái sử dụng, Tái chế). Hàng loạt tin bài, sản phẩm truyền đã lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về bảo vệ môi trường trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng, báo chí, mạng xã hội.
Đặc biệt, những chương trình, hoạt động thu gom rác thải đã được thực hiện với nhiều quy mô ở tất cả các địa phương tổ chức những nội dung thi đấu. Theo đó, các tình nguyện viên thường xuyên tiến hành thu gom rác và tuyên truyền về bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa tại sân vận động, khu vực thi đấu. Nhiều chương trình như: “Đổi rác lấy quà”, “Gom rác nhựa - Giành huy chương xanh” đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các vận động viên, bạn trẻ, người dân và du khách. Với việc gom chai nhựa và rác thải nhựa trên sân vận động, mỗi người sẽ được Ban Tổ chức chương trình trao tặng một chiếc “huy chương xanh” hoặc các vật dụng, quà tặng thân thiện với môi trường có in logo Sao La - biểu trưng của SEA Games 3…
Là một trong những tình nguyện viên trẻ tuổi, bạn Nguyễn Minh Hương, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Mình rất vui khi tham gia chương trình ““Gom rác nhựa - Giành huy chương xanh”. Đây là một chương trình vô cùng ý nghĩa, khi chúng ta có thể sử dụng rác nhựa để đổi lại những món quà hữu ích, đồng thời giúp cho môi trường được xanh sạch hơn. Qua chương trình này, mình cũng mong muốn lan tỏa đến bạn bè quốc tế hình ảnh của một Việt Nam xanh, sạch, đẹp”.
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc tổ chức các hoạt động vì môi trường hướng đến một kỳ “SEA Games xanh” là nhằm hạn chế, giảm thiểu sử dụng đồ nhựa một lần, túi nilon khó phân hủy trong các cuộc họp, khu vực tập luyện, tổ chức các trận thi đấu, khu vực ăn nghỉ của vận động viên, đại biểu, phóng viên báo chí và trong các hoạt động khác tại SEA Games 31.
Rất đông bạn trẻ tham gia chương trình “Gom rác nhựa - Giành huy chương xanh”. (Ảnh: Thế Nghĩa). |
Thực tế cho thấy, “môi trường xanh”, “lối sống xanh” đang là xu thế chung trên thế giới, đồng thời cũng là đòi hỏi xuất phát từ thực tiễn quá trình phát triển bền vững của nhân loại tiến bộ. Bởi lẽ, rất nhiều quốc gia đã và đang phải “trả giá” cho sự phát triển “nóng”, khai thác quá mức các loại tài nguyên thiên nhiên. Đó là sự gia tăng của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết tiêu cực, hay hàng loạt thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần… đã diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới. Bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến “lối sống xanh” vì vậy được coi là phương sách có ý nghĩa quan trọng để các quốc gia, dân tộc trong đó có Việt Nam phát triển ổn định, bền vững “chung sống hài hòa cùng tự nhiên”.
Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến nước chủ nhà buộc phải lùi thời gian tổ chức SEA Games 31 từ tháng 11/2021 sang tháng 5/2022. Vượt lên rất nhiều khó khăn, thử thách khi phải tổ chức một sự kiện thể thao lớn nhất khu vực trong bối cảnh đại dịch vừa được kiểm soát, những gì thể hiện trong thời gian qua đã cho thấy một Việt Nam mạnh mẽ, luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, một Việt Nam chủ động, kết nối và truyền cảm hứng đến các nước trong khu vực Đông Nam Á.
SEA Games 31 không chỉ truyền đi thông điệp “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”, mà còn lan tỏa hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam; lan tỏa những thông điệp bảo vệ môi trường, khuyến khích người dân, cộng đồng thay đổi nhận thức, tư duy và hành động, giúp giảm thiểu tác động của rác thải nhựa. Tuy thời gian diễn ra SEA Games 31 không dài, song thông qua những chương trình, hoạt động cụ thể, thiết thực, Đại hội thể dục thể thao khu vực Đông Nam Á lần thứ 31 đã trở thành một kỳ “SEA Games xanh” tiên phong đầu tiên trong khu vực với vai trò tích cực của nước chủ nhà Việt Nam. “SEA Games xanh” đã thêm một lần nữa cho thấy, Việt Nam thực sự là quốc gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm trong nỗ lực đóng góp ngày càng nhiều hơn để giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu; nhất là vấn đề bảo vệ môi trường, vì “tương lai xanh” của hơn 680 triệu người dân khu vực Đông Nam Á và của toàn nhân loại./.