Lạm dụng điện thoại thông minh, trẻ dễ mắc hội chứng TIC
(ĐCSVN) - Để con trẻ ăn uống ngoan hoặc tự ngồi chơi, nhiều bậc phụ huynh hiện nay sử dụng các thiết bị điện tử như: điện thoại thông minh, máy tính bảng bật các đoạn clip quảng cáo ngắn, trò chơi hoặc phim hoạt hình cho trẻ xem. Tuy nhiên, việc làm này tiềm ẩn những ẩn họa khó lường với sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ, hội chứng TIC (Rối loạn vận động).
Thấy con ăn ngoan mỗi lần trên tivi phát những chương trình quảng có nhiều hình ảnh chuyển động, kèm theo nhạc nền vui nhộn. Chị Phương Loan (28 tuổi) nghĩ ra một phương pháp, cứ mỗi lần con quấy khóc, không chịu ăn là chị lại dùng chiếc điện thoại thông minh của mình cho bé xem những đoạn phim quảng cáo. Chị chia sẻ: “Sau dần thành quen, cứ mỗi lần cho ăn, hay dỗ bé là tôi lại sử dụng tới chiếc điện thoại của mình. Cũng biết là việc này không tốt cho mắt của con trẻ, nhưng sau nhiều lần sử dụng, con tôi đã hình thành một thói quen về việc này. Đến nay cháu đã được 3 tuổi, nhưng không có chiếc điện thoại thông minh trên tay thì không làm cách nào dỗ cho cháu ăn ngoan được.. Tôi thực sự cảm thấy hối hận vì điều đó.”
Còn chị Thu Thủy (35 tuổi) sống tại quận Đống Đa, Hà Nội thì chia sẻ: “Đến khi hiểu ra sự việc thì thực sự là quá muộn, cũng chỉ vì muốn con nín khóc nên tôi cũng thường xuyên dùng máy điện thoại và máy tính bảng cho cháu xem các hình chuyển động. Đến năm con tôi 3 tuổi thì một mắt của cháu có triệu chứng nhìn bị lệch về một phía, bác sỹ cho biết nguyên nhân này là do mắt trẻ còn quá yếu, bố mẹ lại để con trẻ sử dụng quá nhiều điện thoại, tivi hay máy tính bảng... Mặc dù tôi đã cho con đi chữa chạy, thậm chí phẫu thuật mắt. Tuy nhiên cho đến nay, con tôi đã 7 tuổi, nhưng thị lực của cháu vẫn rất yếu, một bên mắt bị cận, bên còn lại bị loạn thị, cháu phải đeo kính mới có thể nhìn rõ!”.
Có thể thấy, việc cho con trẻ sử dụng, tiếp xúc với các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại thông minh và máy tính bảng từ rất sớm đang là tình trạng phổ biến. Với điều kiện như hiện nay, việc sở hữu 1 chiếc điện thoại thông minh, thậm chí 2 hoặc 3 chiếc điện thoại không phải là điều khó với nhiều người. Và cũng chính từ tâm lý để “rảnh tay”, để cho trẻ “chơi ngoan”, không ít bậc phụ huynh dễ dàng trao vào tay con mình những chiếc điện thoại thông minh mà trong đó có rất nhiều chương trình trò chơi, thậm chí được kết nối Internet để trẻ tự do ngồi miệt mài, chăm chú với chúng hàng giờ liền.
Theo một số chuyên gia về tâm lý, việc cho trẻ nhỏ tiếp xúc quá sớm với các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính bảng... không những ảnh hưởng tới thị lực, sức khỏe của trẻ nhỏ, mà còn có thể gây ra những hội chứng tâm lý hoặc những hội chứng về hành động không tốt cho trẻ. Một trong những hội chứng thời gian gần đây nhiều trẻ nhỏ đã mắc và phải tới điều trị tại các cơ sở y tế là hội chứng TIC.
Thấy con mình có một số biểu hiện như nháy mắt mỗi lần sử dụng điện thoại chơi game hay khi tập trung xem các chương trình tivi, nhắc con nhiều lần nhưng cũng không đỡ, chị Trà (Ba Đình, Hà Nội) đã đưa con tới khám tại một cơ sở y tế chuyên khoa về thần kinh tại Hà Nội, sau khi kiểm tra và trao đổi cùng chị Trà về các thói quen sinh hoạt của bé, các bác sỹ kết luận rằng con chị đã mắc phải hội chứng TIC do căng thẳng thần kinh khi sử dụng điện thoại di động để chơi game. “Dịp hè vừa qua cháu nghỉ ở nhà, cũng lo con đi chơi nhiều với các bạn ngoài đường nên tôi thường xuyên cho cháu mượn điện thoại di động để chơi game, không ngờ đây lại là một tác nhân dẫn tới hội chứng này ở con tôi. Chắc từ nay tôi sẽ không cho cháu sử dụng điện thoại nhiều như trước nữa.” – Chị Trà chia sẻ.
Nói về hội chứng TIC, một chuyên gia về lĩnh vực y tế cho biết: Đây là một dạng rối loạn vận động hay rối loạn phát âm không chủ đích, xảy ra bất ngờ nhanh chóng nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần. Trẻ khi mắc phải hội chứng này, theo mức nặng hay nhẹ có thể có những hành động, hoặc lời nói lặp đi lặp lại nhiều lần một cách không chủ ý. Nếu như ở dạng nhẹ thì trẻ có thể có những động tác như lắc đầu, nhấp nháy mắt, chun chun mũi (giống như đánh hơi), giật cơ ở cổ, nhún vai (như rụt cổ lại) và nhăn mặt. Nếu ở dạng phát âm thì trẻ nhỏ có thể như phát ra âm thanh lặp lại, thường xuyên, đơn giản bao gồm ho, hắng giọng, hỉ mũi, khịt mũi, tặc lưỡi...
Nếu mắc bệnh ở thể phức tạp hơn, trẻ sẽ xuất hiện những rối loạn về hành động như tự vỗ vào người, tự cắn, nhảy nhót, giậm chân, xoay tròn… hoặc phát ra những âm thanh phức tạp bao gồm nói các từ hoặc các câu lặp đi lặp lại và không phù hợp với bối cảnh (thường là những câu từ tục tĩu), nhại lại lời người khác, thường cảm thấy căng thẳng và thôi thúc thực hiện cử động/âm thanh đó để giải tỏa căng thẳng.
Nói về hội chứng này ở trẻ nhỏ, bác sỹ Nguyễn Quanh Vinh, Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng nguyên nhân dẫn tới trẻ mắc phải hội chứng này là do trẻ bị căng thẳng quá mức, áp lực tâm lý trong học tập hoặc bị la mắng. Nhưng việc chơi game, xem điện thoại thông minh hoặc xem tivi quá nhiều là một tác nhân thúc đẩy sự phát triển của hội chứng TIC ở trẻ em. “Khi trẻ chơi game, sử dụng điện thoại hay xem tivi quá nhiều, mắt và thần kinh luôn trong trạng thái tập trung cao độ dẫn đến căng thẳng, không chỉ làm tăng các tật khúc xạ mà còn là nguyên nhân khởi phát rối loạn TIC” – Bác sỹ Vinh khẳng định.
Hội chứng TIC thường gặp nhiều ở độ tuổi từ 4-10 tuổi. Cũng theo bác sỹ Vinh, TIC là hội chứng không thể điều trị triệt để, khả năng tái phát rất cao nên phụ huynh cần hạn chế việc để trẻ em chơi game, điện thoại di động, xem tivi.
Có thể thấy, ngoài tiềm ẩn những nguy hại và ảnh hưởng tới thị lực, tư thế ngồi, cột sống khi trẻ quá say mê sử dụng các thiết bị điện tử, đây còn là tác nhân rất lớn hình thành hội chứng TIC ở trẻ nhỏ. Tác hại thì đã thấy rõ, vậy nên các bậc phụ huynh cần hết sức hạn chế việc cho trẻ tiếp xúc với những thiết bị điện tử. Ngoài ra, nên thường xuyên cho trẻ tham gia các hoạt động tập thể để giải tỏa năng lượng, như vậy các em mới có trí tuệ thông minh, sức khỏe tốt và tránh được những bệnh lý do các thiết bị điện tử gây ra./.