Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

“Lạm phát” cấp phó

Thứ Sáu, 30/06/2017 18:01 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thời gian qua, câu chuyện về “lạm phát” cấp phó không còn là mới. Câu chuyện này đã được đề cập ở nhiều diễn đàn khác nhau, thậm chí đưa ra xem xét tại Quốc hội. Tuy nhiên, sai phạm về “dư thừa” cấp phó không hề có dấu hiệu giảm và nhiều trường hợp gây bức xúc, bất bình trong dư luận xã hội, làm giảm sút lòng tin của người dân đối với nền công vụ.


Ảnh minh họa: Báo Tiền Phong.

“Nóng lạm phát” cấp phó

Ngày 27/6/2017, tại cuộc Họp báo thường kỳ, ông Nguyễn Tiến Thành – Chánh văn phòng Bộ Nội vụ cho biết: Thời gian qua, số lượng cấp phó tại một số cơ quan, đơn vị vượt quá so với quy định. Thực hiện chức năng được giao và chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nội vụ đã kiểm tra, thanh tra tại một số đơn vị như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa (có 8 Phó Giám đốc Sở); Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Định (có 6 Phó Giám đốc Sở), Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương (có 44/46 công chức giữ chức vụ lãnh đạo); Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên (thừa 23 cấp phó)”. Cấp phó quá nhiều nên ở nhiều sở, ngành, số lượng lãnh đạo xấp xỉ nhân viên, thậm chí có nơi “sếp” nhiều hơn “lính”(?!).

Trước đó, tháng 3/2017, các đoàn giám sát của Quốc hội đã đồng loạt thực hiện giám sát tại nhiều địa phương về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. Có một điểm chung là hầu như địa phương nào cũng tồn tại tình trạng dư thừa cấp phó, từ cấp phó giám đốc sở tới cấp phó ở các phòng chuyên môn thuộc sở.

Cụ thể, làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội (ngày 29/3), báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện tỉnh này còn nhiều đơn vị có số lượng lãnh đạo cao hơn nhân viên, điển hình như Sở Tư pháp có 25 lãnh đạo cấp phòng trở lên và chỉ có 18 công chức với 01 người lao động. Một số đơn vị như: Sở Tài nguyên và Môi trường có tới 06 phó giám đốc; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến tháng 7/2016 có tới 08 phó giám đốc và đến cuối năm 2016, giảm xuống còn 05 phó giám đốc. Trong khi đó, Sở Xây dựng cũng có tới... 34 lãnh đạo trên tổng số 41 công chức, chuyên viên; Sở Giáo dục và Đào tạo có 36/42; Sở Y tế có 25/26; …Trước đó, gây "sốc" nhất là TP. Thanh Hóa dư tới 53 phó phòng.... 

Không chỉ ở Thanh Hóa mà TP. Cần Thơ cũng có tình trạng này. Tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội ngày 30/3, bà Cao Thị Xuân - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đặt vấn đề về số lượng cấp phó ở một số sở của TP. Cần Thơ còn nhiều, ví dụ như: Sở Nội vụ có đến 05 cấp phó; Sở Y tế có 04 cấp phó; có tình trạng số lượng lãnh đạo cấp phòng nhiều hơn nhân viên như: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có 22 trưởng, phó phòng/15 chuyên viên. Một số sở khác số lãnh đạo cũng khá nhiều như Sở Y tế có 17 trưởng, phó phòng/18 chuyên viên; Sở Tư pháp có 19 trưởng, phó phòng/24 chuyên viên…

Giải trình với đoàn giám sát của QH về tình trạng dư cấp phó, câu trả lời chung từ các địa phương thường xoay quanh các lý do như do tồn tại lịch sử của việc sáp nhập các sở, do công việc chuyên môn quá nhiều…

Theo phản ánh của báo chí mới đây, tỉnh Gia Lai cũng nổi lên giữ kỷ lục về việc cơ quan có nhiều lãnh đạo nhất: Sở Xây dựng Gia Lai có 33 cán bộ, nhân viên thì trong đó có tới 17 người là cán bộ, gồm 1 giám đốc, 04 phó Giám đốc, 12 phó, trưởng phòng; Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch có 45 cán bộ, nhân viên nhưng có đến 21 lãnh đạo (1 giám đốc, 05 phó Giám đốc, 15 phó, trưởng phòng). Mới đây, theo thông tin được đăng tải trên Cổng thông tin Sở Nội vụ Hà Nội, số lượng Phó giám đốc Sở này lên đến 08 người. Tỉnh Hà Tĩnh lãnh đạo cấp sở, ban, ngành cũng thừa 17 cấp phó. Quảng Ngãi cũng dư khoảng 20 phó chủ tịch xã. Ở Nghệ An,  vừa qua, sở nội vụ tỉnh này cũng vừa phát hiện thừa gần 200 phó Chủ tịch xã…

Không chỉ ở địa phương, ngay cả ở Trung ương cũng lạm phát cấp phó.  Việc thừa cấp phó không phải chỉ có một vài hiện tượng mà dường như là... phổ biến.

Tìm nguyên nhân “dư thừa” cấp phó

Thông tin với báo chí, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, qua khảo sát của Bộ đối với một số bộ ngành, địa phương cho thấy, cấp phó nhiều có ba lý do. Đó là khi sắp xếp lại bộ máy, hợp nhất một số cơ quan phải tôn trọng chức danh phó đang có để đảm bảo ổn định tổ chức, đội ngũ cán bộ. Ngoài ra, khi tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực cần các chuyên gia làm cấp phó để giúp cấp trưởng quản lý, phụ trách các lĩnh vực chuyên sâu. Công tác cán bộ có việc luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng cũng dẫn đến việc bổ  sung cấp phó do yêu cầu của công tác cán bộ.

Ông Trần Anh Tuấn nêu, số lượng cấp phó ở các đơn vị khác nhau không đồng đều. Có những đơn vị không sử dụng hết mức cấp phó do pháp luật quy định vì không thấy cần thiết phải bổ sung. Nhưng cũng có những đơn vị vì lý do khách quan, hoặc do điều kiện này khác, số lượng cấp phó nhiều hơn quy định. “Đó đều là những nguyên nhân khách quan, nhưng tình trạng cấp phó như vậy cũng là vấn đề dư luận quan tâm …” - ông Trần Anh Tuấn chia sẻ.

Theo thanh tra Bộ Nội vụ, việc thực hiện hợp nhất, sáp nhập các đơn vị thuộc tỉnh, thành phố cũng là nguyên nhân. Nói như Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy  Yên Bái, đại biểu Quốc hội (khóa XIV) Dương Văn Thống thì khó thật: “Do sáp nhập vào nhiều năm nay nhưng mà không đưa đi đâu được, phải để anh em lại, hạ xuống cũng không được..”.

Có thể nói, hiện nay chúng ta đang biến cấp phó thành cấp hành chính trung gian, ví dụ ở trung ương cũng như địa phương, đề xuất cái gì thì lại qua phó phụ trách rồi “nghiên cứu” sau đó mới đến cấp trưởng, hay có nhiều cấp phó vì lý do nếu không có cấp phó thì nhiều lĩnh vực cấp trưởng lo không nổi trong khi trách nhiệm thuộc về người đứng đầu.

Và câu hỏi đặt ra là: Tại sao chúng ta có nhiều cấp phó như hiện nay? Phải chăng là vì chúng ta không làm rõ trách nhiệm người đứng đầu của những cơ quan quản lý dưới quyền? Chúng ta làm vậy không chỉ làm phình to hơn bộ máy hành chính mà còn dẫn đến tình trạng hiệu quả, hiệu lực công vụ giảm đi.

Cấp phó cũng là một chức quyền, từ chức quyền đó trong cơ chế ngày nay rất dễ tạo cơ hội để họ tìm kiếm lợi ích. Vì thế, bổ nhiệm thêm cấp phó cũng là cách “ban phát” lợi ích cho nhau. Gần đây có hiện tượng quan chức sắp nghỉ hưu thì bỗng ký đề bạt rất nhiều cấp phó. Điều đó cũng phần nào phản ánh hiện thực này.

Nên vấn đề đang đặt ra ở đây là: Xác định chính xác số lượng cấp phó cần thiết để cùng người đứng đầu lãnh đạo đơn vị, cơ quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ  được giao.

“Dư thừa” cấp phó gây lãng phí

Với con số hơn 39 nghìn cơ quan hành chính trên cả nước, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định: Tăng cấp phó chắc chắn dẫn đến lãng phí cơ sở vật chất, tiền bạc, vì thêm một cấp phó là thêm phòng làm việc, xe cộ, phụ cấp chức vụ… Nhưng tính toán như thế với tất cả các cơ quan, đơn vị trong cả nước thì cũng chưa hoàn toàn chính xác.

Lãng phí lớn nhất là việc không phân công, phân nhiệm rõ ràng. Nhiều cấp phó mà cấp trưởng không làm gì, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức không cao, phục vụ nhân dân không tốt. Đấy mới là cái lãng phí lớn nhất, rất khó đo lường, đúng là tiêu tốn ngân sách nhiều. Cứ thử hình dung nếu giảm 5 cấp phó xuống còn 2, ở cấp sở còn 1 phó thì giảm chi phí chừng cỡ nào. Ở cấp Trung ương giảm đi một thứ trưởng, hay cấp phó là giảm bao nhiêu chế độ đi theo, chứ không chỉ đơn thuần chỉ là tiền lương. Bên cạnh đó, như đã nói, sự tồn tại của nhiều cấp phó làm cho hoạt động công vụ chậm lại, trách nhiệm giảm đi, những vấn đề đó còn lớn hơn...

Trị bệnh “lạm phát” cấp phó

Trong lúc Chính phủ đang thực hiện chủ trương đẩy mạnh việc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính nhưng ở các cơ quan, đơn vị từ địa phương đến trung ương thực hiện không nghiêm, chỗ này lập phòng ban mới, chỗ kia bổ nhiệm thêm chức danh và "dư thừa" cấp phó… Xem ra việc tinh giản biên chế lại như cái vòng tròn luẩn quẩn. Do đó, lúc này cần phải có giải pháp quyết liệt mới giải quyết tận gốc vấn đề “lạm phát” cấp phó.

Thiết nghĩ, cần thực hiện nghiêm những qui định trong Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015. Theo đó, số cấp phó của người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ (thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5 người, riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6 người); số lượng cấp phó của người đứng đầu cấp vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập không quá 3 người và số lượng cấp phó của người đứng đầu tổng cục không quá 4 người. Quy định hiện hành tại Nghị định 24/2014, số lượng cấp phó ở các sở của chính quyền địa phương không quá 03 người nhưng cho phép các sở thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội không quá 04 người. Mới đây, để khắc phục những hạn chế của Nghị định 24/2014/NĐ – CP, đối với chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ đã trình dự thảo nghị định thay thế Nghị định 24/2014/NĐ-CP. Theo đó, dự thảo quy định chặt hơn: Số lượng phó giám đốc sở thuộc UBND cấp tỉnh loại đặc biệt và loại I có không quá 03 phó giám đốc; sở thuộc UBND cấp tỉnh loại II và loại III có không quá 02 phó giám đốc.

Đặc biệt, dự thảo quy định cả số lượng cấp phó của phòng chuyên môn thuộc sở. Theo đó, đối với các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở và thuộc chi cục thuộc sở, nếu có từ 05 đến 10 biên chế được bố trí 1 phó trưởng phòng; nếu phòng có trên 10 biên chế trở lên được bố trí không quá 2 phó trưởng phòng.

Giải pháp căn cơ, trước mắt hiện nay là yêu cầu tất cả cơ quan, địa phương báo cáo về số lượng cấp phó để chấn chỉnh; rà soát lại các quy định về bổ nhiệm cấp trưởng và cấp phó ở từng cấp, từng ngành, bởi ở cấp cao chắc chắn tiêu chuẩn, cơ cấu phải khác cấp dưới do tính chất từng ngành, từng nhiệm vụ.

Kiểm điểm xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp ủy bổ nhiệm cấp phó không đúng quy định pháp luật; nhanh chóng có phương án sắp xếp, giải quyết số cấp phó “dư thừa” lịch sử để lại do sáp nhập. Tăng cường hơn nữa các cuộc thanh tra, kiểm tra, chống mọi biểu hiện tiêu cực trong công tác tổ chức cán bộ, về tuyển dụng, bổ nhiệm. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, vai trò gương mẫu tiên phong của cấp ủy và người đứng đầu đảm bảo dân chủ, khách quan, minh bạch trong việc thực hiện bổ nhiệm cấp phó./.

Minh Nguyễn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN