Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lan tỏa hiệu quả phong trào khuyến học, khuyến tài

Thứ Tư, 22/12/2021 10:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, những năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài tại tỉnh Quảng Ninh đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.

 Cán bộ xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình hiếu học trên địa bàn xã. (Ảnh: LA).

Với quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh luôn nhất quán chủ trương quan tâm xây dựng phong trào xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài. Theo đó, công tác khuyến học, khuyến tài đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần tự nguyện, nhằm khơi dậy truyền thống hiếu học của quê hương; tạo nên sức mạnh tổng hợp, đẩy mạnh phong trào toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm công tác giáo dục. Trước hết, cấp ủy, chính quyền các cấp đã thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Qua đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức và tạo lên sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội trong xây dựng các mô hình học tập, xây dựng quỹ khuyến học. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh đã có 71% số gia đình, 62% số dòng họ, 82% số cộng đồng và 83% số đơn vị học tập.

Đặc biệt, bám sát đặc điểm địa bàn và nhu cầu thực tế, công tác xây dựng Quỹ Khuyến học và phong trào “Ba đỡ đầu” (đỡ đầu học sinh nghèo vượt khó, đỡ đầu học sinh giỏi thành tài, đỡ đầu học sinh khuyết tật vươn lên) của Hội Khuyến học tỉnh Quảng Ninh đã được triển khai thực hiện thường xuyên, linh hoạt. Công tác xây dựng, quản lý Quỹ Khuyến học thời gian qua đã có nhiều cách làm hay, như việc khuyến học đã được đưa vào quy ước, hương ước của thôn, làng, dòng họ... Bên cạnh Quỹ Khuyến học do các cấp Hội quản lý còn nhiều mô hình khác như Quỹ Khuyến học khu dân cư, Quỹ Khuyến học dòng họ, Quỹ Khuyến học cơ quan, Quỹ Khuyến học trường học, Quỹ Khuyến học đơn vị, một số nơi đã có Quỹ Khuyến học gia đình. Tiểu biểu là phong trào khuyến học, khuyến tài tại các địa phương như thành phố Uông Bí, thành phố Hạ Long, huyện Tiên Yên, huyện Hải Hà, thị xã Quảng Yên…

 Hội Khuyến học thành phố Uông Bí khen thưởng các tập thể tiêu biểu trong phong trào khuyến học, khuyến tài. (Ảnh: NP).

Với nhiều nội dung phong phú, sự hỗ trợ từ các Quỹ Khuyến học đã giúp cho các học sinh, sinh viên vượt khó học tốt, học sinh khuyết tật vươn lên. Nhờ thực hiện phương thức đa dạng hóa, nguồn Quỹ Khuyến học được duy trì và tăng lên hàng năm. Đến nay, tổng số Quỹ Khuyến học trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt trên 70 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong 5 năm trở lại đây, Hội Khuyến học các huyện, thị xã, thành phố ở Quảng Ninh đã vận động nhà hảo tâm hỗ trợ hơn 10.500 lượt học sinh nghèo vượt khó, trên 1.100 lượt học sinh khuyết tật; khen thưởng cho gần 5.000 lượt học sinh giỏi phát triển tài năng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã kịp thời động viên hàng nghìn học sinh nghèo, học sinh khuyết tật, học sinh giỏi cố gắng vươn lên; khơi dậy phát huy truyền thống “Tương thân tương ái”, “Thương người như thể thương thân” của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh. Em Phạm Văn Đức ở xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) chia sẻ: “Sự quan tâm của Nhà trường và Hội Khuyến học xã đã giúp em có thêm điều kiện để học tập tốt hơn để xứng đáng với truyền thống hiếu học của quê hương”.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Ninh, với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, hầu hết các chỉ tiêu khuyến học của tỉnh đều có những chuyển biến tích cực. Quảng Ninh được đánh giá là điểm sáng toàn quốc về công tác thi đua khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập. Mục tiêu đến năm 2026, Quảng Ninh phấn đấu có 50% công dân đạt danh hiệu "Công dân học tập", 80% số gia đình, dòng họ được công nhận "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập"; 80% các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh đạt danh hiệu "Đơn vị học tập"; 80% số xã, phường, thị trấn được đánh giá, xếp loại "Cộng đồng học tập cấp xã" đạt loại tốt; 20% còn lại đạt loại khá. Quảng Ninh đạt danh hiệu "Tỉnh học tập" trước năm 2025.

Để hiện thực hóa mục tiêu nói trên, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân, doanh nghiệp hiểu sâu sắc hơn về khuyến học, khuyến tài. Phát huy vai trò nòng cốt của các cấp Hội Khuyến học trong đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng xã hội, xây dựng xã hội học tập để phong trào khuyến học, khuyến tài thực sự lan tỏa sâu rộng. Chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình học tập với ba trụ cột là xây dựng "Công dân học tập", "Đơn vị học tập", "Cộng đồng học tập cấp xã", hướng tới mục tiêu xây dựng huyện, thị xã, thành phố, tỉnh học tập đảm bảo sát yêu cầu thực tế của địa phương.

Có thể thấy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác khuyến học, khuyến tài của tỉnh Quảng Ninh đã góp phần quan trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo; tạo nền tảng xã hội để phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; tạo tiền đề thuận lợi để thúc đẩy tiến trình xây dựng xã hội học tập trên địa bàn toàn tỉnh./.

Phạm Như Quỳnh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN