Làm gì để thoát "ma trận"?!
(ĐCSVN) - Hàng chục phương án xét tuyển đại học, trong đó hầu hết là xét tuyển sớm, mỗi năm một ban hành một phương án khác nhau khiến nhiều học sinh cũng như các bậc phụ huynh khá lúng túng khi chọn cho mình, con em mình một trường Đại học.
Rối bời các phương thức xét tuyển sớm Đại học
Năm nay mới có cón vào lớp 10, nhưng chị P (Hà Nội) tỏ ra khá lo lắng khi nghe các bậc cha mẹ đi trước nói về chủ đề “thi đại học” thời nay. Nếu như trước đây, các trường sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét đầu vào, thì từ năm 2018, khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi có hiệu lực thi hành, các trường Đại học có quyền được tự chủ trong công tác tuyển sinh. Cùng từ đây, rất nhiều phương thức xét tuyển sớm đã ra đời. Có thể kể ra các phương thức xét tuyển sớm như: sử dụng kết quả học bạ của năm lớp 10,11 và kỳ I lớp 12, điểm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét kết quả các kỳ thi quốc gia, quốc tế...
Theo ý kiến của đại diện nhiều trường Đại học, ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp, đề thi được Bộ Giáo dục và Đào tạo thiết kế dễ hơn, do đó tính phân hóa thí sinh thấp. Vì vậy, các trường đại học - đặc biệt là những trường top đầu, với đa dạng ngành nghề đào tạo, yêu cầu trình độ thí sinh cao hơn ở mặt nào đó - phải đa dạng các phương thức tuyển sinh cũng như phải bổ sung các tiêu chí phụ trong xét tuyển.
Nhiều phương án xét tuyển sớm khiến cả thí sinh và phụ huynh lúng túng mỗi mùa tuyển sinh. |
Ngoài ra, theo các trường đại học, đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh còn nhằm mang đến nhiều cơ hội hơn cho thí sinh, các em có thêm lựa chọn phù hợp với năng lực và mục tiêu nghề nghiệp, giảm áp lực thi cử, có cơ hội trúng tuyển cao, giúp thí sinh có được kết quả sớm hơn…
Không chỉ có vậy, theo tìm hiểu của phóng viên, với các phương thức xét tuyển sớm, nhiều trường đại học sẽ “đón đầu” nguồn thi sinh dồi dào, chủ động được nguồn thí sinh trong sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong khâu tuyển sinh để tuyển đủ chỉ tiêu.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện các trường đại học sử dụng hơn 20 cách xét tuyển, trong đó có hơn 10 phương thức không sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhiều trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, đơn cử như Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội): 11 phương thức; Trường Đại học Ngoại thương: 6 phương thức; Trường Đại học Khoa y Đại học Quốc gia TP.HCM: 7 phương thức; Trường ĐH Thương mại: 8 phương thức; Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM): 8 phương thức…
Điều đáng nói, mỗi năm các trường đại học sẽ ban hành quy chế tuyển sinh đại học áp dụng cho năm học đó, trong đó tích hợp giữa các quy định chung trong quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và những yêu cầu đặc thù của trường. Do đó, mỗi năm, các thí sinh phải chờ trường đại học mình muốn học ban hành quy chế để tìm hiểu các phương án xét tuyển của trường.
Những bất cập trong xét tuyển sớm
Bên cạnh những mặt tích cực, việc xét tuyển sớm cũng bộc lộ khá nhiều hạn chế. Thầy Đỗ Văn Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – người đã nhiều năm làm công tác tuyển sinh cho rằng “việc có quá nhiều phương thức sẽ gây rối cho thí sinh, gây bất bình đẳng”. Theo đó, “những thí sinh có điều kiện tìm hiểu kỹ thông tin sẽ có lợi. Các thí sinh ở vùng sâu vùng xa sẽ thiệt thòi hơn khi phần lớn chỉ xét tuyển dựa vào điểm tốt nghiệp. Nhiều phương thức, chỉ tiêu chia nhỏ ra, điểm chuẩn phương thức tốt nghiệp tăng lên, cơ hội vào đại học của thí sinh sử dụng phương thức này sẽ thấp đi".
Còn ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho rằng việc xét tuyển quá nhiều phương thức sẽ khiến thí sinh bối rối khi lựa chọn, thậm chí nhầm lẫn khi đăng ký xét tuyển.
Có một thực tế là, một số trường “hot” sử dụng phần lớn các kết quả xét tuyển sớm, và dành rất ít chỉ tiêu cho xét tuyển điểm tốt nghiệp THPT. Điều đáng nói là, mặc dù hầu hết các trường có sử dụng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, nhưng ở những trường “hot”, ngành “hot”, thì điểm xét tuyển này rất cao, có những khoa, ngành lấy điểm gần như tuyệt đối bởi chỉ tiêu dành cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT rất ít, hầu hết các chỉ tiêu dành cho các phương thức xét tuyển sớm. Do đó, nếu không tìm hiểu trước các phương thức tuyển sinh và ôn luyện từ sớm, thì việc đỗ vào các khoa, trường “hot” sẽ là cánh cửa “rất hẹp” đối với các thí sinh.
Tại Hội nghị Giáo dục Đại học năm 2024 vừa được tổ chức ngày 9/8, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhận định, xét tuyển sớm cũng dẫn đến thiếu công bằng trong tuyển sinh. Khi tăng chỉ tiêu xét tuyển sớm, các trường sẽ giảm chỉ tiêu từ điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này khiến điểm chuẩn của phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT tăng lên và làm hạn chế cơ hội cho những thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp. “Đáng lưu ý, hiện tượng thiếu công bằng này không phải chỉ xuất hiện ở một trường mà rất nhiều trường” - Thứ trưởng Sơn cho hay.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng: “Các trường chỉ yên tâm cho số sẽ vào trường mình, số còn lại để tuyển sinh sẽ rất ít, điểm lên rất cao, tạo ra sự mất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt".
Sự mất công bằng giữa các thí sinh này thể hiện rất rõ ở phương thức xét tuyển học bạ. Theo GS.TS Phạm Tất Dong - Cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam, mức độ tin cậy của phương thức này chưa phản ánh đúng thực chất năng lực của người học do chất lượng các cơ sở giáo dục không đồng đều, việc chấm điểm cũng khác nhau. Việc các trường đại học chấp nhận xét học bạ ít nhiều dẫn đến các vấn đề tiêu cực như tình trạng "mua điểm", “làm đẹp học bạ". Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện những bảng điểm có điểm số cao, gần như tuyệt đối mà theo các chuyên gia, đây là điều “phi thực tế”.
Với các phương thức xét tuyển bằng điểm thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực là những phương thức xét tuyển mới, mà theo đánh giá, các cuộc thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực là những cuộc thi có chất lượng, đánh giá được năng lực của học sinh - cũng tạo ra sự bất bình đẳng giữa thí sinh thành phố và thí sinh ở các địa phương, do các trường tổ chức thi thành nhiều đợt và chỉ tổ chức thi trực tiếp tại một số địa phương, số lượng đăng ký thi cũng hạn chế. Như vậy, học sinh ở nhiều địa phương khó có thể tiếp cận với cuộc thi này.
Năm học 2023, Khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật Hà Nội lấy điểm xét học bạ là 30.30. Như vậy, ngoài số điểm tuyệt đối của 3 môn học cấp 3, thí sinh cần phải có điểm ưu tiên mới có thể trúng tuyển. |
Hoặc với phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (IELTS, SAT) - một chứng chỉ đòi hỏi kỹ năng ngoại ngữ tốt, việc học tập tương đối tốn kém, các trung tâm giáo dục chủ yếu ở các thành phố lớn – thì những học sinh vùng nông thôn, học sinh có điều kiện kinh tế khó khăn cũng khó mà tiếp cận được. Ngay cả nếu có, thì học sinh ở các thành phố lớn có lợi thế hơn rất nhiều với học sinh nông thông.
Tìm hình thức xét tuyển công bằng, minh bạch cho thí sinh
Mặc dù, có ý kiến cho rằng, “dù xét tuyển bằng hình thức nào, mọi tiêu chí đều dựa vào những gì các em học được ở bậc THPT. Ai có kiến thức đủ mạnh, đủ điều kiện vẫn sẽ có cơ hội trở thành sinh viên các trường đại học", tuy nhiên, rõ ràng, việc xét tuyển sớm đang dần lộ ra những hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến công tác giáo dục cũng như chưa tạo được sự công bằng trong công tác tuyển sinh.
Theo các nhà quản lý ngành giáo dục, việc xét tuyển sớm gây ra nhiều hậu quả. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn lên tiếng: “Việc các đại học xét tuyển sớm có tác động tiêu cực đến giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối, thí sinh đỗ sẽ không học nữa, rất tai hại”. Còn theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn: “Bên cạnh đó, phương thức xét tuyển sớm chưa thực sự đảm bảo độ tin cậy, khách quan. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo”. “Phương thức này cũng tạo tâm lý lo lắng cho thí sinh bởi khi thấy bạn bè xét tuyển sớm mình cũng phải lo xét tuyển sớm. Chẳng những vậy, những thí sinh trúng tuyển xét tuyển sớm cũng xuất hiện tư tưởng chủ quan, xao nhãng trong học tập” - Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Với những bất cập đó, có ý kiến cho rằng, cần tăng tỷ lệ xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp tạo sự hợp lý, công bằng cho học sinh. Đây vẫn được coi là kỳ thi có uy tín, có chất lượng. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu tuyển sinh nguồn sinh viên chất lượng cao, rất cần có sự thay đổi về chất của Kỳ thi này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xem xét sửa quy chế, điều chỉnh quy định về xét tuyển sớm từ năm 2025, trong đó, yêu cầu cụ thể là đơn giản hóa, đảm bảo chất lượng cũng như công bằng cho thí sinh. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết trong thời gian tới sẽ tham mưu với Ban cán sự Đảng của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu đối với các cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu xem xét tăng tỷ lệ xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp, trong đó vẫn đảm bảo hài hòa với quyền tự chủ của các trường đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nhiều lần khẳng định trong thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đề thi tốt nghiệp, đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực, tốn kém cho xã hội, đảm bảo tính công bằng, khách quan; đảm bảo cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Tuyển sinh đại học dù bằng phương thức tuyển sinh nào cũng hướng đến lựa chọn những thí sinh đầu vào có kiến thức, kỹ năng phù hợp để đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội trong tương lai. Do vậy, các trường Đại học cần có sự phân tích, đánh giá và đối sánh dữ liệu tuyển sinh để đưa ra những phương thức tuyển sinh phù hợp, giảm dần tiến tới loại bỏ những phương thức tuyển sinh không đảm bảo công bằng, minh bạch. Và điều phụ huynh và học sinh cần là những phương thức xét tuyển công bằng, chính xác, không quá tốn kém và thuận lợi khi nộp hồ sơ tuyển sinh. Đừng để các phụ huynh và học sinh phải “rối bời canh hẹ” trong ma trận phương án trước mỗi mùa tuyển sinh./.