Làm tốt công tác truyền thông chính sách, đưa Chương trình đến từng người dân
(ĐSCVN) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, công tác truyền thông chính sách có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng, để “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm - Dân thụ hưởng”; giúp nâng cao hiệu quả chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện… Đây cũng là một chỉ đạo quan trọng trong công tác tuyên truyền Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách với chủ đề “Nhận thức - Hành động - Nguồn lực” diễn ra ngày 24/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách. Truyền thông chính sách tốt là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và mang hơi thở cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách. “Một số chủ trương chính sách đúng đắn, nếu làm truyền thông không tốt cũng khó tạo được sự đồng thuận. Thông qua truyền thông, phản ánh của dư luận về một số chính sách không phù hợp, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, tìm hiểu để kịp thời điều chỉnh, tránh gây bức xúc trong dư luận và nhân dân. Để làm tốt công tác truyền thông chính sách đòi hỏi không chỉ có quyết tâm mà phải có phương pháp, cách làm khoa học và phù hợp, thậm chí phải là nghệ thuật”, Thủ tướng phân tích.
Truyền thông chính sách đến người dân thông qua các ấn phẩm báo, tạp chí. (Ảnh: TH) |
Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN (sau đây gọi tắt là Chương trình) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/10/2021 gồm 10 dự án thành phần, đã đề ra những mục tiêu cụ thể, tập trung thực hiện các dự án theo thứ tự ưu tiên. Theo Chương trình, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; giảm 3% hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm; 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện; 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học trung học phổ thông trên 60%; trên 90% người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông; 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp; Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc...
Chương trình lần đầu tiên được thực hiện và có quy mô rất lớn. Cách làm mới của Chương trình so với các chương trình, dự án, chính sách trước là đã chuyển từ cách thức hỗ trợ theo hướng “cho không” sang hướng đầu tư, xây dựng mô hình sản xuất, tạo sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thông qua dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt dựa trên quy hoạch, kế hoạch, đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương; đồng thời ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho các hộ DTTS là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tự nguyện đăng ký tham gia dự án thông qua nhóm hộ, cộng đồng; thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; hỗ trợ cho cả người có điều kiện kinh tế để làm “đầu tàu” kéo cộng đồng. Chương trình cũng đầu tư cho các dự án bảo tồn giá trị văn hóa các DTTS gắn với phát triển du lịch và giúp người dân có thu nhập tăng thêm từ việc bảo tồn văn hóa…
Cụ thể, Chương trình tập trung vào việc giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất; giải quyết sinh kế; hỗ trợ nước sinh hoạt, công trình nước sinh hoạt; bố trí định canh, định cư, giảm di dân. Chương trình cũng sẽ đào tạo nghề, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 4 triệu hộ đồng bào DTTS và hộ dân tộc Kinh nghèo, cận nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, Chương trình có mục tiêu nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho bà con, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch như: tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; bảo tồn lễ hội,làng bản, buôn truyền thống phục vụ phát triển du lịch;; hỗ trợ đầu tư xây dựng 80 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS&MN. Ngoài ra, Chương trình cũng hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin cho khoảng 30.000 cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở; hỗ trợ, tạo điều kiện cho hơn 60.000 người có uy tín trong cộng đồng làm hạt nhân chính trị, nòng cốt ở cơ sở….
Để thực hiện được các mục tiêu trên, Chương trình có nội dung số 02: Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thuộc dự án 10: “Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình”. Đây là lần đầu tiên, công tác tuyên truyền được xác định là một trong 7 giải pháp, cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình và được bố trí nguồn vốn lớn. Điều này thể hiện quan điểm của Nhà nước về chính sách truyền thông, vận động, dùng tuyên truyền, vận động tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về công tác dân tộc, chính sách dân tộc ở vùng đồng bào DTTS; khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người DTTS, nhất là người DTTS nghèo.
Truyền thông có ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội do có khả năng tác động đến nhận thức, từ nhận thức tác động đến hành động và ứng xử của người dân. Việc đẩy mạnh truyền thông giúp các cơ quan nhà nước đưa thông tin, tư tưởng chỉ đạo của Đảng đến với người dân, giúp người dân cập nhật thông tin, tham gia tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình. Cùng với đó, người dân có thể hiểu, tự giác tham gia xây dựng chính sách, thực hiện chính sách, được thụ hưởng các chính sách và phản hồi để phát huy hoặc hoàn thiện chính sách.
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tích cực tuyên truyền Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN. |
Hiện nay, công tác tuyên truyền Chương trình được triển khai tích cực từ Trung ương đến địa phương. Hầu hết các báo, đài Trung ương, địa phương đều vào cuộc trong tuyên truyền tin tức, chủ trương chính sách, những khó khăn, vướng mắc đặt ra trong quá trình triên khai; những vấn đề đồng bào DTTS cần, quan tâm… Bước đầu, có thể thấy chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS đã được tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trên mọi miền tổ quốc.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, để việc tuyên truyền chính sách với đồng bào DTTS, mà cụ thể ở đây là Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN, đòi hỏi các cơ quan thông tin, truyền thông chủ động và chú trọng hơn nữa đến công tác truyền thông chính sách, đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức đưa thông tin tới đồng bào các DTTS, để thông tin được hiệu quả, trúng đối tượng. Việc thông tin thường xuyên, liên tục, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm nhằm đạt được mục tiêu cao nhất là thông tin đến từng người dân.
Ngoài ra, các phương thức truyền thông cũng cần phải đổi mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc biệt khi công nghệ thông tin phát triển, việc ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, thông tin đa phương tiện trở nên phổ biến, mỗi vùng đất đều có sóng wifi, mỗi người dân đều có điện thoại thông minh.
Về phía các cơ quan chức năng, cũng cần cởi mở hơn trong việc cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông; định hướng nội dung tuyên truyền; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách, có cơ chế đặt hàng để việc triển khai các chương trình truyền thông vận động được hiệu quả hơn./.