Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Làm rõ phương hướng đổi mới, phát triển của Ban Công tác đại biểu

Thứ Tư, 16/02/2022 14:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Ban Công tác đại biểu cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thêm, làm sâu sắc hơn các nội dung về phương hướng đổi mới, phát triển của Ban trong bối cảnh, tình hình mới.

Sáng 16/2, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu.

Trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, dự thảo Nghị quyết gồm 6 điều, trong đó giữ nguyên 3 điều (Điều 3, Điều 4 và Điều 5); sửa đổi, bổ sung nội dung ở 2 điều (Điều 1, 2), chỉnh lý 1 điều (Điều 6) về mặt kỹ thuật cho phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cụ thể, về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu, nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, quyền hạn (Điều 2). Theo đó, lược bỏ những nhiệm vụ đã được điều chuyển cho Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội; bổ sung một số nhiệm vụ đã được giao thực hiện và nhiệm vụ mới theo yêu cầu đổi mới về tổ chức, hoạt động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trong giai đoạn mới, tập trung vào 7 nhóm nhiệm vụ.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: Lâm Hiển)

Đối với đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội: Phân định rõ hơn nhiệm vụ phối hợp với Ủy ban Tư pháp và các cơ quan hữu quan tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội, khám xét nơi ở, nơi làm việc của đại biểu Quốc hội. Bổ sung nội dung tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội “theo dõi, đánh giá hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách”, đây là nhiệm vụ mới. Phối hợp tham mưu để Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết cử Đoàn công tác của Quốc hội đi công tác nước ngoài.

Đối với công tác tổ chức bộ máy và nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ sung nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định về số lượng, chức danh, biên chế và vị trí việc làm (theo chủ trương của Đảng) đối với công chức, viên chức các cơ quan tham mưu, giúp việc trong khối Quốc hội; các tổ chức nghị sỹ hữu nghị Việt Nam và các tổ chức khác của đại biểu Quốc hội (theo Luật Tổ chức Quốc hội đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020); vai trò tổng hợp, điều hòa của Ban Công tác đại biểu về công tác nhân sự Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại biểu Quốc hội chuyên trách và nguyên đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tham gia các Hội (theo Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19.12.2017 của Bộ Chính trị).

Đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân: Bổ sung nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kỷ luật nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định trong Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung năm 2020 và Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Ban Công tác đại biểu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp theo thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: Ủy ban Pháp luật thấy rằng, để tiếp tục phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được trong tổ chức và hoạt động của Ban Công tác đại biểu trong thời gian qua cần đánh giá, tổng kết thực tiễn một cách sâu sắc, toàn diện về tổ chức và hoạt động của Ban Công tác đại biểu thời gian qua, tiếp tục kế thừa những quy định còn phù hợp, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định có bất cập, chưa rõ, chưa phù hợp, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động của Ban trong tình hình mới.

Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu phải đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức, hoạt động của Ban trong tình hình mới, đặt trong tổng thể đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan khác thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Ban Công tác đại biểu cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thêm, làm sâu sắc hơn các nội dung về phương hướng đổi mới, phát triển của Ban trong bối cảnh, tình hình mới.

Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết mới, thay thế Nghị quyết số 575/UBTVQH12 ngày 31/1/2008. Tuy nhiên, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị xác định rõ mối quan hệ giữa Ban Công tác đại biểu với các cơ quan khác, nhằm tránh trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, nhất là trong công tác cán bộ.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu, một số đại biểu đề nghị phân định rõ nhiệm vụ nào là Ban chủ trì, làm đầu mối tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện; nhiệm vụ nào là tham gia phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan; những nhiệm vụ nào là Ban chủ động thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội. Ngoài ra, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu với thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức có liên quan để tránh chồng chéo, trùng lặp./.

Vy An

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN