Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Làm rõ các khái niệm trong dự thảo Luật Phòng thủ dân sự

Thứ Tư, 09/11/2022 17:55 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Góp ý về dự án Luật Phòng thủ dân sự, nhiều đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ các khái niệm, phạm vi điều chỉnh của dự án luật với các luật chuyên ngành, quy định quốc tế.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 09/11, Quốc hội thảo luận dự án Luật Phòng thủ dân sự tại hội trường.

Thảo luận về dự án Luật này, đa số đại biểu cho rằng, nước ta bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thực tế thời gian qua xảy ra nhiều sự cố thiên tai, dịch bệnh, từ đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác phòng thủ dân sự, đòi hỏi hoàn thiện cơ sở pháp lý để tích cực chủ động phòng chống, ứng phó có hiệu quả các sự cố, thảm họa thiên tai, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn đất nước. Chính vì vậy, nhằm cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật hóa Hiến pháp năm 2013, việc xây dựng và triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong tình hình hiện nay là hết sức cần thiết.

Hỗ trợ phí bảo hiểm rủi ro ở những nơi xảy ra sự cố thảm họa, thiên tai

Tham gia thảo luận tại Hội trường, đại biểu Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) bày tỏ thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật với các lý do về chính trị, pháp lý và thực tiễn như Tờ trình và báo cáo thẩm tra nhằm nhấn mạnh sự cần thiết của Luật này.

Góp ý vào một số nội dung cụ thể, đại biểu Tráng A Dương đề nghị bổ sung các hành vi nghiêm cấm trong dự án Luật, hỗ trợ phí bảo hiểm rủi ro ở những nơi xảy ra sự cố thảm họa, thiên tai.

Đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) phát biểu tại hội trường chiều 9/11. Ảnh: QH

Về nội dung các hành vi nghiêm cấm được quy định tại Điều 9 dự án Luật xuất phát từ thực tiễn trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong phòng thủ dân sự có ý nghĩa quan trọng. Nếu như thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến chỉ đạo, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ cứu sâu sát, không kịp thời, không huy động được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng có thái độ thờ ơ, vô cảm trước sự nguy hiểm. Các sự cố thiên tai sẽ dẫn tới nguy cơ hậu quả nghiêm trọng trong việc cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả. Vì vậy, đại biểu Tráng A Dương đề nghị bổ sung thêm hành vi nghiêm cấm là thiếu tinh thần trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy cơ quan, người có thẩm quyền và trách nhiệm trong phòng thủ dân sự.

Về Khoản 3, Điều 47 quy định kinh phí hỗ trợ bảo hiểm được đảm bảo từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và quỹ phòng thủ dân sự. Theo đại biểu Tráng A Dương, quy định hỗ trợ phí bảo hiểm như dự án Luật chưa cụ thể, không khả thi với nguồn quỹ với nguồn quỹ có hạn, trong khi đây là phí bảo hiểm nên sẽ cần phải có nguồn kinh phí rất lớn. Do đó, cần phải quy định quy định một cách cụ thể trong trường hợp nào thì được hỗ trợ bảo hiểm do thảm họa sự cố.

Theo đại biểu Tráng A Dương, nếu chỉ quy định phí bảo hiểm chung chung cho tất cả các đối tượng như dự án Luật thì không đủ nguồn lực để thực hiện và đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nên quy định hỗ trợ bảo hiểm cho các đối tượng khu vực thường xuyên xảy ra thảm họa, sự cố từ cấp 3 trở lên. Quy định như vậy sẽ đảm bảo tính kinh phí hỗ trợ, đảm bảo chính sách an sinh xã hội theo quy định liên quan đến nguồn kinh phí hỗ trợ đảm bảo cho các đối tượng.

Rà soát các khái niệm trong dự thảo Luật bảo đảm thống nhất với các luật chuyên ngành và thông lệ quốc tế

Góp ý về dự thảo Luật, đại biểu Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam) nêu rõ, dự thảo Luật có giải thích khái niệm “sự cố”, “thảm họa” nhưng không rõ ranh giới của sự cố thiên tai, dịch bệnh được điều chỉnh trong Luật này với các luật chuyên ngành khác như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Năng lượng, nguyên tử, Luật An ninh mạng, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Luật Phòng, chống thiên tai.

Mặt khác, khái niệm “thảm họa” chưa phù hợp với các tiếp cận quốc tế. Theo Hiệp định Asian về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp thì thảm họa có nghĩa là hoạt động của một cộng đồng hay một xã hội bị rối loạn nghiêm trọng, gây ra những tổn thất về người, vật chất, kinh tế hoặc môi trường. Do vậy, đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ các khái niệm, phạm vi điều chỉnh của dự án luật với các luật chuyên ngành, quy định quốc tế, đồng thời thể hiện sâu sắc hơn quan điểm được nêu Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Đại biểu Vương Quốc Thắng cũng lưu ý về tính khả thi của một số quy định trong dự thảo Luật như quy định về các dạng thảm họa sự cố nhưng rất khó phân biệt được thảm họa, sự cố do thiên nhiên hay do con người gây ra và thảm họa sự cố khác theo quy định pháp luật. Hay quy định về các mức độ phòng thủ dân sự chưa phù hợp với các luật chuyên ngành như Luật Phòng chống thiên tai thì với cấp độ rủi ro thiên tai được xác định theo 3 tiêu chí cường độ hoặc mức độ nguy hiểm của thiên tai, phạm vi ảnh hưởng khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản, công trình hạ tầng và môi trường và tương ứng với nó là các cấp độ cảnh báo, chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai. Quy định như dự thảo cũng chưa phù hợp với mức độ sự cố về an ninh mạng, sự cố về năng lượng, nguyên tử.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát giải thích từ ngữ, đảm bảo thống nhất với Luật Quốc phòng.

Đối với khái niệm thảm họa được quy định trong dự thảo Luật, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị làm rõ khái niệm và nội hàm của thảm họa, cần chia giai đoạn, phân loại thảm họa để có quy định phù hợp về phương pháp ứng phó.

Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để đảm bảo tính hợp lý, khả thi của dự án luật. Đại biểu chỉ ra rằng, Điều 45, Điều 46 có quy định về chế độ chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự, tuy nhiên lực lượng này đa dạng, chế độ chính sách được quy định trong nhiều văn bản khác nhau. Do đó, cần làm rõ chế độ chính sách với những người làm ở Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự và một số lực lượng cụ thể áp dụng theo quy định cụ thể nào.

Về Quỹ phòng thủ dân sự, Điều 44 quy định Quỹ phòng thủ dân sự được hình thành trên cơ sở điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự. Cho rằng quy định này chưa rõ ràng, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị cần có quy định rõ ràng, chi tiết, cụ thể hơn để đảm bảo tính chặt chẽ trong văn bản pháp luật.

Ngoài ra, theo đại biểu, cần hợp tác chặt chẽ với các nước trong khu vực, ưu tiên hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trong phòng thủ dân sự để công tác này đạt hiệu quả cao.

Quy định cấp độ phòng thủ dân sự theo địa giới hành chính là chưa phù hợp

Góp ý vào các quy định của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) cho biết, theo Khoản 2, Khoản 3, Điều 2 dự thảo luật quy định: sự cố là tình huống nguy hiểm nghiêm trọng do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm hoặc do con người gây ra; hoặc do hậu quả chiến tranh có nguy cơ dẫn tới thảm họa. Còn thảm họa biến động do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng; hoặc do con người gây ra hoặc do hậu quả chiến tranh làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường.

Theo quy định này, sự cố, tình huống nguy hiểm nghiêm trọng có nguy cơ thảm họa. Còn thảm họa là đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường. Như vậy, sự cố thảm họa có mối quan hệ với nhau nhưng tính chất, mức độ nghiêm trọng, hậu quả là khác nhau. Tuy nhiên, một số nội dung trong dự thảo luật chỉ quy định chung các biện pháp phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố thảm họa như Điều 18 dự thảo luật quy định chung các biện pháp được áp dụng khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố.

Theo đại biểu Nguyễn Danh Tú do tính chất, mức độ và hậu quả giữa thảm họa và sự cố khác nhau nên bên cạnh để quy định các biện pháp chung thì cũng cần quy định riêng các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của thảm họa và các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của sự cố. Về cấp độ phòng thủ dân sự tại Điều 21 dự thảo luật quy định cấp độ phòng thủ dân sự dựa trên cơ sở phạm vi địa giới hành chính cần được cân nhắc kỹ.

Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm nghiêm trọng, tính chất, mức độ thiệt hại, tính mạng, sức khỏe, tài sản, môi trường do các thảm họa, sự cố gây ra để xác định cấp độ phòng thủ dân sự với các biện pháp ứng phó, khắc phục tương ứng với từng cấp độ phong tục dân sự.

Cần quy định rõ hơn về tình trạng khẩn cấp

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Siu Hương (đoàn Gia Lai) cho rằng, trong dự án Luật cần quy định rõ hơn về tình trạng khẩn cấp. Ngoài ra, việc huy động nguồn lực thực hiện việc giải quyết các sự cố trong tình trạng khẩn cấp cũng là vấn đề cần được ưu tiên.

Đại biểu Siu Hương (Đoàn Gia Lai) góp ý về dự án Luật Phòng thủ dân sự chiều 9/11. Ảnh: QH 

 Về tình trạng khẩn cấp, đại biểu Siu Hương đề nghị quy định rõ hơn về khái niệm này. Trên cơ sở dự án Luật cho thấy, nhiều quy định liên quan đến cụm từ “tình trạng khẩn cấp” như tại Điểm d, khoản 2, Điều 21, Khoản 4, Điều 22 và Mục 4.

Đại biểu Siu Hương lý giải: Nếu như Nghị định số 71 ngày 23/7/2002 quy định chi tiết tình trạng khẩn cấp trong trường hợp có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm thì căn cứ ban hành Nghị định có Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp năm 2000 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số luật như: Luật Quốc phòng năm 2018, Luật phòng, chống thiên tai và thực tiễn đối phó với tình trạng dịch bệnh COVID-19 cho thấy, có giai đoạn cần thiết phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở mức cao hơn và lâu dài hơn.

Tuy nhiên, chúng ta lại thiếu đi hành lang pháp lý để thống nhất điều chỉnh. Vì vậy, để quy định mang tính chung nhất về phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai thì cần làm rõ khái niệm tình trạng khẩn cấp trong dự thảo luật là hết sức cần thiết và nội hàm tình trạng khẩn cấp trong dự thảo luật thống nhất với các văn bản nêu trên.

Cùng với đó, huy động trong phòng thủ dân sự để ứng phó kịp thời và khắc phục tình trạng khẩn cấp thiên tai thì việc huy động nguồn lực là cần thiết như việc huy động trong trường hợp này chỉ cần phân biệt với trưng mua, trưng dụng theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008. Quy định này cần đối chiếu các quy định có liên quan để tạo sự thống nhất trong thực hiện để đảm bảo việc huy động hợp lý, khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí. Tuy nhiên, quy định trong dự thảo Luật phòng thủ dân sự chưa quy định rõ nội dung này như trong Luật Trưng mua, trưng dụng về thẩm quyền thực hiện.

Bổ sung lực lượng dự bị động viên vào lực lượng nòng cốt phòng thủ dân sự

Góp ý về lực lượng phòng thủ dân sự quy định tại Điều 38 của dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh) đề nghị cân nhắc bổ sung lực lượng dự bị động viên vào lực lượng nòng cốt phòng thủ dân sự. Vì lực lượng này đã được huấn luyện nhiều kỹ năng trong thời gian tại ngũ và tại các địa phương hiện nay đang quản lý theo quy định của lực lượng dự bị động viên. Lực lượng này được sắp xếp, được phân loại và sẵn sàng huy động và lực lượng vũ trang khi thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết.

“Nếu được bổ sung lực lượng này tham gia phòng thủ dân sự và giao Chính phủ quy định chi tiết thì sẽ bảo đảm kịp thời phát huy được lực lượng tại chỗ”- đại biểu Trần Thị Kim Nhung nhấn mạnh.

Nhận xét tại Khoản 5 Điều 23 quy định trong trường hợp khẩn cấp, Chủ tịch UBND các cấp nơi xảy ra thảm họa, sự cố đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ, giúp đỡ để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, đại biểu Trần Thị Kim Nhung cho rằng cần làm rõ phạm vi đề nghị như thế nào, thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đến đâu là phù hợp để đảm bảo không trái với quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Dự thảo Luật chỉ điều chỉnh về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục đối với thảm họa và sự cố có nguy cơ dẫn đến thảm họa

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các đai biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa, hoàn thiện dự án Luật, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng cao nhất yêu cầu phòng thủ dân sự.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã có sự phân định về phạm vi điều chỉnh đảm bảo không chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của các luật hiện hành. Cụ thể, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự chỉ điều chỉnh về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục đối với thảm họa và sự cố có nguy cơ dẫn đến thảm họa. Việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục đối với sự cố, những loại hình thiên tai, dịch bệnh thông thường thực hiện theo quy định của luật hiện hành.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết, để tạo cơ sở cho việc triển khai các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp với mức độ thảm họa, sự cố, bảo đảm không chồng chéo với luật chuyên ngành thì dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của sự cố và các cấp độ phòng thủ dân sự, cũng như các biện pháp trong từng cấp độ phòng thủ dân sự.

Về đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, một số văn bản quy phạm pháp luật đã quy định cách thức, tiêu chí phân loại, đánh giá mức độ rủi ro do các loại hình thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự quy định tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố gồm: Phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng của thảm hoạ, sự cố; Đặc điểm địa lý tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa bàn chịu ảnh hưởng của thảm họa, sự cố; Diễn biến, khả năng gây thiệt hại và thiệt hại của thảm họa, sự cố; Khả năng ứng phó với thảm họa, sự cố của chính quyền địa phương và lực lượng tham gia phòng thủ dân sự.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật đạt chất lượng cao./.

 

Đỗ Thoa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN