Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lâm Đồng ngăn hạn hán “xâm nhập”

Thứ Hai, 07/03/2016 19:14 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Các vùng được dự báo sẽ chịu hạn nặng trong năm nay của tỉnh Lâm Đồng đều đồng loạt triển khai thực hiện các giải pháp chống hạn của tỉnh. Sự tích cực bắt nguồn từ một cơ chế của tỉnh theo Quyết định số 1758/QĐ-UBND, ngày 18/8/2015, của UBND tỉnh Lâm Đồng.

 

Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng khảo sát việc đào hồ tích nước
tại rẫy của anh Đặng Duy Linh, thôn 2, xã Đạ M'Ri (huyện Đạ Huoai). Ảnh: Phạm Kha.

Cùng nhau đào ao, hồ “ngăn chặn” hạn hán

Tại nơi trũng thấp nhất trong khu rẫy của mình, đất vẫn còn xâm xấp nước, ông K’Đình, người Châu Mạ, đang thuê máy đào gấp rút hoàn thành việc đào hồ nhỏ ở đây. Lần đầu tiên ông K’Đình làm việc này cùng với 4 hộ dân lân cận và đây cũng chính là giải pháp để ông cùng với các hộ trồng cà phê, ca cao xung quanh chuẩn bị ứng phó với hạn nặng có khả năng xảy ra sắp tới. Điều lạ là không chỉ có gia đình ông cùng các hộ lân cận, mà rất nhiều nhóm hộ cũng đang làm như thế. Các máy múc, máy đào trong vùng đều kín lịch hằng tháng trời.

Ông K’Đình nói: “Chúng tôi đang đào ao để tưới vườn bơ vì mùa khô này sẽ không có nước, nên phải đào ao để có nước tưới cho cây trồng mới phát triển kinh tế được. Chúng tôi 5 hộ đào một ao để phục vụ chung. Đất đào ao do tôi hiến, còn kinh phí và sử dụng thì cả 5 hộ dùng chung”.

Theo vận động của Ủy ban xã Phước Lộc (huyện Đạ Huoai), nhiều hộ đồng bào Kinh và dân tộc thiểu số ở thôn Phước Trung như ông K’Đình cùng với nhiều thôn khác các năm trước hay xảy ra hạn nặng đều đang nỗ lực đào ao, hồ nhỏ để tích nước. Chưa bao giờ nơi đây lại nhộn nhịp đào ao, hồ như hiện nay. Anh Đặng Duy Linh, thôn 2, xã Đạ M’Ri thì đang gấp rút hoàn thành việc đào hồ to. Anh chia sẻ: “Chuẩn bị cho tình hình khô thiếu nước nên tôi đào cái ao này giữ nước”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai - ông Trịnh Xuân Thủy nói: “Cả huyện hiện nay không đủ xe, máy múc để đào ao hồ. Người dân đang "khát nước". Chủ trương của tỉnh cho huyện Đạ Huoai đào 27 ao, hồ nhỏ tích nước nhưng tới giờ này người dân đã đăng ký 39 ao, hồ. Chúng tôi cũng đồng ý cho phép đào 39 ao, hồ và hiện dân vẫn đang được đăng ký thêm”.

Sự "khát" của người dân ở đây theo ông Thủy là bởi theo dự báo năm nay có thể sẽ là năm bị nắng hạn gay gắt nhất trong vòng 60 năm qua nên người dân đã biết “khát” ngay từ bây giờ, tức là họ có tinh thần chuẩn bị. Đối với việc thực hiện chủ trương đào ao, hồ nhỏ tích nước để dùng chung cho từng nhóm hộ, tại huyện Đạ Huoai, rất nhiều những nhóm hộ đã phối hợp lại với nhau, chọn vị trí thuận lợi để đào ao, hồ giữ nước. Hiện tại, hạn hán vẫn chưa xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng, nhưng người dân thực hiện sớm công tác chuẩn bị ứng phó một phần để giữ được mực nước ngầm ở mức cao thay vì chờ tới lúc cạn kiệt mới đào ao, hồ thì mực nước đã xuống thấp, gây khó khăn hơn nhiều trong việc tìm kiếm nguồn nước tưới.

Những ao, hồ nhỏ đang được huyện Đạ Huoai khuyến khích người dân đào có diện tích từ 500 – 2.000m2. Ao hồ 500m2 có thể tưới cho 4 – 5ha cây trồng; các ao, hồ có diện tích từ 1.000 – 2.000m2 có khả năng tưới cho 10ha. Người dân cùng chính quyền địa phương tham gia chọn lựa vị trí phù hợp rải rác ở các vùng trũng thấp, đảm bảo nguồn nước. Cả 39 ao, hồ đăng ký của người dân huyện Đạ Huoai có tổng diện tích gần 21.000m2; hiện đã đào xong 10 ao, hồ và vẫn đang gấp rút hoàn thành các ao, hồ còn lại. Toàn huyện có 8 xã và 2 thị trấn thì có 7 xã đăng ký đào ao, hồ nhỏ tích nước; mỗi xã đăng ký từ 4 – 9 ao, hồ.

Với cách làm này, người dân Đạ Huoai tin rằng, nếu hạn hán có xảy ra thì họ đã có sẵn phương án dự phòng. Rõ ràng, nắng hạn ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân nhưng với cách làm này, người dân và cây trồng sẽ không bị "khát cháy".

Huyện Đạ Tẻh cũng là một trong 3 huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng cũng đang ráo riết chuẩn bị ứng phó với hạn hán. Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh Bùi Văn Hùng nói: “Hiện tại, 6 hồ chứa nước lớn trên địa bàn huyện có mực nước thấp hơn thiết kế từ 0,8 – 3,1m. Tuy vẫn chưa đến lúc nắng hạn làm ảnh hưởng đến sản xuất, nhưng toàn huyện Đạ Tẻh cũng đã đăng ký đào 60 ao, hồ nhỏ để ứng phó”.

Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng và huyện Đạ Huoai khảo sát đào ao, hồ tích nước tại rẫy ông K'Đình,
 thôn Phước Trung, xã Phước Lộc (huyện Đạ Huoai). Ảnh: Phạm Kha.

Chủ trương đồng thuận lòng dân

Khắp nơi ở tỉnh Lâm Đồng, nhất là các huyện phía Nam của tỉnh là Đạ Tẻh, Đạ Huoai và Cát Tiên đang tích cực đào ao, hồ nhỏ để tích trữ nước theo Quyết định 1758/QĐ-UBND ngày 18/8/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, Quyết định này quy định sẽ hỗ trợ 30% kinh phí đào ao, hồ cho các nhóm hộ dân để tích nước phòng, chống hạn.

Có thể nói chưa có bao giờ, việc đào ao, hồ tích nước cho mùa khô trở thành một phong trào mạnh như hiện nay. Có sự hỗ trợ của tỉnh, sự tham gia khảo sát, giúp sức của chính quyền cơ sở, người dân đã tự tin và mạnh dạn phối hợp với nhau thành từng nhóm để đào ao, hồ mặc dù kinh phí hỗ trợ tới nay vẫn chưa giải ngân.

Sau những ngày thị sát trực tiếp việc đào ao, hồ của nông dân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, nói: “Quyết định 1758 của UBND tỉnh Lâm Đồng đã giải quyết cùng lúc cả 3 vấn đề: Một là, hệ thống tưới cho sản xuất nông nghiệp để không làm giảm hiệu quả kinh tế nông nghiệp; hai là, giúp người nông dân giảm chi phí đầu tư trong nông nghiệp; ba là, nâng cao tiêu chí về thủy lợi trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Do đó, Quyết định này có ý nghĩa lớn về mặt thực tiễn. Và, cốt lõi là tỉnh đã giao cho từng địa phương lựa chọn những nơi nào đào được ao, hồ nhỏ phù hợp. Do vậy mà nhiều địa phương đăng ký đào 60, thậm chí 80 ao, hồ nhỏ”.

Không phải nói cũng rõ hiệu quả của những ao, hồ nhỏ này là vô cùng lớn. Từ trước tới nay, các hộ gia đình mạnh ai nấy lo chuyện tưới tiêu. Có chăng thì những hộ có đất rẫy trên cao sẽ thuê những hộ ở khu vực thấp có nước để bơm nước tưới cho mình. Nhưng với địa hình đồi núi liên tục thì diện tích đất trên cao, triền dốc, núi là rất lớn, trong khi rất ít hộ dân có ao, hồ.

Tuy nhiên, thông qua triển khai Quyết định 1758, từng nhóm hộ tập hợp lại với nhau, góp chung kinh phí để có 70% kinh phí đào ao, hồ và tất cả các hộ đều sử dụng nước từ ao, hồ này. Với các loại cây trồng lâu năm, chủ yếu là cà phê như tại Lâm Đồng, trong cả mùa chỉ cần tưới từ 2 – 3 lần nên áp lực khô hạn trước đây gần như bị xóa bỏ.

Ông K’Đình vui mừng cho biết: “Bà con tui 5 hộ hợp lại với nhau, hùn kinh phí vào. Tôi hiến đất, xã vận động, Nhà nước hỗ trợ tụi tui làm, ai cũng vui. Đào được cái ao này thì không sợ thiếu nước nữa”.

Dễ hiểu cho sự vui mừng của ông K’Đình và bà con nông dân khác vì nếu tự mỗi hộ bỏ ra 20 – 40 triệu đồng đào một cái ao, hồ để dùng 2 lần trong cả mùa khô thì chi phí rất cao; nhưng cả 5 hộ cùng tham gia thì chi phí ấy là rất thấp, nhưng hiệu quả thì vượt trội.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai Trịnh Xuân Thủy nói: “Phong trào đào ao, hồ nhỏ quá hiệu quả, quá mạnh mẽ nên mặc dù tỉnh vẫn chưa rót kinh phí về nhưng huyện đã sử dụng kinh phí dự phòng của huyện để ứng hỗ trợ cho người dân”.

Theo dự báo của UBND tỉnh Lâm Đồng, các huyện có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng bởi hạn hán sắp tới là Di Linh, Đam Rông và 3 huyện phía Nam: Đạ Tẻh, Đạ Huoai và Cát Tiên. Với phong trào đào ao, hồ nhỏ thì người dân tỉnh Lâm Đồng đã chủ động, tự tin có thể “đẩy lùi” được cả hạn hán. Nói như ông Phạm S: “UBND tỉnh Lâm Đồng đã triển khai rất nhiều giải pháp phòng, chống hạn năm 2016 từ cuối năm 2015, nhưng với Quyết định 1758, tỉnh Lâm Đồng đã giúp cho người dân một chủ trương có ý nghĩa lớn về mặt thực tiễn”./.

 

Phạm Kha – Đặng Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN