Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Làm gì để quản lý và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước?

Chủ Nhật, 25/06/2023 09:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Không chỉ sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, mỗi người dân cần là một giám sát viên đối với những ứng xử của các tổ chức, cá nhân với nguồn nước nhằm giữ gìn, bảo vệ, để nguồn tài nguyên nước của chúng ta “quý” nhưng không trở nên “hiếm”.

Theo thống kê, ở Việt Nam hiện nay có 3.450 con sông, suối có tổng chiều dài từ 10km trở lên, với tổng lượng nước khoảng 7.936 tỷ mét khối, tức là trung bình cả năm là 936.000 tỷ mét khối. Ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước - Bộ Tài Nguyên và Môi trường nhận định, với lượng tài nguyên như vậy, nếu xét theo bình quân đầu người thì Việt Nam không phải quốc gia thiếu nước. Tuy nhiên, nếu xét về sản lượng nước nội sinh chỉ chiếm khoảng 40%, có tới 60% xuất phát từ nước ngoài, thì Việt Nam đang là quốc gia thiếu nước khi chỉ đạt 4.421 mét khối/người/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của Đông Nam Á là 4.900 mét khối/người/năm.

Sản lượng nước nội sinh của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 40%:  Ảnh minh họa

Trong khi lượng nước cố định, thì chúng ta đang sử dụng nước không hiệu quả và chưa tính toán đầy đủ giá trị của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế - xã hội, giá trị khai thác, sử dụng nước của chúng ta quá thấp. Có tới 81% tổng số nước dùng cho nông nghiệp và 11% là nuôi trồng, chỉ có 3% nước dùng cho sinh hoạt và 5% dùng cho công nghiệp. Tính về hiệu suất, giá trị sinh lời chỉ khoảng 2,37 USD/mét khối nước, tức là chỉ bằng 12% so với cả thế giới (19 USD/mét khối). Nhiều tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa hợp lý và chưa đúng các quy định về pháp luật nhưng khi có vi phạm thì khâu thực thi pháp luật chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe.

Việc quản lý nguồn nước của chúng ta cũng đang chồng chéo, một con sông có nhiều đơn vị, bộ ngành quản lý, chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật. Ông Nguyễn Quang Huân - Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho biết, chúng ta có sự chồng chéo trong quản lý nguồn nước như Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý về nguồn nước; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương quản lý các công trình hồ chứa, công trình thủy lợi, Bộ Công Thương quản lý công trình đập, thủy điện, Bộ Giao thông Vận tải quản lý về giao thông đường thủy... Hơn nữa, các thủ tục hành chính liên quan đến việc khai thác, sử dụng nước chưa thống nhất. Chính vì chưa phân định rõ chức năng quản lý nhà nước, việc quản lý chồng chéo dẫn đến “cha chung không ai khóc”, có những việc không đơn vị nào chịu trách nhiệm cụ thể, hoặc có những văn bản chỉ đạo chồng chéo thậm chí còn trái ngược nhau; gây khó cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia khai thác nguồn nước.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nước thải ra môi trường đã qua xử lý rất thấp. Thành phố Hà Nội là địa phương có nhiều cố gắng trong xử lý nước thải nhưng cũng mới chỉ bảo đảm 28,8%, còn tính chung cả nước thì chỉ có 15% trong khi ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng do nước thải từ sản xuất công nghiệp chưa được xử lý, nước thải từ nông nghiệp với phân bón, thuốc trừ sâu, nước thải sinh hoạt chứa nhiều hóa chất… gây ô nhiễm nguồn nước. Tuy nhiên, việc đầu tư cho xử lý nước thải chưa tương xứng, đang được định mức là 10% giá nước, là quá thấp so với thế giới. Ví dụ như ở Israel, nếu người dân phải trả 4 USD cho 1 mét khối nước thì trong đó 3 USD cho xử lý nước thải. Hay ở châu Âu, 1 mét khối nước khoảng 2-3 euro, tiền nước cấp chỉ có 1 euro. Vì được định giá thấp nên không có doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nào muốn tham gia hoạt động xử lý nước thải.

Đó cũng là lý do khiến chỉ số đảm bảo an ninh nguồn nước của chúng ta hiện là 29 năm, tức là đang ở mức rất thấp so với các nước tiên tiến. Ông Ngô Mạnh Hà lấy ví dụ, nước Úc đã tiệm cận 49 năm, trong khi nguồn nước của họ rất hạn chế so với Việt Nam. Họ quản lý nước theo mô hình lưu sông kết hợp quản lý trên nền tảng công nghệ số. Tất cả các vấn đề về khai thác, sử dụng, bảo vệ, điều hòa, phân bổ cơ bản sẽ do một cơ quan điều phối.

Rõ ràng, quá trình phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa, đô thị hóa; sự gia tăng của dân số và nhu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng nhanh; tình trạng ô nhiễm nguồn nước chưa được giải quyết triệt để đã làm suy giảm chất lượng nước... đang là áp lực đối với chúng ta, trong khi các văn bản pháp luật thì lại thiếu và còn nhiều điều chưa quy định. Các cấp chính quyền và cả người dân chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức, dẫn đến buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát về môi trường, nguồn nước. Vấn đề cấp bách là chúng ta phải nhanh chóng sửa đổi hệ thống pháp luật về tài nguyên nước, đồng thời có những phương án quản lý, khai thác, sử dụng nước tốt, sớm để quản lý một cách bền vững.

Trong những ngày này, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đang “nóng” trên nghị trường quốc hội với phần tranh luận sôi nổi, do thời gian không cho phép, chỉ khoảng một nửa số đại biểu đã đăng ký được phát biểu tại hội trường. Các ý kiến đưa ra rất tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện sự quan tâm, lo lắng và mong muốn xây dựng Luật hoàn chỉnh, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên nước, khắc phục những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý.

Các ý kiến thống nhất cao với các giải pháp nhằm khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; chú trọng công tác phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.

Nhiều ý kiến cho rằng cần bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, xây dựng thêm các công trình chứa nước đa mục tiêu, đa dạng các nguồn nước. Nhà nước cần có chính sách phù hợp để khuyến khích nghiên cứu, đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần ứng dụng nền tảng công nghệ số trong quản trị, điều hành nguồn nước, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ nhằm giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước nhưng tăng hiệu quả hoạt động, chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các chính sách về giá nước, thuế, phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; đẩy mạnh xã hội hoá…

Tuy nhiên, điều quan trọng là từ ý thức mỗi người dân. Theo đó, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục về tầm quan trọng của nước và việc bảo vệ nguồn nước, các phương pháp bảo vệ nguồn nước, những mối nguy hại với nguồn nước; đồng thời có những tài liệu tuyên truyền để người dân hiểu và có những ứng xử đúng mực với nguồn nước, giáo dục lối sống xanh, lối sống sinh thái. Mỗi người dân cần thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ, quản lý, sử dụng nguồn nước. Không chỉ sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất và đời sống, mà mỗi người còn là một giám sát viên hoạt động của các tổ chức, cá nhân khác với nguồn nước, lên án những hành vi hủy hoại nguồn nước. Đất nước đã trải qua giai đoạn phát triển “nóng”, người dân và doanh nghiệp đã nhận thức tốt hơn trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và hướng tới cuộc sống xanh. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để chúng ta đẩy mạnh công tác bảo vệ nguồn tài nguyên "quý" nhưng không "hiếm" nếu biết cách khai thác và sử dụng./.

Thương Huyền

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN